Thứ Tư, 4 tháng 9, 2024

PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG LÀ VẤN ĐỀ CẤP BÁCH HÀNG ĐẦU

 

Tham nhũng và cuộc đấu tranh chống tham nhũng là vấn đề nóng bỏng, phức tạp, nan giải và rất bức xúc ở nước ta hiện nay. Tham nhũng đã và đang đe dọa đến sự tồn vong của Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đây cũng chính là vấn đề liên quan nhiều nhất, chi phối đến quá trình xây dựng và phát triển của đất nước.

Tệ tham nhũng, lãng phí đã đưc khái quát, nêu rõ bản chất và nguy cơ hậu quả tai hại của nó đối với đất nước như "giặc nội xâm", đe dọa đến sự sống còn của chế độ. Hiểu rõ nguy cơ đó, thời gian qua Đảng, Nhà nước ta luôn luôn quan tâm đề ra những chủ trương, giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí như: Pháp lệnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và các cơ chế, chính sách có liên quan; ban hành và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020… Những năm gần đây, nhất là khi có Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã đạt được một số kết quả nhất định: Nhiều vụ tham nhũng lớn, phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng tồn tại từ lâu đã bị phát hiện, xử lý; việc xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với những cán bộ đã dính líu vào tham nhũng; rồi những bản án tử hình, tù chung thân và bắt buộc phải bồi thường tiền, tài sản đã tham nhũng của Nhà nước, của nhân dân, làm cho tệ tham nhũng từng bước được kiềm chế. Song, tình trạng tham nhũng, lãng phí hiện nay vẫn còn nghiêm trọng, phạm vi rộng, tính chất phức tạp, làm cho nhân dân lo lắng, giảm lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước.

Để thực hiện phòng ngừa tốt tham nhũng, trước hết phải tiến hành và thực hiện nghiêm túc các giải pháp đồng bộ cả về tư tưởng, chính trị, kinh tế, pháp luật, giáo dục đạo đức, lối sống; bổ sung hoàn chỉnh các cơ chế, quy định, trước hết là nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường công tác tổ chức, cán bộ; tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí; mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch; phát huy vai trò giám sát của Quốc hội; Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, nhân dân và công luận; đồng thời, tăng cường quản lý kinh tế, tài chính, quản lý tài sản công, ngân sách nhà nước, các quỹ do nhân dân đóng góp và do nước ngoài viện trợ, bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động kinh tế, tài chính, ... Đối với công dân, cần chăm lo giáo dục cho mọi người đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, cách ứng xử văn minh; tuyên truyền, giáo dục cho mọi người dân nhận diện được các hành vi tham nhũng, lãng phí, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tạo ra môi trường xã hội chống tham nhũng, lãng phí. Đối với cán bộ, đảng viên, coi giáo dục đạo đức và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, liêm khiết là biện pháp quan trọng đầu tiên để ngăn chặn, hạn chế tham nhũng, lãng phí.

Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí là một cuộc đấu tranh khó khăn, phức tạp, nhưng được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đồng tình và quyết tâm thực hiện có hiệu quả. Chúng ta đã ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, có Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, các cơ quan chức năng được củng cố và những kinh nghiệm trong xử lý các vụ tham nhũng, lãng phí lớn vừa qua, với ý chí, quyết tâm, thống nhất giữa ý Đảng, lòng dân, chúng ta tin tưởng: Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nhất định sẽ giành được thắng lợi, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét