Nền ngoại giao “toàn diện” đã và sẽ tiếp tục
được triển khai trên ba trụ cột (đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối
ngoại nhân dân), ở tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó ngoại giao đóng vai trò
tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy
động các nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín
quốc gia.
Một nền ngoại giao “toàn diện” phải phát huy
được vai trò, vị thế của Việt Nam trên những lĩnh vực truyền thống và cả những
lĩnh vực mới nổi lên; cải tiến phương thức hoạt động hiệu quả hơn và huy động
được sự tham gia thiết thực của nhiều chủ thể hơn nữa.
Bên cạnh những vấn đề chính trị, an ninh, ngành
ngoại giao cần tăng cường tham mưu về các xu thế phát triển lớn của thế giới,
phát huy tối đa vai trò tìm kiếm những nguồn lực từ bên ngoài, là cầu nối gắn
kết những xu thế phát triển và nguồn lực đó với những kế hoạch, dự án phát
triển kinh tế - xã hội trong nước và là chỗ dựa thường trực, vững chắc và đáng
tin cậy cho những công ty, tập đoàn, doanh nghiệp, người lao động Việt Nam vươn
ra khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, ngành ngoại giao phải nghiên
cứu, đánh giá, tổng kết, phổ biến, kế thừa, phát huy những giá trị, bản sắc,
truyền thống nổi bật để đóng góp nhiều hơn nữa cho công tác đối ngoại nói riêng
và sự nghiệp bảo vệ, phát triển đất nước nói chung. Việc xây dựng nền ngoại
giao “hiện đại” đã được đặt ra từ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 (năm 2018), cần
tiếp tục làm rõ nội hàm và phương thức thực hiện theo hướng tổ chức bộ máy tinh
gọn, cơ chế vận hành khoa học, hiệu quả, thích ứng với những chuyển biến nhanh
chóng của tình hình, đẩy mạnh chuyển đổi số, năng lực đổi mới sáng tạo cao; có
đội ngũ cán bộ trung thành với lý tưởng của Đảng, luôn đặt lợi ích của quốc gia
– dân tộc lên ưu tiên cao nhất, có năng lực ngang tầm khu vực và quốc tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét