BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN CHỦ NGHĨA MÁC-LÊNIN,
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG TÌNH HÌNH HIỆN
NAY
Loại hình viết: Tạp chí in
Tóm tắt bài viết:
Chủ nghĩa
Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng và Nhân dân ta, đã
và đang định hướng, soi đường cho cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, để thực hiện chiến lược "diễn biến hòa
bình" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch đặt trong
tâm là chống phá nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, đó là
chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng tìm mọi cách để xuyên tạc, hạ
thấp và phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong đời sống, tinh
thần xã hội Việt Nam. Bài viết tập trung đề xuất một số giải pháp nâng bảo vệ
và phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình hiện nay.
Từ khóa: Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng
sản Việt Nam, nền tảng tư tưởng.
Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng
và kim chỉ nam cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đó là học thuyết khoa học nêu
ra các quy luật chung nhất về sự phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy; là
học thuyết cách mạng vạch ra con đường, chiến lược và sách lược đấu tranh để
giai cấp công nhân lãnh đạo quần chúng cách mạng lật đổ chế độ tư bản chủ
nghĩa, xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.Tuy nhiên, trong
những năm qua, các thế lực thù địch đã và đang ra sức tuyên truyền, xuyên tạc,hạ thấp và phủ
nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong đời sống, tinh thần xã hội
Việt Nam. Vì vậy, tăng cường bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh vừa là nhiệm vụ cơ bản lâu dài, vừa là nhiệm vụ cấp bách trong công
tác tư tưởng, lý luận ở nước ta hiện nay.
Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng
Chủ nghĩa Mác-Lênin
- chủ nghĩa xã hội khoa học theo nghĩa rộng là học thuyết khoa học, cách mạng
do C.Mác và Ph.Ăngghen sáng lập, V.I.Lênin bảo vệ và phát triển trong quá trình
tổng kết thực tiễn phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, kế thừa những
thành tựu tư tưởng, tri thức tinh hoa của nhân loại. Đồng thời nó đóng vai trò
là thế giới quan, phương pháp luận duy vật khoa học của nhận thức và thực
tiễn cách mạng. Chủ nghĩa Mác-Lênin là khoa học trong cuộc đấu tranh chống mọi
chế độ áp bức, bóc lột, bất công, tiến tới xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa và
xã hội cộng sản chủ nghĩa.
Chủ nghĩa Mác-Lênin
ra đời vào những năm 40 của thế kỷ XIX trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử,
trong đời sống chính trị - xã hội của nhân loại, nhưng nó vẫn tỏa sáng, thể
hiện sức sống phi thường, mãnh liệt bằng chính những thành tựu, giá trị khoa
học, cách mạng, nhân văn, nhân bản sâu sắc. Những thành tựu, giá trị khoa học,
cách mạng, nhân văn, nhân bản sâu sắc, mang tính phổ biến toàn nhân loại của
Chủ nghĩa Mác-Lênin được thể hiện ở rõ nét ở thế giới quan duy vật mác-xít;
phương pháp biện chứng duy vật mác-xít; nhận thức luận duy vật mác-xít; quan
niệm duy vật về lịch sử; học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác; sứ mệnh lịch sử
của giai cấp công nhân, chủ nghĩa nhân văn vì con người,...
Đảng ta, trong
quá trình vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn
cách mạng Việt Nam và đã tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo cuộc đấu tranh cách mạng của
nhân dân ta giành được những thắng lợi vĩ đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:
"Chủ nghĩa Mác-Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân
Việt Nam, không những là cái "cẩm nang" thần kỳ, không những là cái
kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi
cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hôi và chủ nghĩa cộng sản".
Tư tưởng Hồ Chí
Minh có một quá trình hình thành và phát triển gắn liền với quá trình hoạt động
cách mạng của Người. Công lao to lớn của Người đối với nhân dân Việt Nam, dân
tộc Việt Nam, đối với Đảng ta là giá trị vô cùng to lớn, trường tồn trên cả
phương diện thực tiễn và lý luận không ai có thể phủ nhận được. Đảng ta đã nêu
khái niệm (định nghĩa) về tư tưởng Hồ Chí Minh: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ
thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt
Nam; kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào
điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống
tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần
vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự
nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”.
Từ những thành
tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử hơn
35 đổi mới đất nước, tại Đại hội XIII (năm 2021), Đảng ta vẫn tiếp tục khẳng
định chủ nghĩa Mác-Lênin cùng với tư tưởng Hồ Chí
Minh là “kim chỉ nam” cho mọi hành động của Đảng. Đai hội
XIII đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo quá trình đổi mới và phát triển ở Việt Nam. Đó
là: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta
là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh”. Đây được coi là một trong những vấn đề “mang tính nguyên
tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta,
không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”.
Sự công kích của các thế lực thù địch đối với chủ
nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở nước ta hiện nay
Hiện nay, lợi dụng những khó khăn, những diễn biến phức tạp của tình
hình thế giới, khu vực và trong nước, các thế lực thù địch dang và sẽ tiếp tục
ra sức chống phá cách mạng Việt Nam, chống phá công cuộc đổi mới đất nước vì
độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Nhân dân ta. Đặc biệt là tiếp tục công
kích, xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để đi tới
xóa bỏ nền tảng lý luận của Đảng ra khỏi đời sống tinh thân của xã hội ta;các
thế lực thù địch dùng “trăm phương nghìn kế” để bôi nhọ, phủ định sạch trơn chủ
nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, biểu hiện cụ thể:
*Thứ nhất, cố tình
xuyên tạc, hạ thấp vai trò của chủ nghĩa Mác-Lênin, tuyên truyền, phủ nhận
chủ nghĩa Mác-Lênin và cho rằng, chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ phù hợp với thế kỷ XIX
và những năm đầu thế kỷ XX chứ không phải là ở thế kỷ XXI - thời đại của cách
mạng công nghiệp lần thứ tư, của nền kinh tế tri thức; chủ nghĩa Mác-Lênin
không phải là sản phẩm của Việt Nam mà du nhập từ phương Tây, nên không phù hợp
với điều kiện Việt Nam. Lập luận này sai về cả lôgíc lẫn lịch sử. Thực tiễn cho
thấy, không phải cứ thời gian càng trôi xa thì học thuyết, tư tưởng càng mất đi
giá trị. Có những học thuyết, tư tưởng càng qua thời gian thì càng khẳng định
giá trị của mình. Tri thức khoa học xã hội, khoa học nhân văn mang đặc trưng
tích lũy chứ không mang đặc trưng thay thế như kỹ thuật, công nghệ, vì thế mà
có những học thuyết tồn tại hàng nghìn năm qua vẫn còn giá trị, như chủ nghĩa
Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí minh.
* Thứ hai, tập trung tấn công tư
tưởng Hồ Chí Minh với hai thái
cực khác nhau.
Một là, xuyên
tạc, bóp méo, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh chúng cho rằng: “Hồ Chí Minh du
nhập những tư tưởng ngoại lai vào Việt Nam”; “Hồ Chí Minh đi trên cỗ xe Nho
giáo đến với chủ nghĩa Mác-Lênin”; “Tư tưởng Hồ Chí Minh là tư biện, lý thuyết,
giáo điều”; tư tưởng Hồ Chí Minh là sự sao chép, máy móc chủ nghĩa Mác-Lênin,
không phù hợp với thực tiễn hiện nay, bởi thế, cần từ bỏ nó để “kịp đi với con
đường chung mà thế giới hiện nay đang đi” - con đường tư bản chủ nghĩa. Thậm
chí, có người muốn tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác-Lênin hoặc
tìm mọi cách đả kích, xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh và tấm gương đạo đức cách
mạng của Người để “hạ bệ thần tượng”; lung lạc những người nhẹ dạ, cả tin và
phủ nhận những giá trị cơ bản, đúng đắn trong tư tưởng của Người, nhằm phá hoại
và làm thay đổi nền tảng tư tưởng của Đảng, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo
của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam…
Hai là, đề cao “cực đoan” tư tưởng Hồ Chí
Minh, cho rằng ở Việt Nam chỉ cần tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ mà không cần chủ
nghĩa Mác-Lênin, thậm chí coi tư tưởng Hồ Chí Minh chính là chủ nghĩa Mác-Lênin
ở Việt Nam, do đó ở Việt Nam hiện nay tư tưởng Hồ Chí Minh cần đề cao thành chủ
nghĩa Hồ Chí Minh. Cả hai quan niệm này đều sai, vì tư tưởng Hồ Chí Minh là sự
vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện lịch sử Việt Nam. Người đã
kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa Mác-Lênin với tư tưởng truyền thống dân tộc và
các giá trị tinh hoa của nhân loại. Chủ nghĩa Mác-Lênin ở Hồ Chí Minh không
phải là những luận điểm sáo rỗng, giáo điều mà đã chuyển hóa thành hệ thống thế
giới quan, phương pháp luận, nhân sinh quan khoa học, thực tiễn, trực tiếp chỉ
đạo thành công của cách mạng Việt Nam.
*Thứ ba, phủ nhận
tính hợp pháp và tính chính đáng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các thế lực thù
địch, phản động cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay đã hết vai trò lịch
sử. Đảng cầm quyền là không chính đáng, vì không được bầu lên; con đường đi lên
chủ nghĩa xã hội là sai lầm, sẽ thất bại giống như Liên Xô và một số nước Đông Âu,...
Chúng cố tình quên rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đã giành chính quyền từ tay
ngoại xâm để xây dựng một nước Việt Nam mới độc lập, tự chủ. Đảng Cộng sản Việt
Nam không chỉ lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi qua các cuộc chiến tranh bảo vệ
Tổ quốc mà còn cả trong xây dựng đất nước. Thành tựu của sự nghiệp đổi mới, đời
sống của người dân được cải thiện và nâng cao… là minh chứng sinh động nhất cho
việc Đảng là đại diện cho ý nguyện và lợi ích của nhân dân. Nhân dân thừa nhận
sự lãnh đạo của Đảng, gọi Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng ta.
*Thứ tư, phủ nhận
mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam; cho rằng tất
yếu phải đi theo con đường của chủ nghĩa tư bản. Những luận điệu đó bắt nguồn
từ việc vô tình hoặc cố ý lẫn lộn giữa hiện tượng với bản chất, giữa tính đặc
thù với tính phổ biến, giữa cái riêng với cái chung. Họ đã rêu rao tư bản chủ
nghĩa là con đường duy nhất để phát triển, cố tình biến những khuyết điểm của
chủ nghĩa tư bản thành ưu điểm, thần thánh hóa chủ nghĩa tư bản; khoét sâu
những hạn chế, khuyết điểm trong quá trình phát triển theo con đường chủ nghĩa
xã hội, quy kết thành bản chất của chủ nghĩa xã hội.
Giải pháp bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
trong tình hình hiện nay
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay,
bên cạnh những thời cơ, vận hội, Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách
thức cả trong và ngoài nước mang tính khách quan và chủ quan. Tại Đại hội Đại
biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta nhận định: “... tình hình thế giới giới và
khu vực tiếp tục thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác và
phát triển vẫn là xu thế lớn, song cũng đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn,
thách thức. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục phát triển, nhưng cũng
đang bị đe dọa bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cạnh tranh chiến
lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mãi diện ra gay gắt. Do tác động
của đại dịch covid-19, thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng nhiều mặt…”.Trong
bối cảnh đó, đối với tình hình trong nước Đảng ta nhận định: “… dù đạt được
những thành tựu rất quan trọng, rất đáng tự hào, nhưng đất nước ta vẫn đứng
trước nhiều khó khăn, thách thức và hạn chế”. Chẳng hạn như: “Tăng trưởng kinh
tế chưa tương xứng với tiềm năng… Tính tự chủ và khá năng chống chịu của nền
kinh tế chưa cao… Công tác lãnh đạo, quản lý, bảo đảm an ninh con người, trật
tự, an toàn xã hội; sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập,
gây bức xúc xã hội…; chất lượng pháp luật, chính sách trong một số lĩnh vực còn
thấp. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn
chưa ngang tầm nhiệm vụ. Cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng, Nhà nước chưa
thật đầy đủ đồng bộ; hiệu lực, hiệu quả chưa cao…”. Đây chính là mảnh đất màu
mỡ để các thể lực thù địch lợi dụng xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội
ở Việt Nam, xuyên tạc đường lối đối mới của Đảng ta. Vì vậy, để bảo vệ và phát
triển chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đấu tranh phản bác các quan
điểm sai trái, thù địch trong tình hình hiện nay, cần thực hiện tốt một số giải
pháp cơ bản sau:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin
và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật
của Nhà nước; đẩy mạnh đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị
Chủ nghĩa Mác-Lênin,
tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là một thứ tín ngưỡng hay giáo điều cứng
nhắc, mà là một học thuyết mang tính mở, sáng tạo, gắn liền với sự phát
triển của thực tiễn, hay nói cách khác, là thế giới quan và phương pháp
luận khoa học.
Tập trung tuyên
truyền sâu rộng bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh, làm cho nó thấm sâu vào đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh
thần, định hướng tư tưởng cho xu thế phát triển trên các lĩnh vực của đời sống
xã hội. Các cấp, ngành, nòng cốt là cơ quan báo chí, học viện, nhà trường, viện
nghiên cứu cùng với đội ngũ cán bộ, đảng viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên
phải phối hợp chặt chẽ, tích cực tuyên truyền về vấn đề này, với nội dung, hình
thức, phương pháp thiết thực, hiệu quả, có tính định hướng cao. Trong đó, cần
tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX), ngày
18/3/2002 “Về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới”, chỉ rõ phương hướng chung của công tác tư tưởng, lý
luận là: kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã
hội, chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo và các nguyên tắc
hoạt động của Đảng; góp phần làm rõ hơn nữa con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở
nước ta. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X), ngày 01/8/2007, ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TW về công tác tư
tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới tiếp tục nhấn mạnh “Công tác tư
tưởng, lý luận, báo chí phải đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát
triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng,
làm cho hệ tư tưởng của Đảng, của giai cấp công nhân, lý tưởng xã hội chủ
nghĩa, những giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc, những tinh hoa
văn hóa thế giới chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội”. Thông
qua đó, làm cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân có nhận thức đúng, đủ
những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường
lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây là việc làm
thường xuyên, liên tục và lâu dài.
Cùng với đó, phải
đẩy mạnh đổi mới công tác giáo dục chính trị, Hồ Chí Minh nhấn mạnh:
“Không có lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học thì không thể có lập trường giai
cấp vững vàng. Vì vậy, các cô, các chú phải chịu khó học tập lý luận Mác-Lênin,
học tập đường lối, chính sách của Đảng; đồng thời phải học tập văn hóa, kỹ
thuật và nghiệp vụ”. Để nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục chính trị, các
nhà trường phải thực hiện nghiêm Kết luận 94-KL/TW, ngày 28/3/2014 của Ban Bí
thư (khóa XI): “Về tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ
thống giáo dục quốc dân”; Chỉ thị 23-CT/TW, ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư: “Về
tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng
và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”.
Theo đó, cần đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ nội dung, chương trình, giáo trình và
phương pháp giảng dạy lý luận chính trị trong hệ thống các nhà trường; truyền
thụ đầy đủ những nội dung cơ bản, cốt lõi của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh, cập nhật những nội dung mới, phù hợp tình hình hiện nay, làm cơ sở cho
việc vận dụng trong chỉ đạo thực tiễn. Đặc biệt, cần chú trọng việc giáo dục lý
luận chính trị cho thế hệ trẻ trong các nhà trường, nâng cao tính hấp dẫn của
việc dạy và học các nội dung thuộc bộ môn Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, “góp
phần làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm
của Đảng giữ vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội; bảo đảm thế hệ trẻ Việt Nam
luôn trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng và với chế độ”; xây dựng
chương trình đào tạo lý luận chính trị phù hợp với đối tượng và cấp học, có
tính liên thông, khắc phục sự chồng chéo, trùng lặp, phù hợp với nhu cầu đào
tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, bám sát thực tiễn, nâng cao tính thiết thực,
tránh chạy theo hình thức, bằng cấp.
Hai là, tích cực đấu tranh với các quan điểm sai
trái, thù địch
Để thực hiện tốt
giải pháp này, cần quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị 34-CT/TW, ngày
17/4/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X): “Về tăng cường cuộc đấu
tranh chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn
hóa”, Nghị quyết 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII): “Về
tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm
sai trái, thù địch trong tình hình mới”, v.v. Trên cơ sở đó, các cấp, nhất là
cơ quan báo chí, học viện, nhà trường, viện nghiên cứu cần chủ động và tích cực
đấu tranh, phê phán quan điểm sai trái, thù địch, vạch trần thủ đoạn xuyên tạc,
phủ nhận bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh, đối lập giữa hai hệ tư tưởng này; thổi phồng những sơ hở, yếu kém của ta
trong công tác lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội, nhằm kích động tâm lý bất
mãn, chống đối, chia rẽ nội bộ, khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, việc
kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch là một giải pháp hết
sức quan trọng trong bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí
Minh hiện nay.
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và đấu tranh
phản bác có hiệu quả, kịp thời các quan điểm sai trái, thù địch, với các hình
thức đa dạng, phong phú để bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh,
giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng. Tăng cường thực hiện cơ chế phối hợp và
trao đổi thông tin, chủ động nắm bắt âm mưu, thủ đoạn, phương thức chống phá
của các thế lực thù địch, đối tượng cơ hội chính trị; chủ động xây dựng kế
hoạch, luận cứ đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc và tạo sự
thống nhất trong phối hợp giữa các cơ quan, ngành có liên quan trên cả ba lĩnh
vực lý luận chính trị, tư tưởng - văn hóa và văn học - nghệ thuật. Trong đó,
các cơ quan thông tấn, báo chí từ Trung ương đến địa phương tiếp tục xây dựng
chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền sát hợp thực tế về bảo vệ nền tảng tư
tưởng của Đảng; phòng và chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”; phòng và
chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng,
đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”… Thông qua đó, nâng cao nhận thức về ý nghĩa,
vai trò, tầm quan trọng, sự cần thiết phải học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo
và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nhận diện và kiên
quyết phòng, chống và ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị,
đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội
bộ; chỉ rõ và vạch trần thủ đoạn thổi phồng những sơ hở, yếu kém trong công tác
lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội của các thế lực thù địch, phản động nhằm
kích động tâm lý bất mãn, chống đối, chia rẽ nội bộ, chia rẽ khối đoàn kết toàn
dân để tăng cường sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng và sự đồng thuận trong xã
hội.
Ba là, đẩy
mạnh nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, tiến hành tổng kết
thực tiễn trong giai đoạn hiện nay
Trong quá trình
tìm đến chân lý cách mạng, ngay từ năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã nhấn mạnh: “Dù
sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách
đưa thêm vào đó những tư liệu mà C.Mác ở thời mình không thể có được”. Do vậy, để
chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh - bộ phận cơ bản trong nền tảng tư
tưởng của Đảng có sức sống trường tồn, phải tích cực nghiên cứu lý luận, tổng
kết thực tiễn để bổ sung, làm phong phú lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh. Bởi vì, dù là lý luận khoa học, cách mạng, nhưng không có nghĩa
mọi nguyên lý, lý luận đó đều đúng với mọi thời đại. Cho nên, trước hết phải
học tập phương pháp luận mác-xít, còn các nguyên lý, lý luận phải có sự
kế thừa, bổ sung và phát triển. Quá trình nghiên cứu lý luận cần làm
rõ một số vấn đề lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh theo các
hướng sau:
Khẳng định những
luận điểm nào có giá trị bền vững, trước kia đúng, bây giờ vẫn đúng và về sau
vẫn đúng; làm rõ những luận điểm nào trước kia đúng, nhưng điều kiện lịch sử
hiện nay đã thay đổi, đã bị thực tiễn vượt qua, không còn phù hợp; chỉ rõ những
luận điểm nào ngay khi sinh thời, Lênin và Hồ Chí Minh đã phát hiện thấy không
đầy đủ hoặc thừa nhận là sai và đã sửa đổi nhưng chúng ta không thấy hết; làm
rõ những luận điểm nào của các ông mà chúng ta đã hiểu sai do nghiên cứu không
đến nơi đến chốn, hoặc hiểu theo cách hiểu không đúng của người khác, đảng
khác.
Để thực hiện tốt
các nội dung trên, đòi hỏi phải phát huy dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính
trị, thực hiện tốt Quy định 285-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về dân chủ
trong nghiên cứu lý luận chính trị trong học viện, nhà trường, viện nghiên cứu.
Thông qua đó, có kết quả nghiên cứu khoa học nhằm góp phần bổ sung, phát triển
sáng tạo, nâng lên tầm cao mới của chủ nghĩa Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, phù
hợp với yêu cầu thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tổng kết thực tiễn qua hơn
90 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ
Chí Minh đã làm sáng tỏ thêm tính đúng đắn của hệ tư tưởng này. Đồng thời, đưa
ra những vấn đề mới để vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho
phù hợp với sự phát triển của thực tiễn, tránh rập khuôn, giáo điều, máy móc.
Bốn là, phát huy vai trò của lực lượng vũ trang
trong bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh
Bảo vệ, phát
triển nền tảng tư tưởng của Đảng nói chung, chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ
Chí Minh nói riêng là trách nhiệm của mọi cấp, ngành, lực lượng, của cả hệ
thống chính trị; trong đó, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang là lực lượng
quan trọng. Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang cần quán triệt, có nhận
thức đúng về chức trách, nhiệm vụ của mình; đề cao tinh thần trách nhiệm, tích
cực học tập chính trị, nghiên cứu lý luận theo các chương trình cơ bản quy định
cho các đối tượng. Các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu tiếp tục nâng cao
chất lượng giảng dạy lý luận chính trị; nghiên cứu, tổng kết thực tiễn lý luận
quân sự, quốc phòng; biên soạn tài liệu định hướng đấu tranh phản bác quan điểm
sai trái, thù địch, góp phần hoạch định đường lối bảo vệ Tổ quốc của Đảng, đấu
tranh với các quan điểm sai trái, thù địch. Các cơ quan thông tấn, báo chí Quân
đội chủ động, kịp thời thông tin làm rõ sự thật, định hướng tư tưởng, dư luận
cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là trước những sự kiện nhạy cảm, phức
tạp, tạo sự thống nhất cao đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách,
pháp luật của Nhà nước nói chung, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng nói
riêng. Tăng cường xây dựng chuyên trang, chuyên mục, chương trình, tăng thời
lượng đăng tải các tin, bài đấu tranh phản bác, vạch rõ tính chất phản động,
phản khoa học của những quan điểm, luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế
lực thù địch, góp phần bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ
Chí Minh.
Cơ quan chức năng
tiếp tục duy trì, thực hiện chế độ giao ban phản ánh tình hình, trao đổi thông
tin, thống nhất biện pháp phối hợp đấu tranh, góp phần ngăn chặn mọi âm mưu,
hành động móc nối, tập hợp lực lượng của các thế lực thù địch, phản động, cơ
hội, bất mãn kích động, chống đối, chia rẽ nội bộ Đảng và khối đại đoàn kết
toàn dân tộc; không để chúng lợi dụng những yếu kém, bất cập trong quản lý,
điều hành của Đảng và Nhà nước để xuyên tạc, bôi nhọ, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin
và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, cần
chú trọng tổ chức lực lượng tác chiến trên không gian mạng, lực lượng chuyên
sâu đấu tranh trực diện với các quan điểm sai trái trên internet. Hình thành
các trang web cá nhân của lực lượng nòng cốt, mở rộng, phát triển các bloger,
ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin để cải tiến, nâng cao chất lượng giáo
dục chính trị, đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa. Chủ động áp dụng các
biện pháp kỹ thuật để chặn lọc thông tin mạng, không để các thế lực thù địch
lợi dụng internet chống phá ta.
Như vậy, việc bảo
vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình
hiện nay cũng là góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng và
đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch. Đây là một nội
dung cơ bản, cấp bách, mang tính sống còn của cách mạng Việt Nam, là nhiệm vụ
quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; đòi hỏi sự thống
nhất cao về nhận thức trong nghiên cứu và thực hiện các giải pháp nêu trên,
trong đó, lực lượng làm công tác tư tưởng, lý luận, báo chí là nòng cốt, dưới
sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy đảng, cũng như sự tham gia của toàn bộ hệ
thống chính trị, để chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục là
nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho Đảng ta, dân tộc ta trên chặng đường đổi
mới tiếp theo./.
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ Chí
Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t.2;
2. Đảng Cộng sản
Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb ST,
H, 1987, tr. 125.
3. Đảng Cộng sản
Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb ST,
H, 1991
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét