Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2024

LAN TOẢ NHỮNG HÀNH ĐỘNG ĐẸP

     Bất chấp ngay cả tính mạng mình để cứu mạng người, nhiều người đã lan toả hành động đẹp, cao cả và xứng đáng được xã hội tôn vinh.

    Chắc nhiều người vẫn khắc ghi hình ảnh một thanh niên cởi trần trèo trên thang, một tay đu vào thang dây, tay còn lại dùng búa tạ để đập tường với hy vọng cứu được những người đang bị mắc kẹt trong vụ cháy nhà trọ xảy ra tại ngõ 43 đường Trung Kính (quận Cầu Giấy, Hà Nội) mới đây.

    Thời điểm phát hiện đám cháy, không quản hiểm nguy, các anh Phạm Quốc Luật, Nguyễn Kim Long, Đồng Văn Tuấn và Hoàng Anh Tuấn đã chạy đi tìm thang, búa; rồi thì người giữ thang, người thay phiên nhau leo lên dùng búa tạ để đập tường, cứu được 4 người thoát chết.

    Hành động dũng cảm cứu người của bốn nam thanh niên đã nhận được “mưa” lời khen từ người dân và cộng đồng mạng khi một đoạn clip được chia sẻ lên mạng xã hội; đồng thời anh Đồng Văn Tuấn đã nhanh chóng được cộng đồng mạng vinh danh là “người hùng” với hình ảnh đang đu người đập tường.

    Hay ngay trong sáng nay (30/5), mạng xã hội cũng đã lan truyền clip một "người hùng" tay bám vào tường, trên lưng cõng một người thoát khỏi đám cháy xuống đất, sau đó lại tiếp tục leo lên phá lan can để cứu thêm người khác. Được biết, đám cháy xảy ra vào khoảng 5 giời 30 phút sáng 30/3 tại một ngôi nhà 3 tầng có cho thuê trọ tại phường Phú Lương (quận Hà Đông, Hà Nội).

    Cách đây ít năm, hàng loạt các tờ báo, trang tin nước ngoài cũng đã đưa tin về vụ việc “người hùng” Nguyễn Ngọc Mạnh đã cứu một bé gái 3 tuổi rơi từ tầng 12 thoát chết trong gang tất, khi anh trèo lên mái che của sảnh chung cư để đỡ bé gái khi cháu rơi xuống.

    Hay “hiệp sĩ bóng đêm” Lê Anh Tuấn (sinh năm 1997, trú tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) ban ngày phụ bố mẹ bán hàng ở chợ, buổi tối lái xe rong ruổi khắp các đường phố và anh đã có gần 1.000 chuyến xe cấp cứu miễn phí, kịp thời đưa người bị nạn vào bệnh viện.

    Không chỉ có “người hùng” Đồng Văn Tuấn, Nguyễn Ngọc Mạnh hay Lê Anh Tuấn, còn nhiều cá nhân và tập thể khác vẫn ngày đêm âm thầm làm việc, sẵn sàng hỗ trợ, cứu người khi gặp nguy hiểm. Chẳng hạn như những “thiên thần” áo cam trong đội hỗ trợ cứu hộ cứu nạn FAS Angel. Với 150 tình nguyện viên, hàng đêm, họ có mặt tại các “điểm đen” giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội để hỗ trợ người tham gia giao thông. Sau gần 5 năm hoạt động, đội đã cứu hộ, cứu nạn miễn phí cho 17.000 người. Trong những năm gần đây, FAS Angel không chỉ dừng lại ở việc cứu hộ, cứu nạn những người bị tai nạn giao thông mà họ còn nhiệt huyết, không ngại khó khăn, nguy hiểm tham gia cứu hộ, cứu nạn trong những vụ tai nạn lao động, hỏa hoạn…

    Và còn rất nhiều những cá nhân, tập thể khác trên khắp đất nước hình chữ S này đã trở thành “người hùng” khi đối diện với những trường hợp người gặp nguy nan.

    Hành động cứu người trong tình huống nguy nan không chút do dự thực sự là một hành động dũng cảm, nghĩa hiệp, cao cả được mọi người cảm phục, trân trọng. Những “người hùng” này, dù đến từ những vị trí, công việc khác nhau, nhưng họ đều có điểm chung là có cái tâm trách nhiệm và đạo đức, với mong muốn giúp đỡ người gặp nạn, bất chấp nguy hiểm có thể đe doạ đến tính mạng của mình. Họ xứng đáng được tôn vinh, khen ngợi, bởi trong hoàn cảnh ấy, không phải ai cũng có đủ can đảm, dũng khí để hành động như vậy.

    Sau những hành động đẹp, dù được cộng đồng xã hội tôn vinh là “người hùng”, thế nhưng đối với họ, đây cũng chỉ là việc làm bình thường. "Lúc đấy, tôi chỉ nghĩ đến cứu người thôi, chẳng nghĩ gì khác", anh Đồng Văn Tuấn bộc bạch. Còn anh Nguyễn Ngọc Mạnh thì khiêm tốn cho rằng “bất kỳ ai trong hoàn cảnh này cũng sẽ hành động như vậy”. Hay đối với anh Lê Anh Tuấn, “việc cứu giúp những người đang cận kề sinh tử là một việc làm không phải đắn đo suy nghĩ gì thêm nữa, chỉ có thể là hành động ngay”.

    Dù họ không nhận mình là “người hùng”, nhưng những hành động của họ đã như một liều "kháng thể" trước những "virus tiêu cực" của xã hội; giúp những người theo dõi cảm thấy ấm áp, tin tưởng vào nhiều điều tốt đẹp vẫn đang diễn ra hàng ngày trong cuộc sống.

    Chính vì thế, không chỉ nhận được sự ghi nhận, tôn vinh của người dân, của cộng đồng xã hội, những hành động đẹp của các cá nhân, tập thể còn được các đoàn thể, chính quyền, lãnh đạo Nhà nước ghi nhận và có chính sách khen thưởng, động viên xứng đáng, khích lệ kịp thời.

    Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi thư khen 4 thanh niên cứu người trong vụ cháy ở Trung Kính, đồng thời đề nghị Bộ Công an, UBND TP Hà Nội và các cơ quan liên quan có chế độ, chính sách, hình thức biểu dương, khen thưởng phù hợp, xứng đáng cho những công dân đã có thành tích xuất sắc cứu người trong vụ cháy. Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cũng đã tặng bằng khen cho anh Đồng Văn Tuấn và anh Hoàng Anh Tuấn vì đã có hành động dũng cảm cứu nạn nhân trong vụ cháy ở phố Trung Kính.

    Trước đó, anh Lê Anh Tuấn cũng đã nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tại lễ tuyên dương Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019; được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương “Thanh niên sống đẹp” và được nhận Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia, bằng khen của Trung ương Đoàn…

    Có thể khẳng định, những tấm gương quên mình cứu nạn đều có chung một mục đích là cứu người, giúp đỡ người gặp nạn mà không nhằm đến việc được tán dương hay khen thưởng. Họ hành động vì sự dũng cảm, tinh thần trách nhiệm và từ tấm lòng nhân ái, muốn được cống hiến, được làm những việc có ích cho xã hội.

    Những nghĩa cử cao đẹp này, ngoài hiệu quả tức thời là cứu mạng người, còn có hiệu quả lâu dài là lan tỏa thông điệp tích cực đến cộng đồng; là tấm gương sáng cho xã hội soi rọi, thực hành, như Bác đã từng khẳng định: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Việc đấy góp phần nhân thêm niềm tin, lan tỏa hành động đẹp trong cộng đồng, xã hội; góp phần giúp xã hội trở nên nhân bản, đậm chất nhân văn hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét