Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2021

30 NĂM LIÊN XÔ SỤP ĐỔ VÀ BÀI HỌC CHO VIỆT NAM: KHI "THEN CHỐT CỦA THEN CHỐT" BỊ... GÀI CHỐT!

7 năm sau ngày Liên Xô sụp đổ, tại Moscow đã diễn ra hội thảo khoa học “Học thuyết Mác – Lê nin về đảng và thời đại ngày nay”. Đến dự hội thảo, Giáo sư, tiến sỹ khoa học lịch sử Ivan Oxadchi dường như vẫn chưa hết thảng thốt về những gì đã diễn ra. Ông đặt câu hỏi: “Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô là một thiên sử thi bi hùng. Diện mạo và hoạt động vĩ đại của nó nhằm cải biến cách mạng thế giới trong suốt nhiều thập kỷ đã là trung tâm chú ý của toàn thế giới, được bạn bè kính trọng và ca ngợi…”.

Một đảng chính trị hùng mạnh trong lịch sử chính trị thế giới như Đảng Cộng sản Liên Xô đã đột ngột - không ngờ và trong một thời gian ngắn khó tin đã tan vỡ và thất bại nặng nề, nhục nhã. - Tại sao xảy ra như vậy? Những nguyên nhân của tấn bi kịch ấy là gì?

Tại sao 20 triệu đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô lại trở thành một khối bàng quan, thờ ơ trước số phận của đảng mình, trước số phận của đất nước và nhân dân mình?

Hỏi và cũng tự trả lời, ông tìm thấy đáp số từ công tác cán bộ của Đảng, là do “những người lãnh đạo của Đảng, những kẻ phản bội mà lịch sử loài người chưa từng biết đã phản bội Đảng Cộng sản Liên Xô. Chất độc gây viêm não của Gorbachev và những kẻ đê tiện khác đã vắt kiệt sức Đảng Cộng sản Liên Xô, làm tê liệt ý chí của đảng, đã trở thành thứ bả chết người mà đảng đã không tìm ra được chất giải độc”.

Cảnh báo của Lênin về công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ đã có từ rất sớm trong bài báo “Khủng hoảng của đảng” viết tháng Giêng năm 1921: “Cần phải dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật đau đớn. Đảng đang đau ốm. Đảng đang lên cơn sốt...” (V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến Bộ, M.,1977, t.42, tr.289).

Rất nhiều lần V.I.Lênin đã nghiêm khắc cảnh cáo, yêu cầu kiên quyết bảo vệ và làm trong sạch đội ngũ đảng khỏi những phần tử hám danh, hám lợi, những cặn bã của chủ nghĩa tư bản cũ”. Người yêu cầu phải có điều khoản về đảng viên dự bị để những người vào đảng có thời hạn thử thách trước, đó là thời kỳ dự bị.

V.I.Lênin đã nhấn mạnh: “Đảng độc nhất nắm chính quyền trên thế giới quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đảng viên chứ không phải là quan tâm làm tăng thêm số lượng đảng viên, phải xây dựng một rào chắn ngăn chặn sự xâm nhập vào đảng của mọi loại gian hùng”. Theo Người, khi phình ra tới mức quá đáng “đảng sẽ hoà tan trong quần chúng... đảng không còn là đội tiên phong giác ngộ của giai cấp nữa, đảng sẽ và hạ mình xuống giữ vai trò một cái đuôi”.

V.I.Lênin cho rằng chỉ 200 nghìn đến 300 nghìn đảng viên cộng sản là đủ để lãnh đạo nước Nga (bọn địa chủ đã lãnh đạo nước Nga cũng chỉ 130 nghìn). Sức mạnh của đảng với tư cách là đội tiên phong, Lênin nhấn mạnh, gấp 10, 100 lần số lượng của nó. Tuy nhiên những quan điểm đó của Lênin đã bị lãng quên.

Trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Liên Xô có gần 5 triệu đảng viên thì qua 4 thập kỷ đã tăng lên đến hơn 20 triệu. Các ban tổ chức đảng có toàn quyền trong các bộ máy của đảng. Trưởng ban tổ chức của các cơ quan đảng, nói một cách hình tượng cha đỡ đầu của vua và người hướng dẫn các bộ trưởng”- Giáo sư, tiến sỹ khoa học lịch sử Ivan Oxadchi phân tích.

 Theo ông, đó là sự vi phạm hết sức thô bạo những nguyên tắc Lênin về công tác cán bộ. Với nhiều người, việc gia nhập Đảng Cộng sản Liên Xô trở thành mục đích tự thân. Kết quả là đảng đã bị vấy bẩn bởi các phần tử xấu xa đê tiện, hám danh lợi, những kẻ luồn cúi bợ đỡ. Đối với họ, tấm thẻ đảng trở thành giấy vào cửa chiếm lĩnh chức vụ, để tiến thân trên bậc thang danh vọng. Không phải ngẫu nhiên khi có những lời mỉa mai ác độc: “Đảng viên của đảng có hàng triệu, nhưng người cộng sản thì đếm trên đầu ngón tay”. Như vậy, vi phạm hết sức thô bạo các nguyên tắc của Lênin về công tác cán bộ - là nguyên nhân thứ hai của cuộc khủng hoảng đã bao trùm Đảng Cộng sản Liên Xô. Sai lầm này dẫn đến sự tự tha hoá của Đảng Cộng sản Liên Xô.

Dưới thời Gorbachev làm Tổng bí thư, ông ta đã phá bỏ nguyên tắc, thẳng tay loại bỏ những cán bộ phản đối cái gọi là “cải tổ”, phản đối dân chủ trá hình. Chỉ trong hơn 6 tháng, Gorbachev đã cải tổ Bộ Chính trị và Ban Bí thư, bổ sung 8 người vào các vị trí; cách chức 2 người, cách chức, thay thế hơn 20 bộ trưởng và hàng chục lãnh đạo cấp bộ. Mấy năm đầu nhiệm kỳ, có tới 92,5% trong 150 bí thư khu ủy, thành ủy, tỉnh ủy bị thay đổi.

Sự tùy tiện dùng cánh hẩu khiến công tác cán bộ bị hỗn loạn, suy giảm niềm tin trong đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền, quân đội Liên Xô… Tại Đại hội 23 của Đảng Cộng sản Liên Xô, số ủy viên tái đắc cử và liên nhiệm đạt tỷ lệ 79,4%. Tại Đại hội 25, không tính số ủy viên T.Ư đã qua đời thì tỷ lệ ủy viên trung ương liên nhiệm cao tới 90%”.

Trong cuốn sách “Hồ sơ cá nhân – Thế kỷ XX trước con mắt của những nhân chứng KGB Liên Xô”, tác giả V.A.Criuchơcốp nêu thực tế chua chát: “Có thời kỳ trong cơ quan đảng và Nhà nước Liên Xô, đã hình thành đội ngũ quan chức, công chức lớn nhất thế giới, nhưng vấn đề là ở chỗ đội ngũ này không quan tâm đến nguyện vọng chính đáng của nhân dân, thờ ơ, vô cảm trước nhân dân”.

Trong hồi ký “Bên trong điện Cremli của Gorbachev”, tác giả I.Ligachốp cũng nhận xét tương tự: “Những người lãnh đạo Đảng qua các thời kỳ (Tổng Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương) ngày càng quan liêu, lời nói không đi đôi với việc làm, xa rời lý tưởng cộng sản, làm cho các tầng lớp nhân dân ngày càng mất lòng tin đối với Đảng; trong xã hội tích dồn âm ỉ, tâm trạng bất bình và mong có sự thay đổi về chính trị”.

Có một thực tế chung là trong hồi ký của nhiều cựu cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước Liên Xô sau này đều nhận xét: Đảng Cộng sản Liên Xô đã không xây dựng được cơ chế đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ có đức, có tài, cũng như không sàng lọc, loại bỏ những kẻ cơ hội chính trị ra khỏi bộ máy. Có thể nói, việc đánh mất niềm tin đồng nghĩa với Đảng đánh mất vai trò lãnh đạo của mình, dẫn đến hậu quả dù có hơn 20 triệu đảng viên và quần chúng đông đảo nhưng khi có “biến”, mọi người đã thờ ơ hoặc quay lưng với Đảng.

Môi Trường ST.

1 nhận xét: