Thứ Hai, 1 tháng 1, 2024

Thống nhất nhận thức, không suy diễn cực đoan

 


Trước việc nhiều cán bộ chủ chốt của một số bộ, ngành, địa phương bị xử lý kỷ luật, bắt tạm giam, trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đã bộc lộ tâm lý cực đoan, sợ sai, sợ trách nhiệm, nảy sinh tư tưởng “mũ ni che tai”, “dĩ hòa vi quý”... Một số người bày tỏ thái độ bi quan, cho rằng, cán bộ bây giờ làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, muốn không sai thì tốt nhất là không làm... Dù chỉ là cá biệt, song những biểu hiện tư tưởng cực đoan ấy cần phải được chấn chỉnh, loại bỏ ngay. Bởi suy diễn tiêu cực, sai đường lối, chủ trương của Đảng cũng chính là một biểu hiện của suy thoái.

Cần thấy rằng, việc xử lý những cán bộ vi phạm là nỗ lực làm trong sạch nội bộ Đảng, làm cho Đảng mạnh hơn, ngày càng xứng đáng với niềm tin và mong đợi của nhân dân. Đấu tranh chống tiêu cực trong Đảng là một cuộc đấu tranh cam go, phức tạp, đòi hỏi phải kiên trì, kiên quyết.

Sự thành công phụ thuộc vào ý chí, thống nhất hành động trong toàn Đảng, toàn dân. Suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống không phải từ trên trời rơi xuống, mà nó nằm ngay trong tư duy, tư tưởng, hành động của cán bộ, đảng viên. Vấn đề này đã được Đảng ta nhấn mạnh trong hệ thống văn kiện, nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận... Trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta đã chỉ rõ: “Việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức lối sống của một số cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, nền nếp, vẫn còn tình trạng nói không đi đôi với làm; không tuân thủ nguyên tắc của Đảng, quan liêu tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa... việc đấu tranh với các biểu hiện lệch lạc về đạo đức lối sống chưa mạnh mẽ. Tự phê bình và phê bình ở một số nơi còn hình thức; tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi”...

Như vậy, những biểu hiện, nguyên nhân, hậu quả của suy thoái trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã được Đảng ta nhận diện, cảnh báo và đề ra các giải pháp đấu tranh. Việc vi phạm là do cá nhân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, bị chi phối, sa ngã bởi chủ nghĩa cá nhân; do cấp ủy, tổ chức đảng thiếu tính chiến đấu, phê bình, tự phê bình còn hình thức, nể nang, né tránh, ngại va chạm... Đổ lỗi do cơ chế, chính sách rồi suy diễn tiêu cực, dẫn đến làm việc cầm chừng, né tránh là hành vi ngụy biện, tạo môi trường cho chủ nghĩa cá nhân phát triển.

Với tinh thần “chặt cành để cứu cây”, “kỷ luật một người để cứu muôn người”, việc xử lý những cán bộ suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống... chính là nhằm răn đe, cảnh tỉnh đối với mọi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng. Thay vì nảy sinh tư tưởng cực đoan, cán bộ, đảng viên và từng tổ chức đảng phải xốc lại tư tưởng, thống nhất nhận thức, quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng để mài sắc ý chí chiến đấu, loại bỏ chủ nghĩa cá nhân.

V3.


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét