Thứ Ba, 30 tháng 1, 2024

ĐẤU TRANH CHỐNG LẠI CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI CHO RẰNG: ĐƯỜNG LỐI CỦA ĐẢNG TA ĐỐI LẬP VỚI TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

 

Nhìn lại lịch sử, chúng ta nhận thấy đường lối, chủ trương ở các văn kiện phục vụ Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước (1930) thể hiện sâu sắc sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam của Người. Nhưng Quốc tế Cộng sản do chưa nắm chắc tình hình thực tế các nước thuộc địa, lại bị chi phối bởi quan điểm "tả" khuynh đang ngự trị lúc bấy giờ, đã chỉ trích và phê phán đường lối cách mạng Việt Nam do Hồ Chí Minh vạch ra (02 - 1930).

 Tuy nhiên, Hồ Chí Minh vẫn đứng vững trên lập trường của giai cấp vô sản để khẳng định con đường cách mạng Việt Nam, là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Tháng 7 năm 1935, đứng trước nguy cơ của chủ nghĩa phát xít và chiến tranh thế giới lần thứ 2 đang đến gần, Đại hội VII Quốc tế Cộng sản đã nghiêm khắc tự phê bình về những sai lầm "tả" khuynh, cô độc, biệt phái thể hiện trong Nghị quyết Đại hội VI của mình. Đại hội có sự chuyển hướng về sách lược, chủ trương thành lập Mặt trận dân chủ chống phát xít. Đến lúc này, những quan điểm đúng đắn của Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam, về đoàn kết các lực lượng cách mạng chống đế quốc đã trình bày trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam mới được Quốc tế Cộng sản thừa nhận.

 Tháng 10 năm 1936, Đảng ta đề ra chiến sách mới, phê phán những biểu hiện "tả khuynh”, cô độc, biệt phái trước đây, đồng thời chỉ rõ: "Chiến sách mới của Đảng là chiến sách theo điều kiện hiện thực ở xứ Đông Dương, theo kinh nghiệm tranh đấu của Đảng, học kinh nghiệm của Quốc tế Cộng sản và kinh nghiệm của cuộc vận động cộng sản thế giới, không phải đem kinh nghiệm xứ này sang xứ khác một cách như máy". Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 11 năm 1939) cũng xác định: "Đứng trên lập trường giải phóng dân tộc, lấy quyền lợi dân tộc làm tối cao, tất cả mọi vấn đề của cuộc cách mệnh, cả vấn đề điền địa cũng phải nhằm vào cái mục đích ấy mà giải quyết". Vào thời gian này, ở Việt Nam, vấn đề phân hoá kẻ thù, tranh thủ bạn đồng minh, đoàn kết xây dựng lực lượng … cũng đã trở lại với tư tưởng trong Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt (1930) của Hồ Chí Minh. Điều đó không chỉ phản ánh quy luật vận động của cách mạng Việt Nam, mà còn khẳng định giá trị và sức sống mãnh liệt của tư tưởng Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, trong Văn kiện Đảng toàn tập ở phần lời giới thiệu của tập 4 và tập 5 có viết: “do sự hạn chế về nhận thức lý luận và thực tiễn cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ, nên trong một số văn kiện của Đảng đã có những ý kiến nhận xét không đúng về tư tưởng và hoạt động của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Thực tế lịch sử sau này đã cho thấy những quan điểm của Nguyễn Ái Quốc là đúng đắn, những ý kiến phê phán Nguyễn Ái Quốc lúc ấy là sai lầm”.

Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá VII) về một số định hướng lớn trong công tác tư tưởng hiện nay đã chỉ rõ: “Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là học thuyết cách mạng và khoa học, là vũ khí tinh thần của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc ta… Khi các thế lực thù địch ra sức tấn công nền tảng tư tưởng của Đảng nhằm đẩy chúng ta đi chệch hướng thì đấu tranh để bảo vệ, phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề quan trọng, trở thành nhiệm vụ hàng đầu trong công tác chính trị, tư tưởng và lý luận của toàn Đảng, toàn dân ta”.

Trong các kỳ Đại hội của Đảng: từ Đại hội IX đến Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Đó là tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hoá, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân …Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta. Như  vậy, nhận thức của Đảng ta đi từ chưa đầy đủ, thậm chí có lúc chưa đúng đến nhận nhận thức đầy đủ và đúng đắn về tư tưởng Hồ Chí Minh; khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là lý luận khoa học, cách mạng, là nền tảng tư tưởng của Đảng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét