Thứ Tư, 31 tháng 1, 2024

Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"


Văn kiện Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; sự tồn tại và những diễn biến phức tạp của tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí”[1],... chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Trong những căn bệnh của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống là căn bệnh nguy hiểm hàng đầu, là căn nguyên gây ra nhiều căn bệnh khác. Không phải ngẫu nhiên mà trong các bài giảng huấn luyện cho cán bộ từ năm 1925, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy”.

Nhìn lại bài học sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu những năm 90 của thế kỷ XX, cho chúng ta thấy: “Một trong những nguyên nhân sai lầm quan trọng nhất của Đảng Cộng sản Liên Xô là từ bỏ Chủ nghĩa Mác - Lênin. Thông qua công cuộc cải tổ, Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô mà đứng đầu là Tổng Bí thư Goóc-ba-chốp lúc đó đã loại dần những người cộng sản trung thành với Chủ nghĩa Mác - Lênin. Không chỉ có thế, ông còn cho rằng, học thuyết Mác - Lênin đã lỗi thời”. Trong bài viết: “Vì sao Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã” đăng trên Tạp chí Cộng sản từ năm 1992, tác giả Nguyễn Phú Trọng đã nhận định:“Chính là vì người ta hiểu sai và làm sai chủ nghĩa Mác - Lênin”. Đây là điều đáng lo ngại nhất và cũng là nguy cơ lớn nhất đối với một đảng cầm quyền, như Lênin và Hồ Chí Minh đã từng cảnh báo.

Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các chỉ thị, nghị quyết khóa XII ngày 27/5/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: Trong khi ở nhiều nơi, đời sống nhân dân còn khó khăn, nhiều yêu cầu thiết yếu của quần chúng chưa được bảo đảm, thì có những cán bộ, đảng viên chỉ lo thu vén cá nhân, xoay xở làm giàu, ăn uống chè chén bê tha; thậm chí có người vô trách nhiệm với dân, vô cảm trước những khó khăn, đau khổ của quần chúng. Một số người còn lợi dụng chức quyền để đục khoét, vơ vén của cải của Nhà nước, của tập thể trở thành những con sâu mọt tệ hại của xã hội. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đó là, sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân; ngại khó, ngại khổ, ngại va chạm; bất chấp đạo lý, dư luận; kỷ luật, kỷ cương không nghiêm của một bộ phận cán bộ, đảng viên không gương mẫu, nói không đi đôi với làm, thiếu quyết tâm chỉ đạo còn diễn ra ở một số tổ chức Đảng, cấp ủy viên. Cho nên, giải pháp hàng đầu là đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một số cán bộ, đảng viên, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng; chính là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cùng với đó phải đổi mới, nâng cao hiệu quả giáo dục chính trị tư tưởng, đã đến lúc, Đảng phải có các quy định nghiêm khắc với những đảng viên nhạt phai lý tưởng, suy giảm niềm tin, nói, viết trái với nền tảng tư tưởng và đường lối của Đảng. Trên cơ sở đó, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kiên quyết khai trừ những đối tượng thoái hóa, biến chất về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống ra khỏi Đảng.

Tại hội nghị lần này, Trung ương tập trung trí tuệ, sức lực, phát huy cao nhất trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, xác định rõ trách nhiệm của tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và mỗi đồng chí Ủy viên Trung ương trong thảo luận, quyết nghị từng nội dung, vấn đề theo chương trình, kế hoạch đề ra. Kết quả của Hội nghị Trung ương lần này cho thấy quyết tâm rất lớn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết những vấn đề quan trọng, tạo điều kiện và động lực để đất nước phát triển nhanh, bền vững; đặc biệt, tập trung xác định hệ thống các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng-nhiệm vụ cấp bách và không thể chậm trễ hiện nay.

Để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII một cách có hiệu quả, trước hết, cấp ủy từng cấp, trực tiếp là bí thư cấp ủy cần nắm vững những nội dung trọng tâm, cốt yếu được Trung ương thảo luận và quyết nghị tại hội nghị lần này, nhất là những điểm mới về biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống đã được Trung ương chỉ ra. Đó vừa là cơ sở, vừa là điều kiện để cấp ủy các cấp tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương, đơn vị. Trên cơ sở nhận thức đúng, nắm vững nội dung và hệ thống giải pháp cơ bản của Hội nghị Trung ương để cấp ủy các cấp nghiên cứu xây dựng kế hoạch, chương trình hành động phù hợp và thiết thực.

Trước hết, tăng cường giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Phải khẳng định đây là giải pháp không mới nhưng đó là giải pháp cơ bản luôn được Đảng ta nhấn mạnh suốt hơn 86 năm qua. Trong tình hình hiện nay, cần phải có những cách làm mới hơn, thiết thực hơn.

Những vụ việc gần đây, như vụ của Trịnh Xuân Thanh lộ ra nhiều vấn đề trong giáo dục, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Tại sao trong một tổ chức Đảng có người đứng đầu luôn mẫu mực, đi chiếc xe ô tô không thuộc hạng sang và không cần mua sắm xe mới thì một cán bộ cấp tỉnh lại chạy siêu xe tư nhân gắn biển xanh mà đồng chí, đồng đội xung quanh không thấy phản cảm, không phê phán, đấu tranh? Ngoài kẽ hở về quản lý kê khai tài sản thì dường như trong Đảng ta, trực tiếp từ cấp chi bộ lâu nay dường như đã buông lỏng, xem nhẹ giáo dục, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Nếu như những biểu hiện “lệch chuẩn”, những dấu hiệu bất thường về đạo đức, lối sống sớm được phát hiện, chấn chỉnh ngay từ chi bộ đảng, từ nơi đảng viên công tác, thì có lẽ sự tha hóa, trượt dài trên những vũng bùn tội lỗi sẽ được ngăn chặn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét