Những ngày cuối năm, nếu có dịp về các chợ ở vùng nông thôn chắc hẳn mọi
người sẽ cảm nhận được không khí Tết. Được ngắm chợ Tết ở quê mới thấy đẹp làm
sao, với những nét đặc trưng, khác biệt với chợ nơi đô thành, phố thị. Chợ quê
ngày Tết còn là nơi lưu giữ nét văn hóa độc đáo, từ lâu đã trở thành món ăn
tinh thần không thể thiếu mỗi khi Tết đến xuân về.
Những năm gần đây, do công nghệ số ngày
càng phát triển nên đã xuất hiện một loại chợ Tết mà người mua không cần nặng
nhọc “tay xách nách mang”, chen lấn giữa dòng người ngược xuôi, đó là chợ Tết
trực tuyến. Theo đó, ở phiên chợ này, người mua hàng chỉ việc ở nhà lựa chọn
rồi chốt đơn, hàng hóa sẽ được giao đến tận nơi với nhiều mặt hàng đáp ứng nhu
cầu người tiêu dùng. Thế nhưng, mỗi khi Tết đến ai cũng nôn nao về nhà, về quê
và vẫn thích đi chợ quê ngày Tết.
Hiện tại, các vùng nông thôn đã phát
triển hơn trước rất nhiều, đời sống của người dân cũng đủ đầy hơn trước. Các
khu chợ được đầu tư xây dựng khang trang hơn, hàng hóa thì quanh năm phong phú,
muốn tìm mua gì lúc nào cũng có, đặc biệt trong những ngày cuối năm càng thêm
sung túc. Đáp ứng sức mua, những chuyến xe chở hàng hóa tấp nập làm việc ngày
đêm, nào là dưa hấu, nào là hoa kiểng... ngược xuôi trên con đường quê. Cả chợ
quê rực rỡ sắc màu, người mua, kẻ bán tấp nập. Chợ búa thì tràn ngập thịt cá,
bánh mứt. Chợ Tết thường bán cả ngày lẫn đêm. Dù đông đúc nhưng rất yên bình,
không có chuyện nói thách, cãi vã, có chăng chỉ có tiếng cười nói râm ran của
người mua kẻ bán.
Bây giờ, chợ Tết vẫn với không khí rộn
rã, song sự đổi thay đã hiển hiện ra trên từng khuôn mặt, trong mỗi gian hàng
bán đồ Tết… đã thấy phần nào dáng dấp của sự đổi thay, kinh tế của một vùng
nông thôn đã mạnh lên khá nhiều. Chị Cao Thị Thương - tiểu thương chợ Thạnh
Tân, xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) bộc bạch: “Sau khi chợ được đầu
tư xây dựng khang trang, tiểu thương vào bán cũng thuận tiện hơn, vệ sinh sach
sẽ, thoáng mát hơn hẳn, bà con đi chợ mua sắm cũng tiện lợi. Tết năm nay, tôi
bán được hơn năm rồi. Bà con bắt đầu đi chợ Tết từ mấy hôm nay rồi. Hằng năm
bắt đầu từ 23 tháng chạp khi đưa Ông Táo là chợ đông đến 29 Tết luôn. Đặc biệt,
những ngày giáp Tết, chợ bán cả ngày lẫn đêm”.
Bên cạnh đó, việc mua bán, đi chợ Tết
của người dân luôn được đảm bảo an toàn. Đồng chí Lý Sang - Trưởng Ban Quản lý
chợ Thạnh Tân (huyện Thạnh Trị) cho biết: “Ban Quản lý chợ đảm bảo tốt cho công
tác an ninh trật tự trong dịp Tết; tổ chức sắp xếp, tạo điều kiện cho các hộ
tiểu thương thuận lợi mua bán trong những ngày cận Tết năm 2024. Đa số người
mua, người bán đều là dân địa phương nên có mối quan hệ tình làng nghĩa xóm
thân thiết. Ngoài người dân địa phương, những ngày cận Tết có nhiều du khách ở
nơi khác đến tham quan hoặc những người đi làm ăn xa về quê ăn Tết mua sắm rất
đông”.
Và người dân thường bắt đầu đi chợ Tết
từ sau ngày 23 tháng chạp cho đến chiều 30 Tết. Anh Quách Tấn Thuần, ở xã Thới
An Hội, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) bộc bạch: “Chợ trung tâm xã Thới An Hội ngày
xưa bình thường chỉ có vài sạp bán quần áo, tạp hóa, thịt cá nhưng độ rằm tháng
Chạp thì chợ nhộn nhịp hẳn lên, phần nhiều là nhờ người dân mới thu hoạch lúa
xong có tiền mua sắm Tết. Từ 27 đến 29 tháng Chạp, chợ Tết bắt đầu nhóm. Hiện
tại, khu chợ trung tâm xã giờ đã được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang hơn,
hàng hóa thì quanh năm phong phú. Chợ Tết thường chỉ nhộn nhịp một ngày trước
ngày rước ông bà (thường là 29 hoặc 30 tháng Chạp tùy theo năm đủ hay thiếu)”.
Đi chợ Tết là thú vui ở nông thôn, cho
nên đến chợ cũng chưa hẳn là để mua sắm, mà đôi khi chỉ là đi chơi, đi cảm nhận
không khí Tết hoặc để gặp gỡ người quen, hỏi han nhau đôi ba câu chuyện. Chị
Phan Thị Thúy Kiều, ở thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) chia sẻ:
“Chợ Tết ở quê tôi cuối năm thường rất đông người, đi chợ Tết thì mọi người
phải chen chúc nhau mới vui. Đến chợ Tết ở quê, thấy gì mọi người cũng muốn
mua, còn người bán cũng muốn níu kéo để mà bán cho bằng được. Vì là chợ Tết, ai
cũng muốn mua cho được những thứ đẹp, vừa ý để về trang hoàng nhà cửa, cúng ông
bà tổ tiên… với mong cầu một năm mới sung túc, an vui cho gia đình. Tuy đã đi
nhiều nơi, đến nhiều chợ nhưng tôi vẫn thích ngắm chợ Tết ở quê mình”.
Có nhiều loại hình chợ mua bán hàng hóa,
dịch vụ đa dạng nhưng chợ Tết ở quê vẫn đông đúc và người ta vẫn thích đi chợ
Tết. Nét đẹp đi chợ Tết đã thành nét đẹp văn hóa, nét phong tục trong truyền
thống dân tộc. Đi chợ Tết ở quê, thưởng thức hương vị ngào ngạt của ngày Tết,
mỗi người hướng đến những điều tích cực hơn, phấn khởi hơn trong cuộc sống vào
năm mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét