Thứ Ba, 19 tháng 10, 2021

Bảo vệ bí mật quân sự - đòi hỏi tất yếu để bảo vệ Tổ quốc: Nhìn từ kinh nghiệm nước ngoài

    Xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi phải có những nguyên tắc nghiêm ngặt để bảo vệ bí mật quân sự, bí mật quốc gia. Đó là vấn đề có tính quy luật không chỉ ở Việt Nam mà ở mọi quốc gia trên thế giới. Thế nhưng, thời gian gần đây, có những người vì nhiều lý do đã có những kiến nghị thể hiện tư duy đơn giản, đi ngược với những nguyên tắc ấy.

    Nhưng thực tiễn lịch sử cũng chứng minh, hoạt động quân sự dù là việc cơ mật, quốc gia đại sự nhưng không tách rời hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước. Quản lý Nhà nước không tách rời quản lý hoạt động quân sự song nội dung, phương thức quản lý có tính đặc thù. Nếu không nắm vững được nguyên tắc đặc thù ấy, có thể dẫn đến những tác hại khôn lường.

    Câu chuyện xung quanh các sự cố tai nạn máy bay gần đây và những luồng ý kiến trên mạng xã hội cùng những kiến nghị quân đội phải cung cấp bí mật quân sự, phải công khai các thông tin về quốc phòng… cho thấy những suy nghĩ đơn giản, chưa phù hợp các nguyên tắc quản lý xã hội. Xin được dẫn chứng một ví dụ về cách giải quyết sự việc của nước Mỹ. Vào năm 1996, chuyến bay mang số hiệu 800 của hãng Trans World Airlines (TWA) phát nổ ngoài khơi bờ biển New York, lấy đi sinh mạng của 230 người. Các nhân chứng ở hiện trường đều cho rằng, có một vệt sáng bay tới phía chiếc máy bay trước khi nó bị nổ, nghi vấn máy bay bị trúng tên lửa làm nóng dư luận. Một cuộc điều tra kỹ lưỡng đến mức các cơ quan chức năng đã thu gom gần như toàn bộ các mảnh vỡ của chiếc máy bay và phục dựng lại 97% nguyên bản với sự hỗ trợ của hàng trăm kỹ sư, chuyên gia đầu ngành về hàng không vũ trụ. Sau 4 năm, các chuyên gia kết luận không có sự tấn công quân sự nào mà chỉ do thùng dầu ở cánh máy bay đã phát nổ. Nhưng với các tai nạn máy bay quân sự, nước Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác, đều không công khai, công bố thông tin tỉ mỉ vì nó chứa đựng bí mật quốc gia. Cách đây vài tháng, một máy bay chiến đấu thuộc đội bay biểu diễn Thunderbird của Không lực Mỹ đang biểu diễn nhân lễ tốt nghiệp của Học viện Không quân Mỹ khi bay qua đám đông đang tập trung để nghe Tổng thống Biden phát biểu đã bất ngờ gặp sự cố lao thẳng xuống đất. Ông Biden đã chia sẻ trước tai nạn này, đề cao sự rèn luyện, cống hiến của những phi công và dư luận cũng không có gì quá ồn ào hay phê phán, đòi “công khai”.

    Theo tài liệu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước ta, khi xây dựng Luật Tiếp cận thông tin thì các quốc gia trên thế giới đều có những chính sách chặt chẽ để bảo vệ bí mật quân sự. Năm 2013, Nhật Bản thông qua Luật Bí mật và năm 2014 nước này tiếp tục thông qua Luật Bảo vệ bí mật đặc biệt trong đó xác định loại tài liệu bí mật để bảo đảm an ninh quốc gia. Theo quy định của luật này thì 382 loại thông tin được xác định là mật và do đó ước tính có khoảng 460.000 tài liệu mật mà công chúng không thể tiếp cận. Thái Lan tuy chưa có Luật Bí mật nhà nước nhưng có Quy tắc về giữ bí mật nhà nước được ban hành năm 2001. Luật An toàn 2015 của nước này cùng với Luật Hình sự có quy định rằng: Cán bộ gìn giữ hòa bình có thể ngăn chặn sự tuyên truyền bất kỳ tin tức, phân phát sách báo, ấn phẩm hoặc bất kỳ tài liệu nào khác có chứa các thông tin sai lệch có thể gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự công cộng và gây hoang mang trong dư luận xã hội. Ở Hàn Quốc, Luật An ninh quốc gia năm 1948 quy định hình phạt tử hình cho hành vi tiếp cận, thu thập, tuyên truyền, rò rỉ thông tin làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

 

1 nhận xét:

  1. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, hoạt động quân sự dù là việc cơ mật, quốc gia đại sự nhưng không tách rời hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước.

    Trả lờiXóa