ần cất cánh, những phi công của Đại đội 5 bay đêm đều xác định là chuyến bay cảm tử. Từ các sân bay dã chiến ở Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Bình… những chiếc tiêm kích phản lực MiG-21 vút lên bầu trời đêm truy lùng “pháo đài bay” B-52.
Những chuyến bay cảm tử
Trước khi thành lập Đại đội 5 hay còn gọi Phi đội 5 bay đêm, Bộ tư lệnh Phòng không - Không quân tuyển chọn phi công rất kỹ lưỡng. Bay đêm, mắt phi công phải tinh hơn, thần kinh tốt hơn. Như lời của Đại tá Hoàng Biểu, “Phi công bay đêm phải nhỉnh hơn phi công bay ngày thì mới hoàn thành được nhiệm vụ”.
Đại tá phi công Hoàng Biểu (bên trái) và Đại tá phi công Vũ Đình Rạng - hai trong số ít các cựu phi công bay đêm trên tiêm kích MiG-21 của Sư đoàn Không quân 371 tham gia không chiến với máy bay Mỹ trong chiến tranh. Ảnh: Nguyễn Minh. |
Đến tháng 8/1970, 3 phi công Hoàng Biểu, Đinh Tôn, Vũ Đình Rạng và một số phi công khác đã tham gia vào đoàn nghiên cứu cách đánh B-52 trên vùng trời thuộc địa bàn Khu 4. Sau nhiều ngày nghiên cứu, bộ đội không quân tìm ra cách đánh và xây dựng phương án bay.
Chiến công bay đêm 20/11/1971 của phi công Vũ Đình Rạng chỉ được công nhận sau hàng chục năm. Năm 2018, trong cuộc giao lưu giữa các cựu phi công Việt Nam và Mỹ, phi công thoát chết trong trận không kích David Robert Volker thừa nhận chiếc B-52 do ông điều khiển đã trúng tên lửa và bị thương bởi MiG-21. Việc B-52 vốn được người Mỹ cho là “bất khả xâm phạm” đã bị phi công bay đêm Việt Nam tiếp cận và bắn trúng. Trận đánh khẳng định: Không quân ta có thể tiêu diệt được “pháo đài bay” B-52 của Mỹ.
“Mỹ có 2 lực lượng đánh vào đường Hồ Chí Minh, con đường chiến lược vận tải chi viện cho tiền tuyến miền Nam và chủ yếu đánh vào ban đêm. Họ dùng B-52 và máy bay vận tải quân sự C-130 tác chiến, khi phát hiện cung đường vận tải của ta, họ sẽ dùng bom, đạn đánh phá ác liệt, gây thiệt hại lớn cho lực lượng vận tải của Đoàn 559 Trường Sơn. Mục tiêu của MiG-21 bay đêm là phải đánh được hai loại máy bay đó để giảm sự đánh phá, bảo vệ tuyến huyết mạch này”, ông Rạng nói.
Ông Rạng cho biết thêm, mỗi lần phi công bay đêm xuất kích lên vùng trời Khu 4, Quân đội Mỹ ngay lập tức có thông báo: “MiG ở cổ chai”. Lúc này, B-52 từ Thái Lan bay qua Lào vào Việt Nam đánh phá tuyến đường Hồ Chí Minh đều quay đầu để tránh chạm trán với MiG-21 của ta. Để xua đuổi B-52 và C-130 đánh phá khu vực này, các phi công bay đêm xuất kích với tinh thần cảm tử “không quan tâm đến việc hạ cánh”.
Nhớ lại một trong những lần xuất kích cảm tử, Đại tá Hoàng Biểu kể: Đêm 30/3/1972, khi quân ta mở mặt trận Quảng Trị, ông cất cánh từ sân bay Vinh, nhằm gây thanh thế khiến B-52 của Mỹ dạt ra ngoài, không đánh bom vào các vị trí của bộ binh ta tập kết quân chuẩn bị mở chiến dịch. Đến khi bay về, do thời tiết xấu, nhiều lần xuyên mây xuống nhưng không thấy đường băng, ông đành phải nhảy dù.
Dũng cảm lập công
Ở chiến trường Khu 4, thời tiết bất thường, rađa bắt tín hiệu chập chờn. Nếu sử dụng radio thì địch nghe thấy, B-52 sẽ không vào nữa. Muốn giữ được bí mật, phi công bay đêm bay theo phương án đã đặt ra, không liên lạc với chỉ huy. Lúc cất cánh phải “im hơi, lặng tiếng”, tắt liên lạc. Bay đêm, nếu bay thấp sẽ có nguy cơ đâm vào núi, bay cao thì rađa Hạm đội 7 của Mỹ phát hiện phóng tên lửa vào MiG-21. Bởi thế, không quân ta vạch ra phương án bay tỉ mỉ cho từng địa điểm, thời gian, độ cao, tốc độ… cụ thể.
Đêm 20/11/1971, một chiếc B-52 của Mỹ đã bị tiêm kích MiG-21 do phi công Vũ Đình Rạng điều khiển cất cánh từ sân bay Anh Sơn bắn bị thương. Ông Rạng kể: Khoảng 19 giờ 40 phút, khi thấy có tín hiệu của B-52, Sở chỉ huy lệnh cho phi công Hoàng Biểu ở sân bay Vinh cất cánh lên đánh chặn, nhưng bị địch phát hiện không cho B-52 vào nữa. Lúc gần hết nhiên liệu, máy bay của ông Biểu phải quay ra Nội Bài hạ cánh. Sau 30 phút, lại xuất hiện B52, Sở chỉ huy lệnh cho ông Rạng cất cánh.
“Như thường lệ, lực lượng không quân mỗi đêm chỉ trực một chiếc. Nhưng đêm 20/11, ta cho trực 2 chiếc MiG-21, một chiếc ở sân bay Vinh, một chiếc ở sân bay Anh Sơn. Khi máy bay của anh Hoàng Biểu về hạ cánh thì tôi được lệnh bay lên đánh địch”, ông Rạng nói
Đêm đó, phi công Vũ Đình Rạng cất cánh, đi theo phương án đã định sẵn, không có chỉ huy liên lạc. Vào đến vùng trời Hà Tĩnh, Sở chỉ huy phát hiện B-52 cách máy bay của ta 70km và ra lệnh vứt thùng dầu phụ rồi tăng lực, tăng độ cao.
Khi cách mục tiêu 15km, sở chỉ huy cho bật rađa, lúc đó trên màn hình xuất hiện 3 chiếc B-52, ông cho máy bay lên độ cao 10km, tốc độ 1.300 đến 1.400km/giờ, ổn định đường ngắm, rồi tiếp cận mục tiêu ở khoảng cách 2km, bấm nút phóng quả tên lửa tầm nhiệt và kéo máy bay sang một bên. Nhìn sang bên phải, tiếp tục thấy một chiếc B-52 khác, ông phóng quả tên lửa thứ 2 vào mục tiêu và quay về hạ cánh an toàn. Lúc hạ cánh xong, tắt hết đèn đường băng và các thiết bị, mở buồng lái ra thấy tiêm kích F4 đuổi theo, tiếng động cơ ù ù trên đầu…
Cuối năm 1972, trước khả năng Mỹ sẽ dùng B-52 đánh phá miền Bắc, Quân chủng Phòng không - Không quân đã khẩn trương tổ chức huấn luyện bay đêm bổ sung cho Phi đội 5. Gần 10 phi công bay giỏi, kỹ thuật tốt, bản lĩnh vững vàng được lựa chọn để tập luyện cất cánh với tên lửa bổ trợ, bay đánh chặn B-52 bằng rađa, kết hợp bằng mắt.
Đại tá Bùi Doãn Độ cho hay, trong Chiến dịch 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là ký ức không thể nào quên đối với ông. Vì lúc ấy, ông chỉ mới 22 tuổi, là người trẻ nhất trong phi đội được lệnh xuất phát trên chiếc MiG-21, đồng thời là người bắn rơi chiếc máy bay F-4 cuối cùng của Mỹ trên bầu trời miền Bắc.
Khi đó, ông Độ cùng đồng đội trực chiến ở sân bay dã chiến trên Miếu Môn. Do địch đánh phá dữ dội nên Phi đội 5 phải di chuyển về sân bay Hòa Lạc, rồi sau đó lại đi sân bay Kép (Bắc Giang) để trực chiến. 23 giờ ngày 29/12/1972, sau một vòng “săn” B-52 không được, ông quay về thì được Sở chỉ huy thông báo có địch. Ngay khi phát hiện tốp F-4 đang bắn phá trận địa của ta, ông liền tăng tốc đuổi theo và phóng tên lửa trúng đích.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét