Thấm nhuần và phát huy phương pháp ngoại giao cây tre, nắm vững nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng
vạn biến”; luôn ““biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế” để “cương nhu kết hợp” vì lợi ích
tối cao của quốc gia - dân tộc”, công tác đối ngoại trong thời gian tới cần làm tốt những nhiệm
vụ sau đây:
Một là, giữ vững nguyên tắc “ngoại giao cây tre”, công tác đối ngoại cần đổi mới tư duy, mạnh
dạn đột phá, sáng tạo, tìm ra cách làm mới, mở rộng ra các lĩnh vực mới, tìm kiếm các đối tác
mới, hướng đi mới. Vì vậy, cần phải chủ động, thường xuyên theo dõi, nghiên cứu, nắm chắc
diễn biến tình hình khu vực, thế giới và các mối quan hệ quốc tế để kịp thời đề xuất các giải pháp
thích hợp. Nhấn mạnh yêu cầu này, đòi hỏi cán bộ ngoại giao “phải nhạy bén, dám nghĩ, dám
làm, có tinh thần chủ động tiến công, dám vượt ra khỏi khuôn khổ những tư duy cũ, những lĩnh
vực quen thuộc để có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế”.
Tuy nhiên, dù có đổi mới cũng cần nắm vững nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, phải trên
cơ sở “giữ vững nguyên tắc, chắc chắn, thận trọng, kiên định mục tiêu và chân thành, khiêm
tốn”, mang đúng bản sắc cây tre Việt Nam “thân gầy guộc, lá mong manh” nhưng đầy bản lĩnh,
kiên cường, “lạt mềm buộc chặt”.
Hai là, tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện đúng đắn đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa
bình, hợp tác, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu
rộng; tăng cường hợp tác, tiếp tục tạo thế đan xen lợi ích chiến lược giữa nước ta với các nước,
ngăn ngừa xung đột, tránh đối đầu, bị cô lập, phụ thuộc vì lợi ích quốc gia - dân tộc.
Mục tiêu bao trùm của công tác đối ngoại hiện nay là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định;
đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn
lãnh thổ và các lợi ích chính đáng phù hợp với luật pháp quốc tế. Luôn kiên trì, bình tĩnh, sáng
suốt, khôn khéo, xử lý đúng đắn các mối quan hệ đối ngoại. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng
và có nhiều thách thức, đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực, cố gắng thực hiện tốt.
Ba là, chủ động, tích cực tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương nhằm
nâng tầm công tác đối ngoại đa phương, coi đây là một định hướng chiến lược quan trọng. Phát
huy các kết quả quan trọng của các diễn đàn đa phương mà Việt Nam đã tham gia, đặc biệt là
phối hợp với các đối tác thúc đẩy việc thực hiện các sáng kiến đã được thông qua của Việt Nam.
Cần thể hiện vai trò nòng cốt trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và tiếp tục tham gia
tích cực trong khuôn khổ hoạt động của Liên hợp quốc, nhất là trong việc thực hiện mục tiêu
phát triển bền vững và tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Bốn là, mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động đối ngoại, nhất là hợp tác kinh tế,
văn hóa và hợp tác trên lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng với các nước; tiếp tục đưa các
mối quan hệ với các đối tác, trước hết là các nước láng giềng và các nước lớn, đi vào chiều sâu,
ổn định, hiệu quả; “ưu tiên duy trì ổn định và giữ đà quan hệ, tăng cường tin cậy chính trị, thúc
đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, đồng thời xử lý các khác biệt và vấn đề nảy sinh trên tinh thần hợp
tác, hữu nghị, kiểm soát bất đồng, dựa trên luật pháp quốc tế và thông lệ khu vực”.
Năm là, coi trọng, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược, tập
trung đánh giá kỹ các xu hướng vận động trong chính sách và quan hệ giữa các nước lớn, các
nước láng giềng, khu vực, các xu hướng chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội trên thế giới và khu
vực, nhất là trước tác động như vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi
số, kinh tế số, xã hội số và sự nguy hại của dịch bệnh và biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu, dự báo các kịch bản về những biến đổi trong trật tự thế giới, khu vực và chủ động
chuẩn bị các phương án để ứng phó. Nhận thức rõ những điểm mạnh, điểm yếu của mình; tỉnh
táo xác định giá trị và vị trí chiến lược của đất nước trong tình hình mới để hoạch định chiến
lược, chính sách cho phù hợp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét