Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2021

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm an toàn thông tin trong truyền thông xã hội

Nền tảng pháp lý được coi là một trong những chìa khóa của sự phát triển kinh tế số, trong đó có truyền thông xã hội. Trước sự tác động hai mặt của truyền thông xã hội, nhiều nước trên thế giới đã chủ động có những biện pháp nhằm phát huy những mặt tích cực, hạn chế những tác động tiêu cực từ truyền thông xã hội, xây dựng các quy định cụ thể để tăng cường quản lý, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lợi dụng loại hình truyền thông mới này.

Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong bảo đảm an toàn thông tin trên in-tơ-nét nói chung và truyền thông xã hội nói riêng. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để ngăn chặn, xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật trong việc sử dụng in-tơ-nét nói chung, truyền thông xã hội nói riêng; chủ động ngăn chặn, vô hiệu hóa việc lợi dụng truyền thông xã hội gây nguy hại đến an ninh, trật tự xã hội. Trong năm 2019, thực hiện yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam, Facebook đã gỡ bỏ 207 tài khoản, trong đó có 46 tài khoản giả danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước; còn lại là các tài khoản đưa thông tin giả mạo, nói xấu, kích động chống phá Nhà nước Việt Nam; gỡ bỏ 2.444 link rao bán sản phẩm bất hợp pháp; 271 link phát ngôn gây thù hận, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân và tổ chức; gỡ bỏ 330 fanpages quảng cáo game cờ bạc, đổi thưởng. Youtube gỡ bỏ 9.501 video vi phạm, ngăn chặn truy cập từ Việt Nam vào 19/62 kênh Youtube phản động thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Nhà nước Việt Nam, chứa khoảng 5.000 video clip; tiếp tục xem xét, ngăn chặn các kênh còn lại. Trên Google Play, Google đã gỡ 108/111 game trong đó có 104 game bài và một game có tên “Lấy lại quê hương” có nội dung phản động, chống phá Nhà nước Việt Nam và các game không phép(7)...

Tuy nhiên, công tác giám sát, ngăn chặn, vô hiệu hóa các thông tin độc hại trên truyền thông xã hội còn gặp nhiều khó khăn, bất cập:

Một là, trong bối cảnh khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ, tội phạm mạng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, ứng dụng các thành tựu khoa học hiện đại để tiến hành các chiến dịch tấn công mạng, dẫn dắt dư luận trên truyền thông xã hội, khiến công tác phòng ngừa, ngăn chặn của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.

Hai là, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan công tác bảo đảm an ninh mạng đã được xây dựng nhưng chưa hoàn thiện; vai trò và hiệu lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực an ninh mạng nói chung, truyền thông xã hội nói riêng còn bất cập.

Ba là, ý thức của một số cơ quan, đơn vị và người dùng về công tác bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ bí mật riêng tư trên môi trường in-tơ-nét, truyền thông xã hội chưa cao, chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng; kiến thức, kỹ năng bảo đảm an ninh mạng còn hạn chế. Không ít cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa chú trọng áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.

Bốn là, các hệ thống mạng thông tin ở nước ta chưa theo một tiêu chuẩn thống nhất, nhiều nơi chưa có thẩm định về an ninh mạng; nhiều cơ quan, bộ, ngành sử dụng các thiết bị mạng lõi của một số tập đoàn công nghệ vẫn tồn tại lỗ hổng bảo mật, có nguy cơ bị theo dõi, giám sát, thu thập thông tin từ xa; hầu hết linh kiện điện tử giá rẻ tại Việt Nam đều có nguồn gốc từ nước ngoài, chứa nhiều lỗ hổng bảo mật hoặc bị cài sẵn các tài khoản truy cập “cửa hậu” (backdoor), khiến Việt Nam luôn nằm trong danh sách các quốc gia bị ảnh hưởng bởi các “mạng máy tính ma” lớn nhất thế giới(8)

Năm là, công tác bảo vệ an toàn thông tin, an ninh mạng chưa được đầu tư tương xứng và thỏa đáng. Sự phát triển như vũ bão về khoa học và công nghệ đã khiến cho vòng đời của sản phẩm an ninh mạng ngắn lại; yêu cầu đầu tư để theo kịp sự phát triển, không bị lạc hậu trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn là một trong những thách thức đang đặt ra. Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ vào bảo đảm an ninh mạng ở nước ta chưa theo kịp tốc độ phát triển khoa học - công nghệ của thế giới; chưa tự chủ, sản xuất được các thiết bị công nghệ thông tin, dẫn đến lệ thuộc nhiều vào các sản phẩm nước ngoài.

Sáu là, công tác đào tạo nguồn nhân lực, chuyên gia an ninh mạng chưa theo kịp yêu cầu về số lượng và chất lượng, thiếu lực lượng chuyên gia chuyên trách bảo vệ an ninh mạng; chính sách đãi ngộ còn nhiều bất cập nên chưa phát huy hết năng lực chuyên môn của đội ngũ này.

TT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét