Việc các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tìm mọi cách xuyên tạc, suy diễn, bôi nhọ trên cơ sở các luận điệu phi lý, thiếu căn cứ hòng phủ nhận Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là điều không thể chấp nhận, thể hiện thông qua các vấn đề sau:
Một là, dân chủ là xu hướng phát triển tiến bộ của lịch sử loài
người, nhưng nó không được quyết định bởi chế độ một đảng hay nhiều đảng mà tùy
thuộc vào việc đảng cầm quyền đại diện cho lợi ích của giai cấp nào và hướng
đến mục tiêu gì.
Quan điểm một đảng thì mất dân chủ, còn đa đảng
đồng nghĩa với dân chủ mang tính phiến diện. Thực tiễn cho thấy, đất nước có
dân chủ không phụ thuộc vào chế độ một đảng hay đa đảng mà phụ thuộc vào đảng
cầm quyền đó có bảo vệ quyền và lợi ích cho đa số nhân dân lao động hay chỉ cho
một bộ phận thiểu số người trong xã hội đó. Nếu một đảng chỉ phục vụ cho lợi
ích riêng của đảng mình, giai cấp mình thì hoạt động của đảng đó sẽ mang tính
cục bộ và khó có thể được các giai tầng khác chấp thuận để trở thành lực lượng
lãnh đạo cho toàn xã hội. Ngược lại, nếu một đảng vừa đại diện cho lợi ích của
đảng mình, giai cấp mình, vừa đại diện cho lợi ích của toàn xã hội thì chắc
chắn đảng đó sẽ được nhân dân tin tưởng, ủy thác làm lãnh đạo xã hội. Điều đó
là minh chứng xác thực để khẳng định rằng không phải đa đảng là dân chủ và một
đảng là mất dân chủ.
Vấn đề một đảng hay nhiều đảng chính trị một mặt
phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh lịch sử của mỗi nước, mặt khác phụ thuộc
tương quan so sánh lực lượng giữa các giai cấp, tầng lớp trong xã hội. Trong
các nước tư bản chủ nghĩa, có nhiều đảng chính trị, nhưng chỉ có những đảng của
giai cấp tư sản là cầm quyền. Những đảng đó có thể khác nhau về hình thức tổ
chức, phương thức hoạt động và những mục tiêu cụ thể, nhưng về bản chất đều đại
diện cho các nhóm khác nhau trong giai cấp tư sản và đều có mục tiêu duy trì,
phát triển chế độ tư bản chủ nghĩa. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong
của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và
dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, của
nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi
ích của nhân dân, của dân tộc, của đất nước. Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy
nhất cầm quyền vừa là sự lựa chọn của lịch sử, vừa là điều kiện tiên quyết bảo
đảm cho nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, cho quyền làm chủ của nhân dân. Do vậy,
luận điệu cho rằng việc Việt Nam duy trì chế độ một đảng duy nhất lãnh đạo là
mất dân chủ là cố tình lờ đi hoặc không hiểu bản chất chính trị của đảng hoặc
cố tình quy chụp một cách thiếu thiện chí cho Việt Nam.
Hai là, dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất tốt đẹp của Nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta, được Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng
bổ sung, hoàn thiện. Ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt mục tiêu
mang lại độc lập cho dân tộc, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, giúp nhân dân có
quyền làm chủ thực sự. Do đó, khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã đề cao mục tiêu xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân
nhằm thực hiện quyền lực của nhân dân với phương châm “Bao nhiêu lợi ích đều vì
nhân dân”.
Kế thừa và phát triển quan điểm của Chủ tịch Hồ
Chí Minh, Đảng ta đã không ngừng hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa để xây
dựng một nền dân chủ thực sự, được thực hiện trên tất cả lĩnh vực chính trị,
kinh tế, văn hóa, xã hội…, thông qua hoạt động của Nhà nước do nhân dân bầu ra
bằng các hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Dân chủ gắn liền với
kỷ cương, kỷ luật và được thể chế hóa bằng pháp luật, bảo đảm bằng pháp luật.
Quan điểm về dân chủ xã hội chủ nghĩa được thể
hiện đậm nét trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ
nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011): “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản
chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất
nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm
dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống, ở mỗi cấp, trên tất cả lĩnh
vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp
luật, được pháp luật bảo đảm”. Như vậy, không thể tùy tiện quy chụp rằng Việt
Nam không chú trọng đến dân chủ hoặc mất dân chủ bởi điều đó phản ánh không
đúng bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng.
Đại hội XIII của Đảng trên cơ sở tổng kết lý
luận, thực tiễn đã bổ sung, phát triển tư duy về phát triển Nhà nước pháp quyền
xã hội chủ nghĩa. Những bổ sung, phát triển ấy một lần nữa khẳng định, mặc dù,
trong mỗi giai đoạn lịch sử có những thay đổi về mô hình bộ máy nhà nước, nhưng
sợi chỉ đỏ xuyên suốt chính là nhận thức và hành động nhất quán về xây dựng và
hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thật sự của nhân dân, do nhân
dân và vì nhân dân trong điều kiện mới.
Ba là, mô hình “tam quyền phân lập” có thể phù hợp ở các mức độ khác nhau
với một số nước trên thế giới, nhưng không phù hợp với điều kiện và thể chế
chính trị của Việt Nam. Việt Nam lựa chọn cách thức tổ chức quyền lực là “Nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”, không
“tam quyền phân lập” mà kiên định nguyên tắc “quyền lực nhà nước thống nhất, có
sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực
hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp” và “thực hiện nguyên tắc
tập trung dân chủ”(5). Đây là sự lựa chọn phù hợp với bối cảnh Việt
Nam cũng như xu thế khách quan của thời đại, đúc rút từ thực tiễn hơn 35 năm
thực hiện công cuộc đổi mới cũng như việc học hỏi, tham khảo kinh nghiệm của
các nước trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Chúng ta không phủ nhận những giá trị phổ quát
của nhà nước pháp quyền, đó là tinh hoa trí tuệ nhân loại, mang tính quy luật,
chứ không phải sản phẩm riêng có, độc quyền của chủ nghĩa tư bản. Việc xây dựng
và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là vấn đề lý luận và thực
tiễn hết sức mới mẻ, chưa có tiền lệ, đòi hỏi có sự nhận thức lý luận khoa học,
sự vận dụng sáng tạo, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong xây dựng và
hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đây chính là sự kế thừa và vận
dụng sáng tạo các giá trị phổ quát về nhà nước pháp quyền, song cũng gắn với
định hướng xã hội chủ nghĩa trong xây dựng nhà nước vô sản ở Việt Nam. Quan
điểm về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đánh dấu một bước tiến
trong quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng và hoàn thiện hệ thống
chính trị ở nước ta thời kỳ đổi mới.
Như vậy, không thể lập luận rằng “xây dựng Nhà
nước pháp quyền là đi theo con đường tư bản chủ nghĩa”, không thể xuyên tạc ở
Việt Nam “chỉ có đảng trị, không có pháp quyền”... Mô hình nhà nước “tam quyền
phân lập” cũng không phải là khuôn mẫu, tiến bộ về tự do, dân chủ, nhân quyền.
Đây là luận điệu hết sức nguy hiểm bởi khi đưa ra luận điệu này, các đối tượng
nhằm cố tình xuyên tạc, phủ nhận thể chế chính trị của Việt Nam cũng như phủ
nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; ca ngợi, cổ xúy và
thúc đẩy mô hình nhà nước “tam quyền phân lập”, ca ngợi cái gọi là giá trị “tự
do, dân chủ, nhân quyền” phương Tây; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và
mối quan hệ, thể chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Mặt
khác, việc tung ra luận điệu trên hòng làm méo mó bản chất, tính ưu việt của
chế độ xã hội, làm giảm uy tín, vị thế Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt
Nam trên trường quốc tế. Do đó, không thể coi thường hoặc xem nhẹ các luận điệu
sai trái đó.
Có thể khẳng định, các quan điểm sai trái, thù
địch về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là rất nguy hiểm vì nó
liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ
nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng. Do đó, cần nhận diện rõ các quan điểm này
và có luận cứ đấu tranh xác đáng, thuyết phục để củng cố vững chắc nền tảng tư
tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời, nâng cao nhận thức, bồi đắp niềm
tin của nhân dân vào Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây
dựng./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét