Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2021

THƯỢNG TƯỚNG, GIÁO SƯ HOÀNG MINH THẢO: TƯ LỆNH TỪ DUYÊN HẢI ĐẾN TÂY NGUYÊN

 

Năm 1945, khi mới 24 tuổi, Hoàng Minh Thảo được giao làm Khu trưởng Chiến khu 3, thay đồng chí Nguyễn Bình vào Nam làm Tư lệnh Nam Bộ. Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, ông được giao giữ nhiều vị trí quan trọng trong quân đội, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Ông cũng được biết đến là người nhận quân hàm Đại tá trẻ nhất toàn quân, khi ở tuổi 27.

24 tuổi trấn giữ vùng duyên hải

Chàng thanh niên mới ngoài tuổi đôi mươi đã đảm nhiệm trấn giữ cả một vùng duyên hải rộng lớn từ Hải Dương đến Móng Cái (thuộc tỉnh Hải Ninh lúc đó), nơi đối mặt trực tiếp với thực dân Pháp đổ bộ từ cửa biển Hải Phòng vào. Trong hồi ký, ông viết: “Đầu tháng 9-1945 thì Bộ Quốc phòng cử tôi về làm Tư lệnh Chiến khu 3-vùng duyên hải Bắc Bộ. Lúc đó, anh Lê Quang Hòa là phái viên chính trị, được trên cử về trước tôi nhận bàn giao công việc với anh Nguyễn Bình để anh ấy đi nhận nhiệm vụ mới ở miền Nam”.

Từ người phụ trách vài chục đội viên đội du kích Tràng Định, với lối đánh nhỏ lẻ trên địa bàn hẹp của tỉnh Lạng Sơn, nay Hoàng Minh Thảo nhận trách nhiệm mới rất nặng nề, khó khăn: Phụ trách một địa bàn lớn, với bao công việc chồng chất, phức tạp. Những công việc này hoàn toàn mới mẻ và thật sự là một thử thách lớn đối với chàng thanh niên 24 tuổi.

Chiến khu 3 vừa thành lập, bao gồm cả Đệ tứ chiến khu Đông Triều. Lúc này, nhiệm vụ trọng tâm của Khu trưởng là phải tập hợp, đoàn kết được sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang (LLVT) trong toàn địa bàn gồm cả trí tuệ cùng vũ khí. Cùng Khu trưởng Hoàng Minh Thảo thực hiện nhiệm vụ lúc này là những người có tinh thần yêu nước, mang khát vọng nước nhà độc lập, đồng bào thoát khỏi ách nô lệ thực dân. Tuy nguồn gốc xuất thân khác nhau: Nông dân, công nhân, thanh niên, sinh viên, nhà tu hành, các sĩ quan, hạ sĩ quan và binh lính yêu nước trong quân đội Pháp, cả những “anh hùng hảo hán” một thời làm mưa làm gió ở đất cảng, vì có lòng yêu nước mà hội tụ về Chiến khu 3 như: Nguyễn Hải Thanh, Trần Cung, sư Tuệ (Nguyễn Kiên Tranh), sư Lương (Hoàng Ngọc Lương), Lê Hai, Bùi Sinh, Nguyễn Khai, Đặng Tính, Vũ Đình Thiệp... Khu trưởng Hoàng Minh Thảo mau chóng chỉ huy việc dẹp phỉ hoành hành ở vùng Chí Linh (Hải Dương), Sơn Động (Quảng Yên, nay thuộc Bắc Giang), Đình Lập (Hải Ninh, nay thuộc Lạng Sơn), đồng thời trực tiếp nắm tình hình ở Móng Cái để sau đó tham gia chỉ đạo việc giành chính quyền cách mạng tại đây.

Đặc biệt, những trận đánh với quân đội nhà nghề của thực dân Pháp trên Đường số 5 từ Hải Dương ngược lên Hưng Yên sau ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) đã cho thấy ở ông bản lĩnh của một vị tướng cầm quân. Một câu hỏi được đặt ra: Từ đâu mà Hoàng Minh Thảo có kiến thức quân sự khi tuổi đời còn trẻ đến vậy?

Năm 1941, Tổng bộ Việt Minh cử đoàn cán bộ thanh niên đi học quân sự ở Liễu Châu (Trung Quốc). Trường này do chính quyền Tưởng Giới Thạch lập ra để đào tạo sĩ quan chống phát xít Nhật. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi đó, với tầm nhìn xa của mình, đã tiên đoán được sự phát triển của cách mạng cần một lực lượng quân đội hùng mạnh. Dựa vào chủ trương của chính quyền Tưởng Giới Thạch, để có những vị tướng giỏi chỉ huy quân đội sau này, Nguyễn Ái Quốc yêu cầu lựa chọn các nam thanh niên ưu tú sang học quân sự tại đây. Học viên từ khắp các nước trong khu vực: Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện (nay là Myanmar)... đều được thu nhận. Đoàn học viên đến từ Việt Nam do Tổng bộ Việt Minh cử đi có Tạ Thái An (sau này mang tên Hoàng Minh Thảo), Đàm Quang Trung, Vũ Lập, Nam Long...

Đại tá Hoàng Long Xuyên, năm nay 105 tuổi, là học viên trường quân sự ở Liễu Châu (Trung Quốc) tròn 80 năm trước, vẫn nhớ đến người bạn đồng môn của mình. Ông kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng khổ luyện học tập quân sự, thời gian sau này hai ông sát cánh chiến đấu ở Lạng Sơn, giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Ở Lạng Sơn, Hoàng Minh Thảo đã tham gia tổ chức đội du kích huyện Tràng Định. Sau này, năm 2008, cùng với Đại tá Đào Văn Trường, Thượng tướng Phùng Thế Tài, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã đại diện cho các đội quân du kích tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam lên nhận Huân chương Quân công hạng Nhất do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng. Đó là Đội Cứu quốc quân do các ông: Lương Văn Tri, Chu Văn Tấn chỉ huy; Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân do ông Võ Nguyên Giáp chỉ huy; đội Du kích Ba Tơ do ông Phạm Kiệt chỉ huy; Đệ tứ chiến khu do ông Nguyễn Bình chỉ huy...

Tháng 5-1945, đội du kích Tràng Định lập chiến công đầu tiên đánh chiếm đồn Pò Mã. Sau trận đánh đồn Pò Mã, đội du kích Tràng Định chiêu tập thêm người, đi các địa phương xây dựng cơ sở. Bằng việc tổ chức đánh thổ phỉ bảo vệ cuộc sống nhân dân, đội quân cách mạng được dân chúng tin yêu.Để tổ chức đội du kích huyện Tràng Định (Lạng Sơn), Hoàng Minh Thảo và các đồng chí cốt cán tập hợp được chừng 20 người, vận động đồng bào đóng góp tiền của để sang Trung Quốc mua sắm vũ khí. Sau đó, đội du kích Tràng Định được Cao Bằng tăng cường một tiểu đội và một khẩu trung liên.

Thời cơ đến, sáng 22-8-1945, đội du kích Tràng Định vũ trang đầy đủ, chia làm hai mũi tiến vào phủ đường Tràng Định. LLVT cách mạng nhanh chóng làm chủ tình hình, nắm chính quyền. Lập chính quyền mới ở Tràng Định xong, Hoàng Minh Thảo cùng các đồng chí về thị xã Lạng Sơn tham gia khởi nghĩa nhưng chưa đến nơi thì thị xã cũng đã giành được chính quyền. Tỉnh trưởng Linh Quang Vọng đầu hàng, bàn giao ấn tín cho Việt Minh.

Tiếng sấm Tây Nguyên - đòn trúng huyệt Buôn Ma Thuột

Cuộc đời binh nghiệp của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo là bản anh hùng ca gắn liền với những chiến công vang dội, tạo được niềm tin cho cấp dưới của mình. Các nhà nghiên cứu quân sự đánh giá Hoàng Minh Thảo là người đam mê đánh giặc bằng mưu kế, thế trận điển hình là Chiến dịch Đắc Tô 1 (năm 1967), Chiến dịch Đắc Xiêng (năm 1970), Chiến dịch Đắc Tô-Tân Cảnh (năm 1972). Chiến dịch Tây Nguyên mà ông làm tư lệnh là đỉnh cao về nghệ thuật đánh giặc bằng mưu kế.

Năm 1975, Hoàng Minh Thảo là Tư lệnh chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, đã giáng đòn điểm huyệt vào quân Mỹ-ngụy, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, tiếp nối là Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975).

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hồi ký “Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng” viết: “Trong một buổi làm việc, anh Hoàng Minh Thảo với nhãn quan một nhà nghiên cứu khoa học quân sự đã nêu khi đã chọn hướng chiến lược là Tây Nguyên trước hết nên đánh Buôn Ma Thuột, vì đây là một thị xã lớn nhất, là nơi hiểm yếu và cũng là nơi địch sơ hở nhất, có khả năng phát triển xuống đồng bằng. Khó khăn phải vượt qua để tiến công trên hướng này là thiếu đường hành quân, thiếu nước”.

Từ sau ngày đất nước thống nhất, Hoàng Minh Thảo lần lượt đảm nhiệm các trọng trách: Viện trưởng-Bí thư Ðảng ủy Học viện Quân sự cấp cao (1977-1990), nay là Học viện Quốc phòng; Viện trưởng Viện Chiến lược quân sự, Bộ Quốc phòng (1990-1995). Ông tập trung trí tuệ viết nên nhiều tác phẩm tổng kết về lý luận quân sự, làm cẩm nang cho các thế hệ mai sau: “Tìm hiểu một số vấn đề về nghệ thuật chỉ huy”, “Nghệ thuật tác chiến: Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn”, “Về cách dùng binh”, “Mấy vấn đề về nghệ thuật quân sự”...

Ghi nhận những cống hiến trong nghiên cứu khoa học, ông được phong học hàm Giáo sư ngành khoa học quân sự, danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Năm 2005, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình về nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Thượng tướng, GS, NGND Hoàng Minh Thảo (1921-2008) tên thật là Tạ Thái An, sinh ra tại huyện Tràng Định (Lạng Sơn) trong một gia đình tiểu thương, bố làm thợ may với một cửa hiệu nhỏ ở thị trấn Thất Khê, còn quê nội của ông ở xã Bảo Khê, huyện Kim Động (nay là xã Bảo Khê, TP Hưng Yên), tỉnh Hưng Yên. Ngày 5-4-1948, tại thị trấn Vân Đình, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội), Bộ trưởng Hoàng Minh Giám thay mặt Chính phủ đã chủ trì lễ gắn quân hàm Đại tá hạng nhất cho ông Hoàng Minh Thảo-Khu trưởng Chiến khu 3, khi ông 27 tuổi.

Trong vai trò người chỉ huy quân sự, từ tháng 10-1966, ông Hoàng Minh Thảo vào chiến trường B, đảm nhiệm các chức vụ: Phó tư lệnh, rồi Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (B3), Phó tư lệnh Liên khu 5 (1974-1976). Ông được phong quân hàm Thiếu tướng (năm 1959); Trung tướng (năm 1974); Thượng tướng (năm 1984). Thượng tướng Hoàng Minh Thảo được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa IV (năm 1976); Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa V (năm 1982). Ông được Ðảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Ðộc lập hạng Nhất, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng... St

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét