Thứ Ba, 23 tháng 1, 2024

TÌM HIỂU GIÚP: CÁC NƯỚC ASEAN CHIA SẺ KINH NGHIỆM PHÒNG CHỐNG TIN GIẢ, TIN SAI SỰ THẬT!

     Chiều 19-9, tại TP Đà Nẵng, diễn đàn khu vực ASEAN về ứng phó và xử lý tin sai sự thật trên không gian mạng đã được khai mạc!
Đây là nền tảng trao đổi mở, khẳng định quyết tâm của ASEAN trong việc giảm thiểu các tác hại từ thông tin sai lệch và tin giả, góp phần cho nỗ lực chung của ASEAN nhằm tạo ra một không gian mạng đáng tin cậy và có trách nhiệm cho người dân.

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, từ năm 2017 đến nay, liên quan đến vấn đề thông tin sai lệch và tin giả, ASEAN đã tiến hành nhiều hoạt động nhằm tăng cường nhận thức về việc đối phó với tác hại của tin giả, bao gồm các chương trình và hội thảo để chia sẻ các chính sách quản lý, các chiến dịch nhằm nâng cao sự hiểu biết về công nghệ số cho người dân cũng như thúc đẩy việc chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ quan quản lý thông tin điện tử.

Bước tiến vượt bậc là khi Khuôn khổ và Tuyên bố chung về giảm thiểu các tác hại của tin giả được thông qua vào năm 2018 tại Hội nghị Bộ Trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 14 (AMRI 14). Nhận thức về tầm quan trọng của việc hành động đoàn kết trước tin giả, Hội nghị lần thứ 19 của các Quan chức Cao cấp ASEAN về Thông tin (SOMRI) vào năm 2022 đã phê duyệt đề xuất của Việt Nam về việc thành lập đội phản ứng của ASEAN về tin giả. Những khuôn khổ và cơ chế của ASEAN đã tạo nền tảng cho các nước thành viên ASEAN tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin và đề xuất các giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề này trong khu vực.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, các hoạt động liên quan đến việc xử lý tin giả, tin sai sự thật trong giai đoạn này mới dừng lại ở việc chia sẻ chính sách và kinh nghiệm giữa các cơ quan quản lý nhà nước chứ chưa mở rộng cho các cơ quan báo đài – đơn vị tham gia với vai trò tăng cường thông tin chính thống, phát hiện, công bố và cải chính tin giả... hay các cơ quan nghiên cứu, đơn vị truyền thông tham gia với vai trò như các tổ chức nghiên cứu và kiểm chứng độc lập, các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội để đối phó với thông tin sai lệch trong khu vực.

Bà Tunku Latifah Tunku Ahmad, đại diện Bộ Thông tin - Truyền thông Malaysia cho rằng, có những tin giả làm ảnh hưởng đến tính đoàn kết quốc gia. Những thông tin giả liên quan đến Covid-19 làm người dân hoang mang, làm suy yếu những nỗ lực chống dịch của Chính phủ. Từ đó, Chính phủ cũng đã có sáng kiến ứng phó thông tin sai lệch là tạo Cổng thông tin điện tử - trung tâm một cửa toàn quốc để người dân kiểm tra, xác minh thông tin trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Hoạt động này cũng ngăn chặn sự lây lan nhanh của thông tin giả - tin sai sự thật.

Theo ông Izzad Zalman, cán bộ cấp cao Văn hóa và Thông tin (Ban Thư ký ASEAN), vấn đề quan trọng nhất để ứng phó tin giả - tin sai sự thật là cần có khung hướng dẫn để quản lý thông tin. Từ đó, có bước tiến, trao quyền công bằng nhằm vừa đảm bảo quyền tự do ngôn luận, vừa đảm bảo tính chính xác minh bạch của thông tin. Để làm được điều đó, cần huy động sự tham gia của tất cả các nước thành viên và có định nghĩa chung và khung hướng dẫn.

Không chỉ vậy, người dân phải được nâng cao nhận thức về việc phát hiện thông tin giả qua nhiều cách thức, qua đó giảm thiểu thông tin giả và có trách nhiệm khi đăng thông tin trên mạng xã hội...


Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét