Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2021

"BÍ QUYẾT" BẢO VỆ CẦU HÀM RỒNG!

     Đầu tháng 9-2019, Trung tá Thomas Eugene Wilber, Giám đốc Quỹ Phục vụ và Hòa giải Hoa Kỳ, là con trai cựu phi công Mỹ Walter Eugene Wilber từng tham chiến ở Việt Nam, từng bị giam ở nhà tù Hỏa Lò, có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Trước khi rời Hà Nội, Trung tá Thomas Eugene Wilber muốn được phía Việt Nam trả lời câu hỏi mà sau bao nhiêu năm, bố ông và nhiều cựu binh Mỹ vẫn còn trăn trở: Tại sao giai đoạn 1965-1972, cầu Hàm Rồng ở Thanh Hóa bị không quân Mỹ xem là mục tiêu đánh phá, biết bao bom đạn trút xuống nhưng vẫn an toàn?

Giải đáp câu hỏi trên, cán bộ Cục Đối ngoại (Bộ Quốc phòng) đưa Trung tá Thomas Eugene Wilber đến nhà Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Phó cục trưởng Cục Tác chiến (Bộ Tổng Tham mưu). Vốn là cụm trưởng bộ đội tên lửa (Tiểu đoàn 64, Trung đoàn 236) và pháo cao xạ đi cùng (Trung đoàn 231) thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân, tham gia bảo vệ cầu Hàm Rồng từ năm 1966 đến 1967, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh đã giải thích cho ông Thomas Eugene Wilber:

Cầu Hàm Rồng có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng của Việt Nam, nằm trên trục đường xương sống đất nước. Cây cầu kết hợp đường bộ và đường sắt, vắt qua sông Mã, gối đầu vào hai ngọn núi ở hai bên sông (núi Hàm Rồng ở bờ nam và núi Ngọc ở bờ bắc), địa hình hiểm trở nên rất khó để làm phà thay thế. Giới quân sự Mỹ đã từng xác định cầu Hàm Rồng là “điểm nút số 1” trong 60 điểm tắc trên hệ thống giao thông ở Bắc Việt Nam, để cô lập con đường chi viện từ Bắc vào Nam. 

Vào ngày 3 và 4-4-1965, trong cuộc hành quân mang tên “Sấm Rền”, Tổng thống Hoa Kỳ Johnson ra lệnh ném bom phá cầu Hàm Rồng. Quân Mỹ đã công kích vào mục tiêu cầu 85 lần, cắt 350 quả bom, phóng 149 trái đạn rốc-két. Liên tục trong 4 năm (từ 1965 đến 1968), quân dân Việt Nam đã oanh liệt chiến đấu, giữ vững cầu Hàm Rồng. Đến giữa năm 1972, không quân Mỹ có một lần ném bom trúng, cắt được nhịp cầu nhưng không trúng mố cầu. Công binh và những người thợ làm cầu của Việt Nam đã nhanh chóng sửa chữa nối lại nhịp cầu.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh nhấn mạnh: "Cầu Hàm Rồng vẫn an toàn trước bom đạn khủng khiếp của không quân nhà nghề, giữ vững mạch máu giao thông Bắc-Nam để những đoàn quân cùng vũ khí, đạn dược thẳng tiến vào Nam. Đó là nghệ thuật quân sự của chúng tôi, vấn đề này đã được phương tiện truyền thông nói nhiều. Tôi chia sẻ với ông lý do cây cầu an toàn là bởi lãnh đạo Việt Nam, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam khi đó đã hạ quyết tâm giữ vững cầu lâu dài bằng thế trận chiến tranh nhân dân, tổ chức thế trận phòng không, ngoài ra còn có lực lượng hải quân, công binh, dân quân tự vệ tham gia chiến đấu, được tổ chức chỉ huy thống nhất, liên tục. Khi máy bay có ý định ném bom cầu thì lực lượng tên lửa vào vị trí, pháo cao xạ yểm trợ chiến đấu rất dũng cảm, thông minh với khẩu hiệu: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn!”. Cùng lúc đó, không quân tiêm kích của chúng tôi bay lên đánh trả ngay để bảo vệ cầu. Những người nông dân ở địa phương cũng cầm súng chiến đấu... Chúng tôi bảo vệ cây cầu ở nhiều tầng, mọi hướng và tất cả lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu đều biết tận dụng triệt để yếu tố địa hình, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ cầu".

Nghe xong câu trả lời của vị tướng già, Trung tá Thomas Eugene Wilber bày tỏ khâm phục về ý chí và cách đánh của quân và dân Việt Nam./.


Yêu nước ST.

1 nhận xét:

  1. Trên mọi phương diện Mỹ đều thua đau trong chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ

    Trả lờiXóa