Chủ Nhật, 21 tháng 1, 2024

Người con đất Trùng Khánh

 

Sinh ra và lớn lên ở Thái Bình, nhưng hơn 25 năm quân ngũ, ngoại trừ lúc đi học, phần lớn thời gian Thượng tá Vũ Văn Dương, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng (ĐBP) Cửa khẩu Trà Lĩnh, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Cao Bằng gắn bó với cấp ủy, chính quyền, đồng bào dân tộc các xã biên giới của huyện Trùng Khánh. Tình đất và người thấm đẫm trong anh. Anh đã coi mình là người con của mảnh đất này. Mọi suy nghĩ, hành động, việc làm của anh chỉ nhằm tới một mục tiêu duy nhất: Để biên cương mãi bình yên, phát triển.

Đến ĐBP Cửa khẩu Trà Lĩnh công tác đã gần cuối giờ chiều, dù khá mệt sau chặng đường dài và lại chưa quen với cái lạnh cắt da thịt vùng cao, nhưng thấy Thượng tá Vũ Văn Dương chuẩn bị đi cơ sở, đến thăm con nuôi của Đồn, tôi háo hức xin đi cùng. Trước lúc đi, anh Dương thông tin, hiện nay Đồn nhận nuôi 7 cháu, gia đình cháu nào cũng khó khăn; trong đó nhà chị Nguyễn Thị Oanh ở xóm Bản Niếng, xã Quang Hán, huyện Trùng Khánh, mẹ của cháu Hoàng Hữu Nghĩa-con nuôi của Đồn là hộ khó khăn đặc biệt.

Bước chân vào ngôi nhà mái ám khói, đen kịt bồ hóng, chẳng có vật dụng gì đáng giá của chị Oanh tôi không khỏi chạnh lòng. Bên bếp lửa, chị thổ lộ với tôi, sau ngày chồng mất, một mình chị nuôi mấy đứa con nheo nhóc mà chẳng nơi bấu víu. Từ lúc anh Dương và Đồn nhận nuôi cháu Hoàng Hữu Nghĩa, chị vơi đi được phần nào gánh nặng.

Rời nhà chị Oanh khi nắng tắt, sương lạnh bắt đầu bao phủ. Nhìn đôi mắt trầm tư sau cặp kính cận của Thượng tá Vũ Văn Dương, tôi đoán anh đang trăn trở điều gì đó. Mãi sau anh mới bày tỏ, trên vùng cao này còn nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn như chị Oanh cần được giúp đỡ. Nghe thế, tôi đoán anh là người đa cảm. Ấy nhưng, sau khi trò chuyện nhiều hơn với Thượng tá Vũ Văn Dương, tôi thấy ở anh là con người hoàn toàn khác. Anh thường tiếp nhận vấn đề vui vẻ, phản hồi nhẹ nhàng, khúc chiết, nhưng không hề mất đi sức nặng trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ nếu không muốn nói là rất quyết liệt.

Thượng tá Vũ Văn Dương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh tặng quà các cháu học sinh có thành tích trong năm học 2022-2023. Ảnh: HOÀNG HÙNG 

Trước thắc mắc của tôi về sự vênh trong tính cách của Chính trị viên Vũ Văn Dương, Thiếu tá Dương Văn Giang, Chính trị viên phó ĐBP Cửa khẩu Trà Lĩnh lý giải với giọng ngưỡng mộ: "Anh Dương là một cán bộ mẫu mực, là nhân vật giàu thành tích và không hề có mâu thuẫn giữa cảm xúc với công việc. Ở anh ấy, nghĩ, nói và làm luôn nhất quán. Đây là người đặc biệt, đi đến nơi nào anh cũng có sáng kiến và tổ chức công tác hiệu quả. 5 năm liên tục, từ 2016 đến 2020, anh Dương đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Nếu nhìn vào số bằng khen cấp tỉnh, cấp bộ và tương đương mà anh Dương nhận được thì cũng đủ khiến mọi người thán phục". 

Rồi Thiếu tá Dương Văn Giang chia sẻ thêm, anh Dương từng đảm nhận Chính trị viên phó ĐBP Cửa khẩu Trà Lĩnh cách đây 10 năm. Năm 2014, anh được cấp trên điều động sang ĐBP Thị Hoa với chức danh Chính trị viên phó. Năm 2018, anh Dương lại được điều động, bổ nhiệm là Chính trị viên ĐBP Quang Long. Tháng 5-2022, Vũ Văn Dương được điều trở lại ĐBP Cửa khẩu Trà Lĩnh làm Chính trị viên.

Chính trị viên phó Dương Văn Giang nhớ lại, hồi mới về, trên cương vị Bí thư Đảng ủy, anh Vũ Văn Dương đã có nhiều sáng kiến trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng cấp ủy, xây dựng tổ chức và đoàn kết nội bộ. Ngay sau khi nhận công tác, anh Dương tổ chức nắm tình hình và nghiên cứu địa bàn. Trong một cuộc họp Đảng ủy, anh Dương đã đề xuất giao nhiệm vụ cho mỗi đảng viên BĐBP phụ trách ít nhất từ 5 đến 7 hộ gia đình khu vực biên giới.

Lúc ấy, có một số ý kiến ngoài lề không đồng thuận. Nào là thêm việc cho anh em, nào là Bí thư Đảng ủy mới về thể hiện, thích thành tích... Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện đi vào nền nếp thì chủ trương sâu sát với dân đã mang lại kết quả ngoài mong đợi. Có cán bộ hỗ trợ và động viên, nhiều hộ gia đình có thêm động lực trong phát triển kinh tế. Cũng từ chủ trương này mà công tác nắm địa bàn của cán bộ, nhân viên đơn vị thuận lợi, chặt chẽ, chính xác hơn trước. Đây cũng là một phần cơ sở quan trọng để đồng bào cung cấp cho Đồn nhiều nguồn tin có giá trị, góp phần đấu tranh thành công 3 vụ án đưa, đón người xuất, nhập cảnh trái phép. Cũng trong từng ấy thời gian, bằng những mối quan hệ thân thiết, Thượng tá Vũ Văn Dương đã kêu gọi và vận động các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh ủng hộ kinh phí, tặng quà hộ nghèo, gia đình chính sách vào dịp lễ, Tết; tổ chức khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân với tổng trị giá hơn 450 triệu đồng.

Trên cương vị công tác của mình, Thượng tá Vũ Văn Dương cùng tập thể lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số việc trọng điểm ngoài công tác chuyên môn, như: Đầu tư 60 ngày công và 63 triệu đồng mua vật liệu, giúp 21 hộ gia đình di dời chuồng trại ra khỏi gầm sàn nhà; hỗ trợ 12 tấn xi măng và 64 ngày công giúp 3 hộ nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát; hỗ trợ làm 300m đường bê tông liên xóm; trao quà và tiền hỗ trợ 24 cháu học sinh, trị giá hơn 105 triệu đồng.

Trước những thông tin mà Chính trị viên phó Dương Văn Giang cung cấp, tôi quyết định tìm hiểu thêm về công việc trong quá khứ của Thượng tá Vũ Văn Dương. Thuyết phục mãi, anh cũng trải lòng những thầm kín trong công việc không hề dễ dàng vào một buổi tối mùa đông lạnh giá.

Sau khi nhập ngũ và công tác tại BĐBP tỉnh Cao Bằng, anh thấy yêu mảnh đất, con người nơi đây đến lạ, không rõ lý do để lý giải cho tình yêu ấy. Cho dù xa nhà, xa vợ con hơn 400km, hậu phương còn đủ thứ khó khăn, chủ yếu gặp gỡ, động viên vợ con qua điện thoại, nhưng anh vẫn quyết tâm bám trụ để thực hiện nghĩa vụ với mảnh đất này. Dấu ấn sâu đậm nhất ở anh và đồng đội nơi đây trong 10 năm qua là những năm tháng chống dịch Covid-19. Dịch ào đến, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tuyến biên giới căng mình chống chọi. Việc "đẻ" ra việc, mà toàn việc quan trọng, yêu cầu thời gian hết sức khẩn trương, đoạn biên giới đơn vị được giao dài hơn 37km, địa bàn quản lý trải trên 3 xã, 1 thị trấn mà lực lượng thì mỏng. Có lần cấp trên cho về tranh thủ sau nhiều tháng lỡ hẹn với con, khi đến đầu cầu Tân Đệ phía tỉnh Nam Định, Vũ Văn Dương nhận được cuộc điện thoại của cán bộ trên cơ quan BĐBP tỉnh Cao Bằng, lập tức anh quay xe trở về thực hiện nhiệm vụ, cho dù từ nơi nhận được điện đến nhà chỉ cách chưa đầy 20km.

Vũ Văn Dương say mê công việc, gắn bó với đồng bào, thấu hiểu những khó khăn của cấp ủy, chính quyền và đồng bào biên giới cũng có một phần từ tình yêu con trẻ. Cách đây hơn 10 năm, khi vào bản thăm đồng bào và nắm tình hình, chứng kiến nhiều trẻ em khu vực biên giới có nguy cơ phải bỏ học giữa chừng vì kinh tế gia đình quá khó khăn hoặc không được đến trường, anh Dương thương cảm lắm. Không biết chữ, nghĩa là không có kiến thức thì đồng bào sẽ mãi như sống trong màn sương mù mùa đông. Không có chữ, đồng bào sẽ mãi làm theo kinh nghiệm, không tiếp thu được cái mới và sẽ rơi vào vòng quay đói nghèo.

Thế là, Vũ Văn Dương xuống bản, vào từng hộ dân, lân la hỏi bà con, tìm hiểu các nguyên nhân thì nhận được vô vàn lý do khác nhau. Nhà thì cần người lao động; nhà khác lại bảo, học cũng không thay đổi được số phận... Cuối cùng, anh nhận thấy, do thói quen tư duy, do điều kiện kinh tế hạn hẹp và đói nghèo nên đồng bào cứ làm theo nếp cũ. Đúng thời điểm ấy BĐBP tỉnh Cao Bằng ra chỉ thị, chỉ đạo các ĐBP triển khai thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường” và chọn ĐBP Cửa khẩu Trà Lĩnh làm điểm. Như cá gặp nước, Vũ Văn Dương suy nghĩ và quyết định đề xuất với Đảng ủy, chỉ huy Đồn các phương án giúp đỡ trẻ em. Đồn cử cán bộ, chiến sĩ kết hợp với đội ngũ giáo viên các trường, điểm trường đến từng nhà, vận động bố mẹ cho các con đi học; đồng thời nhận đỡ đầu 6 cháu. Vũ Văn Dương cùng các đồng chí chỉ huy Đồn đã tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ hiểu mục đích, ý nghĩa của chương trình, vận động anh em tiết kiệm 500 đồng mỗi bữa ăn và trích thêm từ quỹ tăng gia của đơn vị để đủ tiền hỗ trợ các cháu. Nhận thấy đây là việc làm rất ý nghĩa nên cán bộ, chiến sĩ đều sẵn sàng ủng hộ. Nhiều đồng chí còn tích cực tuyên truyền, vận động các nhà hảo tâm ngoài tỉnh để có thêm nguồn kinh phí xây dựng chương trình "Nâng bước em tới trường".

Thời gian qua đi, thấy được sự nhiệt thành của BĐBP, thấy được cái tâm của cán bộ như Vũ Văn Dương, người dân cũng cảm kích, không bắt con em phải bỏ học ở nhà đi làm nương mà thay vào đó là cho các em đến lớp. Đến nay, Chương trình "Nâng bước em tới trường" đã phát triển thành Chương trình "Nâng bước em tới trường-con nuôi ĐBP" với nhiều việc làm mang ý nghĩa thiết thực, điển hình như mô hình "Ngôi nhà xanh tiếp sức em tới trường" mà Thượng tá Vũ Văn Dương đang cùng cán bộ, chiến sĩ ĐBP Cửa khẩu Trà Lĩnh triển khai thực hiện.

Khi ngồi viết những dòng này về Thượng tá Vũ Văn Dương, tôi chợt nhớ tới bức thư Bác Hồ gửi các bạn thanh niên vào ngày 17-8-1947, trong đó có lời dạy rất chí lý rằng: "Tôi khuyên các bạn một điều nữa là chớ đặt những chương trình, kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được. Việc gì cũng cần phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần đến khó, từ thấp dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà không làm được".

Tôi nghĩ, Thượng tá Vũ Văn Dương đã khắc ghi và thực hiện đúng lời dạy của Người. Đó là cách thiết thực để anh thể hiện tình yêu với vùng đất phên giậu biên cương vốn là cái nôi của cách mạng Việt Nam. Việc làm của anh và đồng đội sẽ giúp biên cương xanh mãi, bình yên, trường tồn. Anh rất xứng đáng được gọi là người con đất Trùng Khánh cho dù không sinh ra và lớn lên ở đây.

MẠNH THẮNG

nguồn báo quân đội nhân dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét