Thứ Tư, 31 tháng 1, 2024

ÔNG CHA TA ĐÁNH GIẶC: TỔNG ĐỐC HOÀNG DIỆU THÀ TUẪN TIẾT CHỨ QUẾT KHÔNG ĐẦU HÀNG GIẶC!

     Năm 1880, Hoàng Diệu được cử ra Bắc làm Tổng đốc Hà Ninh. Nhận thấy dã tâm của quân Pháp với miền Bắc ông đã cho tiến hành những phương án nhằm phòng thủ như chú tâm xây dựng thành lũy và lực lượng để kháng Pháp. Trong vòng 2 năm từ 1880 - 1882, Hoàng Diệu đã nhiều lần dâng sớ xin triều đình tăng viện để củng cố thành Hà Nội, nhưng không được hồi đáp. 

Đầu năm 1882, quân Pháp do Henri Rivière chỉ huy áp sát thành Hà Nội, Hoàng Diệu gửi thư về Huế yêu cầu triều đình tăng viện gấp. Tuy nhiên nhiều quan lại tại Huế đã thuyết phục vua Tự Đức chấp nhận mất miền Bắc cho Pháp để giữ an toàn cho ngai vàng. 

Sau đó Vua Tự Đức đã hạ chiếu quở trách Hoàng Diệu đem binh dọa giặc và chế ngự sai đường. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới sĩ khí của binh lính tại Hà Nội. 

Khi đó, thành Hà Nội dù có 3000 quân chống giữ nhưng không được triều đình tăng viện nên rất nghèo nàn về vũ khí. Theo bá tước De Kergaradec, lãnh sự đầu tiên của Pháp tại Hà nội thì mặt thành Hà Nội có 49 khẩu đại bác, nhưng tất cả đều đã rỉ sét và hầu như không bắn được. 

Triều đình Huế sau đó đã phái Tả thị lang bộ Hộ Nguyễn Thành Ý vào Sài Gòn để trình bày về những lý do khiến cho người Pháp phải động binh đồng thời cũng gởi khẩn thư lệnh cho quan binh Bắc Kỳ phải giữ nguyên trạng thành Hà Nội như đã có trước khi quân Pháp tới nhưng không kịp.

Sáng ngày 25/4/1882, quân Pháp bắt đầu tấn công thành Hà Nội. Hoàng thân Tôn Thất Bá đã sang hàng Pháp và thông báo tình hình trong thành Hà Nội. Thành Hà Nội đơn độc kháng cự mà không nhận được sự chi viện của các cánh quân khác.

Tới 10h45 cùng ngày quân Pháp đổ bộ tấn công vào thành. Đúng lúc chiến sự đang diễn ra thì kho thuốc súng của Hà Nội phát nổ do gián điệp của Pháp làm. Điều này khiến lòng quân hoang mang và tới 11 giờ thì thành thất thủ. 

Thấy thế cục không thể cứu vãn, Hoàng Diệu viết di biểu tạ tội với triều đình rồi ra trước Võ miếu dùng khăn bịt đầu thắt cổ tự tử, tuẫn tiết theo thành./.
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét