“Tuần lễ vàng” là một trong những mốc son chói lọi, đẹp nhất về sức mạnh lòng dân và nghệ thuật huy động sức dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc (ĐĐKTDT), góp phần đưa con tàu Tổ quốc vượt qua “dông tố”, bảo vệ, giữ vững thành quả cách mạng.
Sau một tuần phát động (từ 17 đến 24-9-1945), nhân dân cả nước đã tích cực hưởng ứng "Tuần lễ vàng", ủng hộ vàng, tiền, tài sản... với giá trị quy đổi là 20 triệu đồng Đông Dương và 370kg vàng; giúp Chính phủ có đủ nguồn lực giải quyết khó khăn bức thiết về tài chính, củng cố, giữ vững thành quả cách mạng, tạo cơ sở vững chắc cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc. “Tuần lễ vàng” là bài học quý báu về phát huy sức mạnh ĐĐKTDT, đó là:
Đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng "Tuần lễ vàng". Ảnh tư liệu |
Thứ nhất, sự lãnh đạo, điều hành nhạy bén, kịp thời, sáng tạo của Đảng và Chính phủ lâm thời, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nhân tố quyết định phát huy sức mạnh ĐĐKTDT, bảo đảm thành công của “Tuần lễ vàng”. Những ngày đầu độc lập, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chưa nhận được sự công nhận, ủng hộ từ các nước tiến bộ trên thế giới; quân Tưởng, quân Pháp núp danh nghĩa đồng minh kéo vào giải giáp vũ khí quân Nhật với dã tâm chiếm đóng lâu dài và xâm lược nước ta; ngân quỹ chính phủ bù nhìn, tay sai để lại chỉ vỏn vẹn có 1,25 triệu đồng Đông Dương, nhưng có tới 580 nghìn đồng rách nát đang chờ tiêu hủy và khoản nợ lên đến 564 triệu đồng; nạn đói, nạn dốt hoành hành, các lực lượng phản động trong nước trỗi dậy tăng cường chống phá... Những thách thức đó đe dọa nghiêm trọng đến nền tự do, độc lập và đặt vận mệnh đất nước như thế “ngàn cân treo sợi tóc”.
Trước tình thế đó, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bình tĩnh phân tích, dự báo đúng tình hình, đề ra các giải pháp cấp bách để giải quyết; trong đó có giải pháp dựa vào sự tự nguyện đóng góp của nhân dân nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng về nguồn lực tài chính quốc gia. Ngày 4-9-1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thay mặt Chính phủ lâm thời ký ban hành Sắc lệnh số 4-SL về thành lập “Quỹ độc lập”; sau đó, Chính phủ ra chỉ thị về triển khai tổ chức “Tuần lễ vàng” trong cả nước để thu nhận những món tiền và đồ vật của nhân dân sẵn lòng quyên giúp Chính phủ, ủng hộ nền độc lập quốc gia. Nhân ngày khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi toàn quốc đồng bào, nói rõ sự cần thiết, mục đích, ý nghĩa to lớn của việc tổ chức “Tuần lễ vàng” đối với nhiệm vụ bảo vệ nền tự do, độc lập của nước nhà vừa mới giành được và kêu gọi nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia, làm tròn nghĩa vụ đối với đất nước.
Thứ hai, phát huy vai trò mặt trận đoàn kết trong vận động, tập hợp lực lượng; khơi dậy khát vọng tự do, độc lập của dân tộc, đưa “Tuần lễ vàng” thành phong trào có sức lan tỏa rộng khắp, quy tụ mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Mặt trận Việt Minh, Chính phủ, các tổ chức đoàn thể đã chú trọng tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân, nhất là giới công-thương và những nhà giàu hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa Sắc lệnh của Chính phủ, thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh và “Tuần lễ vàng”.
Đồng bào cả nước, không phân biệt giới tính, tuổi tác, tầng lớp, giai cấp, dân tộc, tôn giáo... đều coi việc tham gia ủng hộ chính quyền cách mạng là trách nhiệm, nghĩa vụ, bổn phận thiêng liêng, cao cả của công dân đối với vận mệnh nước nhà, tự nguyện, tự giác ủng hộ vàng, tiền, vật dụng, kể cả những tài sản quý giá nhất của bản thân, gia đình, dòng họ... cho chính quyền, với mong muốn được góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc bảo vệ, giữ vững nền tự do, độc lập, xứng đáng với “sức hy sinh phấn đấu của các chiến sĩ ái quốc trên các mặt trận”.
Đồng thời, phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của các các nhà tư sản yêu nước, gia đình giàu có, người có uy tín trong xã hội tham gia tuyên truyền, vận động và tổ chức “Tuần lễ vàng”, như: Đỗ Đình Thiện, Trịnh Văn Bô, Nguyễn Sơn Hà, Nguyễn Hữu Nhâm, Vương Thị Lai, cựu Hoàng hậu Nam Phương, Vua Mèo Vương Chí Sình, bà Thềm (Công chúa Chăm)...
Thứ ba, vận dụng sáng tạo quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, truyền thống dân tộc về phát huy vai trò, sức mạnh quần chúng nhân dân trong mặt trận đoàn kết dân tộc. Thành công của “Tuần lễ vàng” chứng minh: Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quán triệt, vận dụng sáng tạo quan điểm Chủ nghĩa Mác-Lênin, truyền thống dân tộc về phát huy vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân để giác ngộ, hiệu triệu lòng dân, đoàn kết toàn dân, huy động, phát huy sức mạnh lòng dân, sức mạnh ĐĐKTDT, tạo thành sức mạnh tổng hợp, nguồn lực to lớn, động lực quan trọng, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng, phù hợp với thực tiễn đất nước.
Đây là chân lý, giá trị, định hướng chiến lược, nhân tố quyết định đưa sự nghiệp cách mạng đến thành công, đúng như Lênin đã khẳng định: “Không có sự đồng tình ủng hộ của đại đa số nhân dân lao động đối với đội tiền phong của mình tức là đối với giai cấp vô sản, thì cách mạng vô sản không thể thực hiện được...”.
Kỷ niệm 77 năm Ngày Quốc khánh là dịp chúng ta ôn lại lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng, tưởng nhớ, biết ơn những công lao, cống hiến to lớn của nhân dân trong "Tuần lễ vàng". Những bài học kinh nghiệm về phát huy sức mạnh ĐĐKTDT trong "Tuần lễ vàng" luôn có giá trị to lớn trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và hiện thực hóa khát vọng xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét