Cuộc đấu tranh chống giặc nội xâm suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tuy đã đạt được một số kết quả bước đầu nhưng chưa nhiều, chưa vững chắc và có chiều hướng ngày càng khó khăn, phức tạp bởi loại giặc này diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp, lúc ẩn, lúc hiện. Trước tình hình đó, những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống giặc nội xâm càng hữu ích, thiết thực.
Năm 1952, nhân dịp phát động phong trào
sản xuất và tiết kiệm, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài Thực hành tiết kiệm
và chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu. Người cho rằng: “Tham ô, lãng
phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng. Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống
giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của
mình”. Giặc nội xâm chính là “giặc ở trong lòng”, là tham ô, lãng phí, quan
liêu. Giặc nội xâm ở bên trong mỗi con người, mỗi cơ quan đoàn thể. Giặc bên
ngoài dễ nhìn ra, dễ phát hiện; còn giặc ở bên trong, khó phát hiện, không dễ
nhìn thấy. Vì giặc nội xâm và ngoại xâm cấu kết nhau, chúng ta không chỉ chống
giặc bên ngoài, giặc ngoại xâm, mà còn phải chống giặc bên trong, giặc nội xâm.
Nếu chỉ ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm là chưa làm tròn
nhiệm vụ của mình.
Hồ Chí Minh đã phân tích rõ các biểu hiện của giặc nội xâm, giặc ở trong lòng.
Giặc nội xâm đầu tiên là tham ô. Với cán bộ, tham ô là ăn cắp, ăn bớt của công
làm của tư, đục khoét của nhân dân, tiêu ít mà khai nhiều; lợi dụng của chung,
của Chính phủ làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình. Giặc nội xâm nguy
hại hơn là lãng phí. Theo Người, lãng phí thể hiện dưới nhiều dạng, như: Lãng
phí sức lao động, thời giờ, của công, lãng phí nhiều khi tai hại hơn nạn tham ô.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng căn nguyên của nạn tham ô, lãng phí là bệnh quan
liêu. Vì những người và những cơ quan lãnh đạo từ cấp trên đến cấp dưới không
sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần
chúng; đối với công việc thì trông hình thức mà không xem xét khắp mọi nơi,
không hiểu cặn kẽ vấn đề, chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy,
chứ không kiểm tra đến nơi, đến chốn. “Nói tóm lại, vì những người và những cơ
quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu thành thử có mắt mà không thấu suốt, có tai mà
không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững, kết
quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí”.
Theo Hồ Chí Minh, tham ô, lãng phí, quan liêu là kẻ thù nguy hiểm. Vì nó không
mang gươm, mang súng, mà nó ở ngay trong các tổ chức của ta, làm hỏng công việc,
tinh thần trong sạch và ý chí vượt khó của cán bộ ta. Những kẻ tham ô, lãng phí
và quan liêu thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của
nhân dân, tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám. Tham ô, lãng
phí, quan liêu vẫn còn thì cách mạng vẫn chưa hoàn toàn thành công.
Hồ Chí Minh cho rằng, có những người trong lúc đấu tranh thì hăng hái, trung
thành; không sợ nguy hiểm, gian khổ, không sợ địch, nghĩa là có công với cách mạng;
song đến khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào
tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác đấu tranh với chính mình, cho nên lại
thành người có tội với cách mạng. Đáng sợ hơn là, có những người miệng thì nói
phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, nhưng dễ dàng phạm vào tham ô, lãng phí, hại
đến Tổ quốc, nhân dân. Theo Người, tác hại của loại giặc nội xâm này chẳng khác
nào như cỏ dại đối với lúa; muốn lúa tốt thì phải nhổ cỏ cho sạch, nếu không
thì dù cày bừa có kỹ, bón phân nhiều, lúa vẫn xấu vì lúa bị cỏ át đi.
Tại dự Lễ khai mạc Lớp chỉnh huấn cán bộ đảng, dân, chính các cơ quan Trung
ương (ngày 6-2-1953), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Việc đấu tranh với kẻ địch
ở tiền tuyến bằng súng, bằng gươm còn dễ, nhưng việc đấu tranh với kẻ địch
trong người, trong nội bộ, trong tinh thần, là một khó khăn, đau xót”. Kẻ định
trong người, trong tinh thần cũng là giặc nội xâm, bao gồm mọi cái xấu xa nói
chung, mà chủ yếu là chủ nghĩa cá nhân, là tham ô, lãng phí, quan liêu. Việc đấu
tranh với kẻ địch ở tiền tuyến bằng súng, bằng gươm còn dễ, vì nó ở bên ngoài,
chúng ta dễ nhìn thấy, dễ phát hiện; còn việc đấu tranh với kẻ địch trong người,
trong tinh thần, trong nội bộ là một khó khăn không chỉ trong nhận diện, mà còn
khó khăn trong lúc tiến hành đấu tranh, vì mình phải cắt bỏ chính bản thân
mình, cũng giống như cắt bỏ cái ung nhọt, dù phải cắt bỏ nhưng vô cùng đau xót.
Trong bài nói chuyện tại buổi bế mạc Hội nghị cán bộ của Đảng lần thứ sáu ngày
18-1-1949, Người nói: “Muốn làm cách mạng, phải cải cách tính nết mình trước
tiên”. Và sau này, khi nêu ý kiến về việc làm và xuất bản loại sách người tốt,
việc tốt, (6-1968), Người chỉ rõ: “Muốn giáo dục nhân dân, làm cho mọi người đều
tốt cả thì cán bộ đảng viên phải tự giáo dục rèn luyện hàng ngày. Người xưa còn
biết tu thân mỗi buổi tối kiểm điểm mình và dùng hai cái lọ đỗ đen, đỗ trắng để
ghi việc tốt, việc xấu”. Như vậy, muốn làm cách mạng, muốn giáo dục nhân dân,
làm cho mọi người đều tốt thì cán bộ, đảng viên trước hết phải cải tạo tính nết
của mình, phải tự giáo dục rèn luyện hàng ngày.Trong bài nói chuyện về xây dựng
con người xã hội chủ nghĩa (3-1961), Người nói: “Muốn đánh thắng kẻ địch bên
ngoài, thì trước hết phải đánh thắng kẻ định bên trong là chủ nghĩa cá nhân”.
Như vậy, muốn thắng giặc ngoại xâm, thì trước hết phải thắng giặc nội xâm; mà địch
bên trong chính là chủ nghĩa cá nhân. Vì chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh
nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí… Nó trói
buộc, bịt mắt những nạn nhân, khiến những người này bất kỳ việc gì cũng xuất
phát từ lòng ham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi
ích của giai cấp, của nhân dân. Hồ Chí Minh cho rằng, đấu tranh chống chủ nghĩa
cá nhân không phải là “giày xéo lên lợi ích cá nhân”. Mỗi người đều có tính
cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và gia đình mình. Nếu
những lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích của tập thể thì không phải là xấu.
Người cho rằng, một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại,
có sức hấp dẫn lớn, không chắc chắn hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu
mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân.
Giặc nội xâm nói rộng ra là những cái ác, cái xấu ở bên trong mỗi con người.
Nhưng “mỗi con người đều có cái thiện và cái ác ở trong lòng”, cái xấu và cái tốt
lại không tách rời nhau, đôi khi ranh giới giữa chúng rất mong manh. “Ta phải
biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu
bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng. Đối với những người có thói
hư tật xấu, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong
con người họ nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đập cho tơi bời” Do đó,
cần “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong
những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng
con người mới, cuộc sống mới”.Như vậy, muốn thắng giặc nội xâm, một mặt phải tu
dưỡng đạo đức cách mạng; nhưng mặt khác, phải lấy gương người tốt việc tốt để
hàng ngày giáo dục lẫn nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, muốn đánh thắng giặc
nội xâm, một biện pháp quan trọng là thực hiện tự phê bình: “Người ta, hàng
ngày ai cũng phải rửa mặt cho sạch sẽ. Đảng viên phải coi việc tự kiểm điểm như
rửa mặt. Hàng ngày mỗi đảng viên phải tự kiểm điểm mình”. Bên cạnh đó, cần phê
bình đồng chí mình để giúp tiến bộ. Người nêu rõ: “Tôi làm điều xấu, các đồng
chí trông thấy, phải phê bình cho tôi sửa chữa ngay. Nếu tôi có vết nhọ trên
trán, các đồng chí trông thấy, lại lấy cớ “nể Cụ” không nói là tôi mang nhọ
mãi. Nhọ ở trên trán thì không quan trọng, nhưng nếu có vết nhọ ở trong óc,
trong tinh thần, mà không nói cho người ta sửa tức là hại người”. “Mục đính phê
bình và tự phê bình là để học cái hay, tránh cái dở, chứ không phải để nói xấu
nhau”. Người cho rằng, phải thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình đồng
chí khác để cùng nhau tiến bộ; tự phê bình và phê bình không chỉ luôn dùng mà
còn khéo dùng. Bác thường đặt tự phê bình lên trước, phê bình sau. Khi tự phê
bình phải thật thà, trung thực; còn khi phê bình phải có quan điểm khách quan,
chân thành; để đạt mục đích là cùng nhau tiến bộ.Theo Hồ Chí Minh, vẫn có một số
ít đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân trói buộc mà trở nên kiêu ngạo, công thần, tự
cao tự đại. Họ phê bình người khác mà không muốn người khác phê bình mình;
không tự phê bình hoặc tự phê bình một cách không thật thà, nghiêm chỉnh. Họ sợ
tự phê bình thì sẽ mất thể diện, mất uy tín. Họ không lắng nghe ý kiến của quần
chúng. Họ xem khinh những cán bộ ngoài Đảng. “Họ không biết rằng: Có hoạt động
thì khó mà hoàn toàn tránh khỏi sai lầm. Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm
sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa”(. Người chỉ rõ: “Đảng cách mạng cần tự phê
bình và phê bình như ta cần không khí”, “cũng như người có bệnh nếu giấu giếm bệnh
tật trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh lâu ngày nặng thêm, nguy hiểm đến
tính mạng”. Cho nên, “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng.
Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, xét rõ
hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm
đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh mẽ, chắc chắn, chân chính”.Theo Hồ Chí
Minh: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn
nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Người căn dặn cán bộ,
đảng viên, trước hết phải ăn ở làm sao cho dân phục, dân yêu, dân nghe; không
được quên rằng dân bầu mình ra để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với
dân; cán bộ, đảng viên phải có những phẩm chất như hòa mà không tư, cẩn thận mà
không nhút nhát, vị công vong tư, nói thì phải làm, trực mà không táo bạo.
Người căn dặn Đảng ta đại biểu cho lợi ích chung của giai cấp công nhân, của
toàn thể nhân dân lao động, chứ không phải mưu cầu lợi ích riêng của một nhóm
người nào, cá nhân nào. Sinh trưởng trong một xã hội cũ, chúng ta ai cũng mang
trong mình hoặc nhiều hoặc ít vết tích xấu xa của xã hội đó về tư tưởng, về
thói quen… Thói quen và những tập quán lạc hậu cũng là kẻ địch to; nó ngấm ngầm
ngăn trở tiến bộ. Chúng ta lại không thể trấn áp nó, mà phải cải tạo nó một
cách rất cẩn thận, rất chịu khó, rất lâu dài. Người khẳng định: “Người cách mạng
phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng
vẻ vang”. “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh,
rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài
càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét