Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2022

Đừng bị “lạc trôi” theo những lời tung hô, kích động

 Ngày 25/8, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm, xét đơn kháng cáo của bị cáo Phạm Thị Đoan Trang (sinh năm 1978, trú tại phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội) trong vụ án “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”.

Cũng tương tự như tại phiên sơ thẩm, các trang mạng truyền thông chống phá Việt Nam ở nước ngoài lại tiếp tục điệp khúc “kêu oan” cho bị cáo Phạm Thị Đoan Trang. Họ đưa ra các bài viết tô vẽ hình tượng, tạo dựng một bị cáo “giữ vững chí khí”, lập luận rằng Phạm Thị Đoan Trang không phạm tội, cần “trả tự do ngay lập tức”!

Cũng với cách tiếp cận này, một số trang mạng còn dùng chiêu “cập nhật diễn biến phiên toà”, đưa thông tin, hình ảnh trong và ngoài phiên toà, thông tin về sức khoẻ, thái độ bị cáo, về thân nhân, việc tranh tụng tại toà… nhằm tạo điểm nhấn gây chú ý như là một sự kiện “bất thường”! Không ít bài viết lấy cớ “minh oan” cho bị cáo, đưa ra lời lẽ phê phán, đả kích phiên toà, đả kích nền tư pháp Việt Nam, từ đó coi đây là “dẫn chứng” để rêu rao trước công luận về “phiên toà bịt miệng”, một thể chế người dân bị bỏ tù vì “dám lên tiếng đấu tranh cho tự do, dân chủ”!

Điều đáng nói, sự tung hô, đánh tráo bản chất vụ án của các trang mạng truyền thông này được sự hậu thuẫn từ những tuyên bố sai lệch của một số cơ quan ngoại giao. Sau khi kết thúc phiên toà, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nêu “Hoa Kỳ hết sức lo ngại trước bản án được giữ nguyên và bản án 9 năm tù đối với tác giả và nhà báo Việt Nam nổi tiếng Phạm Thị Đoan Trang”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price nói rằng, việc bị cáo Phạm Thị Đoan Trang tiếp tục bị giam giữ là trường hợp mới nhất trong “một mô hình đáng báo động về việc bắt giữ và kết án các cá nhân ở Việt Nam vì đã bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa”. Từ đó, bản tuyên bố “kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho bà Trang”!

Trước đó, cũng chính Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã trao cái gọi là “Giải thưởng Phụ nữ Dũng cảm quốc tế (IWOC) năm 2022” cho Phạm Thị Đoan Trang với những lý do rất dễ tạo cớ cho các thế lực chống phá Việt Nam “bấu víu”. Cùng với đó, tuyên bố của người phát ngôn EU cũng đưa ra những thông tin lệch lạc khi cho rằng, tòa phúc thẩm Hà Nội giữ nguyên bản án đối với Phạm Đoan Trang với “tội danh mơ hồ”, “bắt giữ tuỳ tiện”, từ đó đưa ra những bình luận sai trái: “Nhiều vụ bắt giữ và kết án tùy tiện đối với các nhà hoạt động ôn hòa và các nhà báo là trái ngược trực tiếp với luật nhân quyền quốc tế”.

Cũng “té nước theo mưa”, tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) ra thông cáo bày tỏ “sự bất bình trước bản án phúc thẩm của bà Trang”! Cũng chính RSF từng tung ra trò giải thưởng báo chí rồi “vinh danh” người đoạt giải RSF 2019 về quyền tự do báo chí cho Phạm Thị Đoan Trang. Lần này, RSF lấy cớ phiên phúc thẩm y án 9 năm tù với bị cáo rồi “kêu gọi các đối tác thương mại của Việt Nam, chẳng hạn như EU và Hoa Kỳ, yêu cầu trả tự do cho bà Phạm Đoan Trang như một phần trong thỏa thuận của họ với Hà Nội”.

Ông Daniel Bastard, Giám đốc văn phòng châu Á - Thái Bình Dương của RSF đưa ra những lời lẽ cố tình phớt lờ sự thật để nhằm lấy cớ chỉ trích Việt Nam: “Cuộc chiến của bà Trang cho một nền báo chí tự do cho tất cả mọi người vượt ra ngoài biên giới của đất nước, đó là cuộc chiến cho một quyền phổ biến”.

“Thổi lửa” sự kiện này, Ủy ban Bảo vệ ký giả (CPJ) dẫn lời ông Shawn Crispin, đại diện khu vực Đông Nam Á của tổ chức này: “CPJ mạnh mẽ lên án phán quyết của tòa án ngày hôm nay bác bỏ kháng cáo của nhà báo Phạm Thị Đoan Trang về bản án 9 năm tù của bà. Việt Nam phải trả tự do cho bà Trang và tất cả các nhà báo khác mà nước này giam giữ một cách sai trái sau song sắt”! Cũng chính CPJ mới đây đã ra tuyên bố sẽ trao “Giải thưởng Tự do báo chí Quốc tế (IPFA) năm 2022” cho Phạm Thị Đoan Trang, dự kiến vào cuối năm 2022.

Như vậy, từ những phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, EU với những thông tin sai lệch về vụ án cũng như đưa ra những tuyên bố, kêu gọi phi thực tế, các tổ chức chống phá Việt Nam như RSF, CPJ… được dịp “lên đồng” với các tuyên bố, thông cáo cố tình xuyên tạc sự thật, chỉ trích, miệt thị nền tư pháp, chỉ trích Đảng, Nhà nước Việt Nam dưới chiêu bài nhân quyền, tự do báo chí, tự do ngôn luận. Hành động này cũng thể hiện tương tự như tại phiên toà sơ thẩm hồi năm ngoái, dù nội dung, bản chất vụ án đã được thể hiện rất rõ và thông tin cụ thể trên các phương tiện truyền thông.

Đây là vụ án xét xử công khai, hoàn toàn không có gì “mập mờ” hay “tuỳ tiện” như những phán xét nói trên. Việc xét xử phúc thẩm là dựa trên kháng cáo của bị cáo và TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở thủ tục phiên toà theo đúng trình tự pháp luật tố tụng hình sự. Cáo trạng tại phiên phúc thẩm một lần nữa nêu rõ, trong khoảng thời gian từ ngày 16/11/2017 đến 5/12/2018, bị cáo Phạm Thị Đoan Trang có hành vi làm, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Ngoài ra, bị cáo Đoan Trang còn trả lời phỏng vấn trên truyền thông nước ngoài với nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân. Cụ thể, Phạm Thị Đoan Trang có hành vi tàng trữ các tài liệu: “Báo cáo tóm tắt về thảm họa môi trường biển Việt Nam”; “Đánh giá chung về tình hình nhân quyền tại Việt Nam”; "Báo cáo đánh giá về luật tôn giáo và tín ngưỡng năm 2016 liên quan đến việc thực hiện quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam”. Cơ quan tố tụng xác định, các tài liệu trên có nội dung tuyên truyền, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Vào giữa tháng 12/2021, TAND thành phố Hà Nội đã xét xử sơ thẩm vụ án và tuyên án phạt 9 năm tù đối với bị cáo Phạm Thị Đoan Trang về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Cần thấy rằng, việc toà phúc thẩm có giảm nhẹ hình phạt hay không phải căn cứ hồ sơ, tài liệu, có tình tiết mới nào là căn cứ giảm nhẹ hình phạt hay thái độ của bị cáo có ăn năn, hối lỗi so phiên sơ thẩm? Tuy nhiên, diễn biến tại phiên toà cho thấy, dù cáo trạng đã nêu rõ tính chất, mức độ phạm tội, các căn cứ kết án, bị cáo Phạm Thị Đoan Trang vẫn giữ thái độ như trước đó, tiếp tục cho rằng mình không phạm tội và kêu oan. Khi được HĐXX giải thích, bị cáo Phạm Thị Đoan Trang không thành khẩn khai báo, có thái độ chống đối tại phiên tòa. Trong khi đó, trên cơ sở xét hỏi công khai tại phiên phúc thẩm, căn cứ lời khai, tài liệu, kết quả giám định, tòa phúc thẩm nhận định, đủ cơ sở để kết luận hành vi phạm tội của bị cáo. Toà phúc thẩm đánh giá, việc tòa sơ thẩm tuyên án phạt 9 năm tù đối với bị cáo Phạm Thị Đoan Trang về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” là đúng người, đúng tội, không oan, hình phạt phù hợp với hành vi phạm tội. HĐXX xác định hành vi của bị cáo Phạm Thị Đoan Trang là nguy hiểm cho xã hội, thực hiện với lỗi cố ý xâm phạm chế độ và Nhà nước trên lĩnh vực tư tưởng-văn hóa, xã hội, xâm phạm đến sự vững mạnh của chính quyền nhân dân. Bản thân bị cáo là người có trình độ nhận thức nhất định. Bị cáo hiểu và biết rõ hậu quả hành vi vi phạm của mình nhưng vẫn tích cực thực hiện trong một thời gian dài, do vậy cần phải xử phạt nghiêm minh. Vì vậy, toà phúc thẩm tuyên y án 9 năm tù đối với bị cáo.

Rõ ràng, khi không có tình tiết nào làm thay đổi tính chất vụ án, bị cáo là người có nhận thức, hiểu hành động mình làm nhưng vẫn quanh co chối tội và có thái độ chống đối thì không có căn cứ nào để giảm nhẹ hình phạt. Căn cứ quan trọng nhất là thái độ thì đến phiên phúc thẩm, bị cáo vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy sự hối lỗi, ăn năn về hành vi phạm tội của mình thì HĐXX lấy cơ sở nào để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo so bản án sơ thẩm.

Rõ ràng, chính bị cáo đã tự tước lấy cơ hội giảm nhẹ hình phạt với thái độ ngoan cố của mình. Bị cáo hay nếu ai đó còn suy nghĩ chờ đợi những tung hô, kêu gọi của các tổ chức, cá nhân bên ngoài để được giảm án, xoá án hay để thành “thần tượng”, thành tâm điểm của sự chú ý nào đó thì đây là lúc họ cần nghĩ lại, nhìn nhận lại.

“Đánh người chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, luật pháp nghiêm khắc nhưng cũng nhân văn, khoan hồng với những ai biết lỗi lầm mà ăn năn sám hối, điều đó tùy thuộc ý thức và hành động của chính mình chứ không phải ở sự tung hô nào khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét