Cẩn trọng với vé tàu rao bán trên mạng xã hội

Do bận rộn, không có thời gian tìm hiểu nên thấy trên mạng có người đăng tin bán vé tàu giá rẻ là anh Lê Mạnh Cường ở phường Láng Thượng, quận Đống Đa (Hà Nội) nhanh chóng liên hệ hỏi mua để về quê dịp nghỉ Tết Dương lịch. Nhưng anh không ngờ, đây lại là một chiêu trò lừa đảo. Anh Cường cho biết: “Sau khi chuyển tiền, tôi được bên bán gửi thông tin vé đặt của mình. Tôi còn cẩn thận gọi điện lên tổng đài của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và được xác nhận thông tin của tôi đã có trên hệ thống đặt vé nên tôi rất yên tâm. Nhưng đến ngày đi, tại quầy soát vé, nhân viên đường sắt thông báo vé của gia đình tôi đã được đặt nhưng sau đó bị hủy. Lúc này, tôi gọi điện cho người bán vé thì không liên lạc được”.

Những năm gần đây, vào những dịp lễ, tết, trên các trang mạng xã hội xuất hiện hiện tượng bán lại vé tàu, hoặc giả làm nhân viên đại lý, nhân viên đường sắt nhận tiền mua vé của khách rồi sau đó "cắt" liên lạc. Phương thức lừa đảo phổ biến hiện nay là các đối tượng mạo danh đại lý, tự tạo ra các website, trang mạng xã hội với thiết kế tương tự kênh của ngành đường sắt hoặc đại lý chính thức, sau đó quảng cáo các mức giá rất hấp dẫn để thu hút khách hàng. Nếu khách hàng hỏi mua, các đối tượng sẽ đặt chỗ, gửi khách mã đặt chỗ để làm tin và yêu cầu chuyển tiền thanh toán. Sau khi nhận tiền, đối tượng không xuất vé và ngắt liên lạc. Do các website giả mạo có giao diện gần giống nên nhiều người, đặc biệt là khách nước ngoài đã hiểu nhầm website đó là của ngành đường sắt. 

<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src="https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2021/08/11/linh/bannerv2.png" class="vllogo"></a>
Kiểm tra thông tin trên vé trước khi hành khách lên tàu tại ga Hà Nội. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Nam, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết: “Hành khách chỉ được vào ga và đi tàu trong trường hợp thông tin trên giấy tờ tùy thân của hành khách trùng khớp với thông tin trên thẻ lên tàu, bao gồm họ và tên, số căn cước công dân/chứng minh nhân dân/giấy khai sinh/hộ chiếu. Người dân cần hết sức chú ý, bởi vé giả mua từ “cò mồi”, “chợ đen” sẽ không có giá trị đi tàu. Hiện nay, ngành đường sắt cũng đã giới hạn số lượng vé bán cho mỗi lượt mua nhằm ngăn chặn tình trạng lừa đảo có thể xảy ra. Trên thực tế, có nhiều trường hợp người dân mua lại vé thật của hành khách đã mua nhưng không có nhu cầu đi. Tuy nhiên, dù là vé thật nhưng hành khách mua vé tàu này vẫn có thể không được đi tàu do sai thông tin. Vé thật nhưng sai thông tin hành khách là không hợp lệ”.

Để tránh “tiền mất tật mang”, ngành đường sắt khuyến cáo khách hàng trực tiếp đặt vé qua website chính thống hoặc gọi điện vào tổng đài để được tư vấn nếu không thành thạo việc đặt vé qua mạng. Để bảo đảm quyền lợi, tránh mua phải vé giả hoặc vé không đúng quy định, người dân có thể kiểm tra lại vé điện tử của mình trên website bán vé của ngành đường sắt. Hiện nay, vé tàu cá nhân được bán qua các kênh website, tại các nhà ga, các điểm bán vé và đại lý bán vé thuộc ngành đường sắt Việt Nam; ứng dụng ví điện tử Momo, VNPay, ZaloPay, ViettelPay, ứng dụng bán vé tàu trên thiết bị di động.

Phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân 

Thông tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, sau hơn hai tháng mở bán vé tàu Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đến nay, tổng số vé đã bán được trên tuyến Bắc-Nam là hơn 152.000 vé. Trong đó, các ngày cao điểm từ 2-2 đến 7-2-2024 (từ ngày 23 đến 28 tháng Chạp) đã gần như hết vé, chủ yếu còn vé ghế mềm và ghế phụ. Vé sau Tết, từ ngày 15-2 đến 17-2-2024 (từ mồng 6 đến mồng 8 tháng Giêng) còn ít vé, các ngày khác còn nhiều vé đi tất cả các ga.

“Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân về quê đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp từ rất sớm, cụ thể như: Từ tháng 8-2023 đã đưa toa tàu đi sửa chữa, bảo dưỡng để bảo đảm 100% phương tiện sử dụng được trong dịp Tết; lập kế hoạch mua sắm vật tư (chăn, ga, gối...) đủ phục vụ hành khách; xây dựng kế hoạch điều động, tăng cường nhân lực phục vụ trên tàu khi số đoàn tàu tăng cao trong dịp Tết... Trong dịp Tết Nguyên đán, Công ty đã đưa 288 toa xe để chạy 8 đôi tàu khách Thống Nhất/ngày. Trong những ngày cao điểm đối với các tuyến địa phương, Công ty tận dụng các ram xe chạy tàu Thống Nhất để chạy tàu địa phương”, ông Trần Văn Nam cho biết thêm. Được biết, Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cũng tổ chức chạy thêm 8 chuyến tàu TP Hồ Chí Minh-Hà Nội và ngược lại, từ Quy Nhơn, Quảng Ngãi về TP Hồ Chí Minh và nối thêm toa tàu với hơn 4.000 chỗ. Bên cạnh đó, ngành đường sắt còn thực hiện nhiều ưu đãi để phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân, như giảm giá vé cho các đối tượng chính sách, đặc biệt, sinh viên sẽ được giảm từ 10% đến 20% giá vé tùy theo ngày đi tàu...

Bài và ảnh: HUYỀN TRANG

nguồn báo quân đội nhân dân