Thứ Tư, 31 tháng 1, 2024

Tin giả - sự nguy hại và phương cách ngăn chặn

     Tin giả đang nổi lên thành vấn nạn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, vấn nạn tin giả diễn ra tràn lan, gây thiệt hại lớn trên nhiều lĩnh vực, phương diện, nhất là các thế lực thù địch sử dụng tin giả để thực hiện âm mưu, thủ đoạn chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và dân tộc ta.

Để khắc chế, đẩy lùi vấn nạn tin giả, với trách nhiệm rất cao, Việt Nam đã đề xuất thành lập đội phản ứng của ASEAN về tin giả và được các quan chức cao cấp ASEAN đồng thuận, ủng hộ. Tuy nhiên, việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, cách thức vận hành đội phản ứng nhanh để đi vào hoạt động hiệu quả vẫn còn là bài toán nan giải. Cùng với đó, việc phát huy vai trò của Trung tâm an ninh mạng quốc gia và Trung tâm phòng, chống tin giả tuy đạt kết quả bước đầu khả quan nhưng vẫn thụ động; chủ yếu là ứng phó, xử lý sự cố, sự việc khi có tình huống mà chưa đề cao đúng mức tính chủ động trong dự báo, ngăn chặn, đẩy lùi tin giả từ sớm, từ xa...

Cùng với đó, để khống chế, đẩy lùi tin giả thì công tác cung cấp, định hướng thông tin chính thống phải được xem là giải pháp trọng yếu, ưu tiên hàng đầu. Theo đó, cơ quan chức năng phải thực sự “đi trước, đón đầu” trong việc cung cấp thông tin chính xác, đồng bộ, rộng khắp; biến thông tin chính thống thành dòng chủ lưu trong đời sống thông tin xã hội để ngăn chặn, phòng ngừa, đẩy lùi tin giả. Khi xuất hiện tình huống tin giả, cơ quan chức năng cần có ngay các giải pháp quản lý, khống chế cả về số lượng, phạm vi, mức độ, cường độ lây lan của tin giả trên không gian mạng. Phải nỗ lực khắc chế, đẩy lùi tin giả từ khi chúng vừa manh nha hình thành, hay chí ít là khi chúng xuất hiện nhỏ lẻ, chứ không thể để tin giả lây lan rộng khắp, trở thành "điểm nóng" trên MXH rồi mới “theo đuôi”, đi tìm cách khắc phục, xử lý...

Vấn đề đáng bàn ở đây là vì sao những tin tức giả mạo, bịa đặt trắng trợn vẫn có thể xuất hiện kéo dài trên MXH, gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng chưa có cơ quan chức năng kịp thời đứng ra nhận trách nhiệm hoặc chủ động đấu tranh, cung cấp thông tin chính thống nhằm điều chỉnh, uốn nắn, định hướng dư luận ở những thời điểm nhạy cảm? Phải chăng vẫn còn vướng mắc nào đó về mặt cơ chế, hay là do chi phối bởi căn bệnh sợ trách nhiệm? Đây là vấn đề cần nhìn nhận thấu đáo để nghiêm khắc rút kinh nghiệm và có giải pháp khắc phục.

Trên tinh thần đó, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống, đẩy lùi vấn nạn tin giả, Việt Nam cần có những quy định chặt chẽ hơn trong việc xử lý khủng hoảng truyền thông; hoàn thiện quy định, quy chế phát ngôn định hướng dư luận; quy rõ trách nhiệm đối với người đứng đầu và cơ quan chức năng trong việc quản lý, đấu tranh với vấn nạn tin giả. Đó là những vấn đề cần lưu tâm, ưu tiên thực hiện.

Một giải pháp quan trọng nữa là cần đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ quan quản lý truyền thông Việt Nam và các quốc gia trên thế giới trong việc phát hiện, khống chế, đẩy lùi tin giả; tăng cường phối hợp giữa các tổ chức nghiên cứu độc lập, tổ chức xác minh và nhà cung cấp MXH để đối phó với vấn nạn tin giả trong khu vực và trên thế giới; tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cấp, ngành, cơ quan, địa phương trong cả nước nhằm chủ động ngăn chặn, phát hiện, đấu tranh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi tán phát, ủng hộ, cổ xúy tin giả nhằm những mục đích tiêu cực, phản động, vi phạm pháp luật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét