Thứ Tư, 31 tháng 1, 2024

Không thể phủ nhận thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm các quyền dân sự và chính trị

     Trong những năm qua, việc triển khai đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp về đảm bảo các quyền dân sự và chính trị cho người dân với nhiều thành tựu đạt được là nỗ lực rất lớn của Việt Nam. Qua đó, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa. Đó là thực tiễn sinh động, không ai có thể phủ nhận.

Trước hết, Việt Nam luôn nỗ lực xây dựng, hoàn thiện pháp luật về đảm bảo quyền dân sự và chính trị cho người dân; được hiến định đầy đủ trong Hiến pháp năm 2013: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”1. Đồng thời, quy định rõ: “mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác, việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”2. Việc cụ thể hóa Hiến pháp, cũng như các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên bằng các bộ luật, luật và các văn bản quy phạm pháp luật cũng luôn được Nhà nước ta quan tâm. Chỉ riêng từ tháng 01/2019 đến tháng 12/2022, Quốc hội Việt Nam đã thông qua gần 60 luật, nghị quyết có liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Song song với đó, Việt Nam không ngừng hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước để bảo đảm các quyền dân sự, chính trị và khuôn khổ pháp luật về xử lý các hành vi xâm phạm các quyền này, như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Luật Tổ chức tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Quốc phòng, Luật Công an nhân dân, Luật Xử lý vi phạm hành chính, v.v. Chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức phản biện xã hội cũng được quy định rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật, như: Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, v.v. Đồng thời, ban hành, sửa đổi, bổ sung luật, quy định xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực bảo đảm các quyền dân sự và chính trị của người dân Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam tích cực hoàn thiện các khuôn khổ pháp luật khác, tạo điều kiện thuận lợi nhất, bảo đảm cho cá nhân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương được thụ hưởng các quyền dân sự và chính trị, được tiếp cận thông tin, nâng cao nhận thức và có điều kiện thuận lợi trong thực hiện các quyền này, như: Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, v.v.

Hai là, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, pháp luật về các quyền dân sự và chính trị nói riêng được Nhà nước Việt Nam xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, được tiến hành thường xuyên, liên tục, đạt nhiều kết quả quan trọng. Theo đó, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác này bằng nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Chính sách pháp luật được truyền tải đến người dân bằng nhiều kênh khác nhau, với sự phong phú, đa dạng về hình thức, phương pháp, cách thức tiến hành; từ các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm chuyên sâu, đến các hình thức phổ thông, tiếp cận mọi người dân trên mọi vùng miền của đất nước. Công tác truyền thông chính sách được đẩy mạnh với các chuyên mục chuyên sâu về phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện truyền thông đại chúng của Trung ương và địa phương, được thể hiện bằng tiếng phổ thông cùng 13 tiếng dân tộc thiểu số và tiếng nước ngoài. Các cơ quan báo chí tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương xây dựng và thực hiện các chuyên mục pháp luật ngày càng chặt chẽ, sáng tạo, hiệu quả. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội bằng fanpage, zalo, sử dụng nhắn tin qua các mạng di động để tăng tính tương tác, hấp dẫn cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được đẩy mạnh thực hiện rộng rãi. Đồng thời, chú trọng đăng tải các văn bản pháp luật, nhất là những văn bản pháp luật mới ban hành, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật lên cổng, trang thông tin điện tử của bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương. Giai đoạn 2013 - 2023, các cấp, các ngành đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp cho hơn 9.429.000 lượt người dân; biên soạn và cấp phát miễn phí gần 512.000.000 tài liệu pháp luật, nhiều tài liệu được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài. Qua đó, góp phần quan trọng trong nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về quyền dân sự, chính trị ở nước ta.

Ba là, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thi hành kịp thời, đầy đủ, nhất quán và nghiêm minh pháp luật về bảo đảm các quyền dân sự và chính trị của người dân. Tiêu biểu như: quyền bầu cử và ứng cử của công dân được quy định cụ thể, được bảo đảm thực thi nghiêm minh, không phân biệt dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo. Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp. Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021 - 2026), tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu đạt 99,6%, cao nhất từ trước đến nay và có thể nói khó có quốc gia nào khác sánh được. Điều đó cho thấy, người dân ngày càng ý thức được quyền của mình và quyền chính trị đó ngày càng được Nhà nước ta đảm bảo tốt hơn.

Các thế lực thù địch thường xuyên tạc, vu khống Việt Nam “bóp ngặt” tự do ngôn luận, báo chí, tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, đó chỉ là những xảo ngôn thiếu căn cứ. Bởi lẽ, không có một quốc gia nào “bóp ngặt” tự do ngôn luận, báo chí mà lại có số lượng các cơ quan báo chí đông đảo, với đầy đủ các loại hình và phát triển mạnh mẽ như vậy. Lại càng không thể là một quốc gia đứng tốp đầu về tốc độ phát triển internet và người dùng mạng xã hội như Việt Nam. Hiện nay, nước ta có 797 cơ quan báo chí, gồm 127 báo và 670 tạp chí; đến tháng 01/2023, Việt Nam có 72,1 triệu người dùng Internet, tương đương 73,2% dân số; có hơn 70 triệu người dùng mạng xã hội, tương đương 71% dân số và khoảng 161,6 triệu kết nối di động đang hoạt động, tương đương 164% dân số. Các cuộc tranh luận, chất vấn, phản biện về chủ trương, chính sách không chỉ diễn ra tại nghị trường Quốc hội, mà còn diễn ra sôi nổi tại các cuộc tọa đàm, hội thảo, bàn luận,… với sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị, xã hội và người dân. Đây là minh chứng khẳng định quyền tự do ngôn luận, báo chí, tự do thông tin ở Việt Nam luôn được bảo đảm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét