"Sự trục lợi tín ngưỡng, tôn giáo sẽ không có cơ hội tồn tại nếu chúng ta thực sự hiểu chân lý của những chính đạo" - chuyên gia văn hóa Nguyễn Viết Chức nêu quan điểm.
Chỉ còn ít ngày này nữa là tới Tết Nguyên đán Xuân Giáp Thìn, cũng là thời gian diễn ra nhiều hoạt động lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo chào mừng xuân mới theo các phong tục truyền thống. Đây cũng là thời điểm mà nhiều kẻ xấu lợi dụng lòng tin vào tín ngưỡng, tôn giáo của người dân để có những hành vi biến tướng nhằm trục lợi, lừa đảo.
Thời gian gần đây, nhiều vụ việc trục lợi tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra với hình thức ngày càng đa dạng và liên tục gia tăng với muôn hình vạn trạng. Điển hình phải kể đến vụ việc chùa Ba Vàng tổ chức rước, trưng bày vật thể gọi là "xá lợi tóc Phật". Đã có hàng vạn người dân, phật tử kéo về chùa này để chiêm bái, đảnh lễ “xá lợi tóc của Đức Phật". Nhiều người còn xúc động rơi nước mắt, van vái, cầu xin, cúng dường trước vật thể được quảng bá là “xá lợi tóc Phật” này. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh bước đầu xác định việc tổ chức cho phật tử chiêm bái "xá lợi tóc Phật" đã vi phạm một số quy định pháp luật như Nghị định về hoạt động triển lãm cũng như Luật Tín ngưỡng Tôn giáo. Một số cá nhân liên quan đến vụ việc cũng đã phải nhận những hình thức kỷ luật.
Điều đáng nói hơn, đây không phải vụ việc duy nhất liên quan đến trục lợi tín ngưỡng, tôn giáo xảy ra. Cũng tại chùa Ba Vàng mấy năm trước, hoạt động mê tín, dị đoan dưới hình thức truyền bá 'vong báo oán', 'giải nghiệp' và nhận tiền dưới hình thức công đức đã diễn ra công khai trong nhiều năm.
Chia sẻ với VOV2, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội cho rằng đây là một thực trạng rất đáng buồn: “Rất đáng buồn, bởi tín ngưỡng tôn giáo luôn luôn được nhân dân ta cũng như Đảng ta tôn trọng. Tín ngưỡng, tôn giáo là một phần của đời sống xã hội, của đời sống con người. Tâm linh rất sâu sắc trong tâm khảm con người, đó là đức tin. Nhưng lại bị trục lợi, đức tin mà bị trục lợi thì trái với cả luật pháp, trái với đạo lý”.
Theo TS Nguyễn Viết Chức có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngày càng gia tăng các vụ việc về trục lợi tín ngưỡng, tôn giáo. Nhưng điều quan trọng là nếu không được ngăn chặn kịp thời nó sẽ gây ra những hậu quả khôn lường, không chỉ ảnh hưởng tới một cá nhân, một gia đình mà còn ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. “Một câu chuyện tưởng chừng như nhỏ nhặt, nhưng là chuyện lòng tin bị lạm dụng, thì lòng tin sẽ bị lệch hướng, sai một li đi một dặm. Cái mất lớn nhất là làm hỏng cả những điều linh thiêng trong đời sống tâm linh, và cái hỏng thứ 2 là lừa gạt, làm đảo lộn xã hội” - Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.
Từ hoạt động tín ngưỡng thực chất đến trục lợi tín ngưỡng là một ranh giới khá mong manh. Trong khi đó, nhiều kẻ xấu đã lợi dụng sự mong manh này, lợi dụng lòng tin của nhân dân để hoạt động trục lợi, lừa đảo với những hình thức tinh vi. Vì vậy theo nhà báo Tuyết Loan, Báo Nhân dân, đây là hành vi cần lên án và xử lý nghiêm minh, cần có chế tài mạnh mẽ hơn nữa.
Trên thực tế, dù chúng ta đã có chế tài để xử lý vi phạm được quy định trong Luật Tín ngưỡng Tôn giáo (2016) và cao hơn nữa là Hiến pháp và một số bộ luật, nhưng hoạt động trục lợi tín ngưỡng, tôn giáo vẫn diễn ra với nhiều hình thức tinh vi, lợi dụng những kẽ hở và tính nhân văn trong luật pháp cũng như trong chính sách về tôn giáo, tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước ta. Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng này, chúng ta vẫn rất cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý.
Mới đây, Bộ VH-TT&DL đã có công văn gửi các địa phương yêu cầu tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và lễ hội mừng Xuân Giáp Thìn 2024. Trong đó nhấn mạnh nội dung xử lý nghiêm hành vi trục lợi tín ngưỡng. Nhiều người kỳ vọng đây sẽ là những yếu tố tích cực góp phần ngăn chặn những biến tướng khi dịp đầu xuân diễn ra nhiều lễ hội truyền thống của dân tộc.
Theo TS Nguyễn Viết Chức, một điểm cần lưu ý đó là phải đề cập về những hành vi trục lợi tín ngưỡng, tôn giáo trên không gian môi trường số. Và để làm được điều này cần thiết phải có sự kết nối, phối hợp của các cơ quan quản lý. “Ngoài việc phạt tiền có lẽ chúng ta cũng cần có những biện pháp kỷ luật công nghệ để ngăn chặn và “dọn rác” trên môi trường số” - TS Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.
Một điều đáng lưu ý nữa là cùng với sự hoàn thiện về các quy định của pháp luật và sự tăng cường của các cơ quan quản lý Nhà nước, về phía người dân cũng cần chung tay để ngăn chặn tình trạng trục lợi tín ngưỡng, tôn giáo. Bởi theo TS Nguyễn Viết Chức: "Mỗi người đều có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo và thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo cũng như tham gia lễ hội, học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo. Sự trục lợi tín ngưỡng, tôn giáo sẽ không có cơ hội nếu chúng ta thực sự hiểu chân lý của những chính đạo. Đừng để đức tin bị lợi dụng mù quáng, bởi hệ lụy sẽ khôn lường đến chính bản thân và gia đình mỗi người"./.
ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét