Những năm qua, đặc biệt là trong hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thúc đẩy, bảo đảm quyền con người nói chung và bảo đảm quyền trẻ em nói riêng. Những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong công tác bảo vệ quyền trẻ em đã được Liên Hợp quốc ghi nhận và nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, bất chấp thực tế đó, các thế lực thù địch, phản động thường xuyên lợi dụng một số vụ việc liên quan đến trẻ em để công kích, xuyên tạc rằng, quyền trẻ em ở Việt Nam không được đảm bảo và coi trọng. Những tiếng nói lạc lõng, những luận điệu xuyên tạc, phi lý ấy không nhằm mục đích gì khác là chống phá Việt Nam, phủ nhận những nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ quyền trẻ em.
Đảm bảo quyền của trẻ em là một bộ phận không thể
tách rời trong toàn bộ các quyền con người. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn có
quan điểm và chính sách nhất quán về quyền trẻ em, coi công tác bảo vệ, chăm
sóc và giáo dục trẻ em là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong
chính sách và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Từ nhận thức
trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước, trẻ em hôm nay là
thế giới ngày mai, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo
đảm quyền trẻ em. Việt Nam coi việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là
trách nhiệm của Nhà nước, của toàn xã hội và của mỗi gia đình, là nội dung quan
trọng trong các mục tiêu phát triển bền vững.
Hiến pháp năm 2013 quy định: “Trẻ em được Nhà nước,
gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề
về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột
sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Ngoài ra trong Luật
Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 1991; Luật Phổ cập giáo dục tiểu học
năm1991; Luật Bảo vệ môi trường năm 1993; Luật Ngân sách nhà nước năm 1996;
Luật Giáo dục năm 1998; Bộ luật Hình sự năm 2015; Luật Hôn nhân và gia đình
v.v... còn có nhiều điều khoản quy định riêng về bảo vệ quyền của trẻ em. Không
chỉ cố gắng hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước, Việt Nam còn là quốc gia
đầu tiên ở châu Á và là quốc gia thứ hai thế giới phê chuẩn Công ước Liên hợp
quốc về quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990. Việt Nam là nước tích cực thực hiện
cam kết, hợp tác với quốc tế nhằm cải thiện phúc lợi trẻ em trong điều kiện thu
nhập bình quân đầu người còn thấp. Ngày 28/11/2001, Việt Nam đã phê chuẩn hai
Nghị định thư không bắt buộc bổ sung cho Công ước Quốc tế Quyền Trẻ em (1- Nghị
định thư không bắt buộc về buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hoá phẩm
khiêu dâm trẻ em; 2- Nghị định thư không bắt buộc về việc sử dụng trẻ em trong
xung đột vũ trang).
Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến công
tác trẻ em để bảo đảm thực hiện tốt nhất các quyền của trẻ em, tạo cơ hội cho
trẻ em được phát triển toàn diện, bình đẳng về thể chất, trí tuệ và tinh thần,
để trẻ em trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước. Ủy ban Văn hóa, Giáo
dục (trước đây là Ủy ban thiếu niên nhi đồng) của Quốc hội đã tích cực phối hợp
với các cơ quan chức năng bảo đảm thực hiện tốt nhất những chủ trương, chính
sách nói trên. Để thực hiện việc bảo đảm quyền của trẻ em, trong Chính phủ có
một cơ quan cấp Bộ là Uỷ ban Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em và Chính phủ đã ban hành
nhiều chính sách về chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, dinh dưỡng, chính sách
giáo dục, phổ cập tiểu học, phúc lợi xã hội cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
khó khăn và chính sách chăm lo phát triển văn hoá tinh thần cho trẻ em.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành
động Quốc gia Vì trẻ em giai đoạn 2021-2030. Chương trình hành động này có 4
mục tiêu với 24 chỉ tiêu cụ thể nhằm bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em, phát
triển toàn diện trẻ em; tạo lập môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân
thiện cho trẻ. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định về
việc phê duyệt Chương trình hành động bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó
khăn với 5 đề án: ngăn chặn và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang kiếm sống
và bị lạm dụng sức lao động; phòng ngừa trẻ em bị xâm hại nhân phẩm, danh dự,
trẻ em bị xâm hại tình dục; phòng chống tệ nạn sử dụng ma túy trong trẻ em...
Với những nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, đến nay, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh
đặc biệt đã giảm còn dưới 5%; hơn 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quản lý
theo dõi, hơn 80% trong số đó được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập
cộng đồng và có cơ hội phát triển…
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực kiên
trì, cùng với những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội,
trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa
quan trọng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của trẻ em và trong sự
nghiệp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Hầu hết các chỉ tiêu về chăm sóc sức
khỏe trẻ em đã được nâng cao. Việt Nam đã đạt được một số mục tiêu và tiêu
chuẩn quốc tế. Năm 2000 Việt Nam được quốc tế công nhận đã thanh toán bệnh bại
liệt. Tỷ lệ trẻ em tử vong trước 5 tuổi giảm mạnh. Trong lĩnh vực giáo dục,
nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt mục tiêu đề ra của chương trình hành động quốc
gia vì trẻ em. Nhà nước có nhiều chính sách nâng cao đời sống văn hoá tinh thần
cho trẻ em.
Thực tế những gì mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt
Nam đã và đang làm là minh chứng rõ nét nhất, bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc,
phủ nhận thành quả về nhân quyền nói chung và về quyền trẻ em nói riêng. Tuy
nhiên sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động sẽ còn tiếp tục gia
tăng, nhất là về dân chủ, nhân quyền, quyền trẻ em. Đứng trước những âm mưu,
thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên và
các tầng lớp nhân dân ta cần hết sức tỉnh táo, đề cao cảnh giác để kịp thời
nhận diện, đấu tranh phản bác, đập tan thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân
quyền để chống phá Việt Nam./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét