Trung tá Hoàng Đình Thinh sinh năm 1937, trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Vĩnh Ninh (nay là xã Ninh Khang), huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Được nuôi dưỡng trên vùng quê giàu truyền thống cách mạng, lại vất vả từ nhỏ do nhà nghèo, sớm mồ côi mẹ nên Hoàng Đình Thinh luôn nỗ lực vươn lên. Năm 1960, cũng như bao trai làng thời đó, ông lên đường nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện, ông được cấp trên chọn đi học lái xe. Tháng 11-1960, hoàn thành khóa học, ông được điều về Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn với cương vị Tiểu đội trưởng.

Những tháng ngày ở Trường Sơn, được chọn làm nhiệm vụ lái xe cho thủ trưởng Đoàn 559, ông đã trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch lớn như Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh, Đường 9-Nam Lào... Đối diện với sự khốc liệt của bom B-52 rải thảm, hỏa lực của pháo binh, xe tăng và chất độc da cam của kẻ thù cùng những trận sốt rét rừng Trường Sơn hành hạ, tay lái của Hoàng Đình Thinh vẫn luôn vững vàng. Biết bao cán bộ ta đã được ông đưa đón an toàn vào công tác ở Mặt trận phía Nam hay đi đốc chiến dọc Trường Sơn. Chính những năm tháng ấy là cơ duyên đưa ông đến với nhiệm vụ đặc biệt sau này.

Trong cuộc đời mình, ông Hoàng Đình Thinh đã tham gia chở thi hài Bác Hồ 6 lần, với 3 lần trực tiếp cầm lái và 3 lần ngồi cạnh sẵn sàng hỗ trợ, thay thế lái chính. Lần thứ nhất, vào mùa đông năm 1969, thi hài Bác được đưa từ Viện Quân y 108 (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) lên căn cứ K84 (nay là Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn gọi là K9, tại Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội). Lần thứ hai, ngay sau vụ tập kích của quân Mỹ ở ngoại ô thị xã Sơn Tây rạng sáng 21-11-1970, ông đưa thi hài Bác từ K9 trở lại Viện Quân y 108. Lần thứ ba, vào tháng 8-1971, ông lại đưa thi hài Bác từ Viện Quân y 108 trở lại K9. Lần thứ tư, vào tháng 7-1972, thi hài Bác được đưa từ K9 đến căn cứ H21 ở xã Cự Thắng (Thanh Sơn, Phú Thọ). Lần thứ năm, vào đêm 8-2-1973, thi hài Bác rời H21 trở lại K9. Lần thứ sáu, ông đưa thi hài Bác từ K9 về Lăng của Người ở Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 18-7-1975. 

<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src="https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2021/08/11/linh/bannerv2.png" class="vllogo"></a>

Ông Hoàng Đình Thinh và cháu gái, năm 2020. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp 

Bà Nguyễn Thị Bình, vợ ông Thinh, chia sẻ, khi còn sống, Trung tá Hoàng Đình Thinh từng kể về nhiệm vụ rất tự hào của mình. Đó là vào một tối trung tuần tháng 9-1969, có hai đồng chí ở Cục Bảo vệ (nay là Cục Bảo vệ An ninh Quân đội) đến đơn vị mời ông đi làm nhiệm vụ. Xuống đến Viện Quân y 108, ông được cấp trên giao nhiệm vụ luyện tập chạy thử các loại xe. Ban đầu, ông Thinh khá ngạc nhiên, bởi ông vốn là một lái xe lão luyện, sao lại còn phải “tập lái” nữa. Nhưng khi được đích thân đồng chí Cục trưởng Cục Bảo vệ Trần Kinh Chi (sau này là Tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng, Trưởng ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) yêu cầu phải giữ bí mật nhiệm vụ, ngay cả vợ con cũng không được cho biết, ông không bày tỏ nghi ngại gì và tuyệt đối chấp hành. Một thời gian sau, ông Hoàng Đình Thinh biết lý do thực sự của việc phải “học” lái xe lâu như vậy.

Đây là nhiệm vụ đầy tự hào nhưng trọng trách cũng thật nặng nề, phải bảo đảm thi hài Bác an toàn tuyệt đối. Yêu cầu việc di chuyển thi hài Bác phải luôn ở trong môi trường có thông số nhiệt, ẩm ổn định, vô trùng, hạn chế rung xóc đến mức thấp nhất và thời gian di chuyển không được quá 4 giờ đồng hồ.

Suốt 3 tháng ròng rã, ban ngày, ông Thinh vẫn đến đơn vị làm việc bình thường, tối thì tập luyện cho nhiệm vụ đặc biệt, chạy xe từ Viện Quân y 108 lên Hòa Bình, cách 70km, tương đương với khoảng cách lên K84. Rất nhiều phương tiện được đề xuất để chở thi hài Bác, nhưng qua kinh nghiệm của mình, ông Thinh đã đề xuất sử dụng loại xe ZiL-157 ba cầu, có cải tiến thêm một số tính năng cho phù hợp.

Nhớ lại những ngày tháng ấy, bà Nguyễn Thị Bình cho biết: “Nhiều ngày liền, cứ thấy ông ấy đi từ sáng đến sáng sớm ngày hôm sau, chỉ về ăn cơm lót dạ rồi lại đi làm ngay, tôi thắc mắc nhưng ông ấy chỉ bảo đi làm nhiệm vụ bí mật chứ không giải thích gì thêm. Mãi sau này, ông ấy mới kể cho mọi người nghe về nhiệm vụ đặc biệt ấy và khẳng định đó là vinh dự đặc biệt của cuộc đời. Vì thế, phải dạy con cháu tu dưỡng, sống liêm khiết, thanh bạch để xứng đáng với sự tin cậy mà Đảng, Quân đội đã dành cho”.

Sau này, ông Hoàng Đình Thinh cũng tham gia đảm nhận lái xe trong nhiều lễ tang của các đồng chí lãnh đạo khác. Những ngày cuối đời, ông phải nằm viện một thời gian dài. Vẫn giữ tác phong sinh hoạt giản dị, khi có nhiều người quen, đồng đội đến hỏi thăm, ông thường ngại làm phiền đến mọi người. Cả một đời thầm lặng làm việc và cống hiến, ông Hoàng Đình Thinh vẫn luôn sống giản dị, thẳng thắn, trọng nghĩa tình!

Bài và ảnh: THU THỦY

nguồn báo quân đội nhân dân