Thứ Tư, 31 tháng 1, 2024

Một số biện pháp đấu tranh hiệu quả với các thế lực thù địch


Đấu tranh với mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá Đại hội XII của Đảng là một hoạt động thường xuyên trong chuỗi hoạt động đấu tranh làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Để đạt được mục tiêu, yêu cầu của cuộc đấu tranh này, phải chủ động nhận diện, vạch trần bộ mặt thật và thủ đoạn của những kẻ chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; đồng thời có những giải pháp đấu tranh khôn khéo, phù hợp với tình hình, làm thất bại mọi mưu đồ của chúng. Trong đó, cần tập trung triển khai những giải pháp cơ bản sau:

Một là, tiếp tục kiên định mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, khắc phục nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa trong đường lối đổi mới của Đảng. Mọi thủ đoạn chống phá Đại hội XII của Đảng về chính trị đều nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng, từ bỏ mục tiêu, làm chệch hướng chủ nghĩa xã hội, hòng đưa nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Lâu nay, các thế lực thù địch thường rêu rao: “Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội sai lầm nghiêm trọng”; rằng “đó là mô hình dẫn loài người đến diệt vong”, “đưa đất nước đến chỗ không thể phát triển”, v.v. Và, trước thềm Đại hội XII của Đảng thì những luận điệu tuyên truyền cũ rích đó của chúng tiếp tục được nhai lại hòng hạ thấp uy tín của Đảng ta. Vì vậy, để làm thất bại thủ đoạn của chúng, trước hết phải coi trọng kết hợp giữa xây và chống. Một mặt, phải chủ động đấu tranh với mọi luận điệu tuyên truyền sai trái, thù địch. Mặt khác, chúng ta cần khẳng định những thành tựu đã đạt được và điều quan trọng là toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đây là mục tiêu không bao giờ thay đổi, là vấn đề có tính nguyên tắc, bài học xuyên suốt trong quá trình đổi mới đất nước. Công tác tuyên truyền phải tiếp tục khẳng định “Đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử”1. Để khẳng định vấn đề đó hợp quy luật, điều quan trọng là làm rõ những quan điểm có tính nguyên tắc về đổi mới. Đổi mới không phải là từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội, mà làm cho chủ nghĩa xã hội được nhận thức đúng đắn hơn và được xây dựng có hiệu quả hơn. Đó là một sự nghiệp khó khăn, phức tạp và lâu dài, nhưng là con đường hợp quy luật để có một nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong tư tưởng chỉ đạo đổi mới có một vấn đề mang ý nghĩa chiến lược, đó là: phải thấu triệt nguyên tắc “kiên định, kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Tuyệt đối không được xa rời nguyên tắc đó. Bởi nếu không tuân thủ nguyên tắc, sẽ dễ dẫn đến sai lầm về chính trị, nhất là khi quyết sách, giải quyết những vấn đề nhạy cảm (còn có ý kiến khác nhau), như: kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nhận thức đối tác, đối tượng trong hội nhập quốc tế; vấn đề động lực phát triển đất nước, v.v. Đây cũng là những nội dung mà các thế lực thù địch đang tập trung tìm cách xuyên tạc, bóp méo. Do đó, trong quá trình chuẩn bị cũng như thảo luận về Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, các ý kiến đóng góp phải thật sự dân chủ, trách nhiệm, trí tuệ, nhưng cũng hết sức tỉnh táo, tránh để xảy ra sơ hở để các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị lợi dụng chống phá.

Đối với thủ đoạn tung luận điệu xuyên tạc trên các trang mạng, phát tán tờ rơi hòng làm lung lạc niềm tin của nhân dân và cán bộ, đảng viên đối với Đảng, hoặc mơ hồ về quan điểm của Đảng ta; chúng ta cần vạch trần bản chất phản động và động cơ của bọn chúng. Cần phải chỉ rõ đó là những luận điệu xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng, hòng phủ nhận mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Cùng với đó, phải có biện pháp quản lý các trang mạng xã hội, công tác xuất bản các ấn phẩm, tài liệu Đại hội, để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tiếp xúc, nghiên cứu những văn bản chính thống, nhằm tăng tính hiệu quả của việc tham gia góp ý vào dự thảo các văn kiện của Đảng.

Bên cạnh đó, cần tổ chức tốt hệ thống truyền thông, tuyên truyền sâu rộng đường lối, quan điểm của Đảng đến với quần chúng nhân dân và cán bộ, đảng viên. Nâng cao hiệu quả đấu tranh trực diện với những quan điểm sai trái, phủ nhận quan điểm, đường lối của Đảng trên các trang mạng in-tơ-nét, blog, sách, báo, ấn phẩm…; kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các đối tượng cơ hội chính trị, tăng cường công tác an ninh, kịp thời phát hiện và bóc gỡ những tổ chức phản động. Đồng thời, phát huy tính chủ động, nhạy bén, bản lĩnh chính trị vững vàng, trí tuệ sâu sắc và tính chiến đấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong việc bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng.

Hai là, tiếp tục khẳng định tính đúng đắn và tầm quan trọng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Mục đích của các thế lực thù địch chống phá Đại hội XII của Đảng về tư tưởng nhằm làm cho Đảng ta xa rời, dẫn đến từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thay vào đó là hệ tư tưởng tư sản; làm cho nhân dân mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Do đó, để đấu tranh làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn trên, trước hết phải khẳng định: Đổi mới không phải là xa rời chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mà là nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo và không ngừng phát triển học thuyết đó, lấy đó làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng, làm cơ sở phương pháp luận quan trọng nhất để phân tích tình hình, hoạch định và hoàn thiện đường lối đổi mới.

Biện pháp rất quan trọng, có tính quyết định đến việc giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng, đó là chủ động nắm chắc tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội; kịp thời phát hiện những hoạt động chống phá về tư tưởng, gây hoang mang, dao động niềm tin, mơ hồ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chủ động đấu tranh với luận điệu mà chúng đang rêu rao, tuyên truyền trên các trang mạng xã hội, như: “làm gì có kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, “không có nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”...; hoặc luận điệu đòi “đa nguyên, đa đảng”, đòi “từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh”,… để từ đó có biện pháp dự báo, phòng ngừa, đấu tranh, phản bác một cách trực tiếp trên những phương tiện thông tin đại chúng. Mặt khác, phải tăng cường công tác tuyên truyền, làm cho nhân dân nhận rõ những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong 30 năm đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở đó, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức đa dạng, có sức hấp dẫn để tạo sự thẩm thấu và lan tỏa nhanh hơn, sâu rộng hơn, làm cho hệ tư tưởng của giai cấp công nhân “chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần của toàn xã hội”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét