Thứ Năm, 28 tháng 10, 2021

Các giải pháp đấu tranh chống " diễn biến hòa bình " trên các trang mạng xã hội trong quân đội.

 Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, công tác đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên các trang mạng xã hội là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, phải được triển khai tích cực, thường xuyên và lâu dài. Trong đấu tranh phải kiên quyết, linh hoạt, chủ động, sắc bén, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” làm chính. 

Đối với quân đội trong thời gian tới cần củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên không gian mạng bằng một số giải pháp như sau:

Trước hết, lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, phù hợp chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Quán triệt Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; Đề án “Quân đội phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong tình hình mới”; Chỉ thị số 47/CT-CT, ngày 08/01/2016 của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị về tổ chức lực lượng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng trong Quân đội; đồng thời, bám sát thực tiễn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tập trung giáo dục, nâng cao nhận thức về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, nhất là trước những sự kiện quan trọng, vụ việc phức tạp, nhạy cảm… kịp thời thông tin, định hướng tư tưởng cho cán bộ, học viên, nhân viên, chiến sĩ. Qua đó, để cán bộ, chiến sĩ nắm chắc về đối tượng, đối tác của cách mạng Việt Nam và nhiệm vụ phòng, chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; nêu cao tinh thần cảnh giác và ý thức tổ chức kỷ luật, “tự miễn dịch” trước hoạt động chống phá tinh vi, thâm độc của các thế lực thù địch trên không gian mạng.

Thứ hai, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần xác định: đấu tranh trên mạng xã hội là một nội dung quan trọng nhằm bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”; phải kiên quyết, kiên trì và nhạy bén, linh hoạt. Cấp ủy, chỉ huy và cơ quan chính trị các cấp cần chú trọng quản lý hoạt động trên mạng xã hội của cán bộ, học viên, nhân viên, chiến sĩ khi sử dung internet, tham gia mạng xã hội và trong công tác đấu tranh chống “Diễn biến hòa bình” trên không gian mạng; kịp thời chấn chỉnh các trường hợp chưa chuẩn mực trên mạng xã hội, bảo đảm hoạt động đấu tranh luôn đúng định hướng.

Thứ ba, cần giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thái độ chủ động, tích cực tham gia đấu tranh chống “Diễn biến hòa bình” trên không gian mạng cho cán bộ, chiến sĩ. Muốn vậy, trước hết các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục thực hiện tốt Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”, nâng cao nhận thức lý luận chính trị cho cán bộ, chiến sĩ, kịp thời định hướng một cách thấu đáo, thuyết phục những vấn đề mới nảy sinh có ảnh hưởng đến tư tưởng, tình cảm, tâm lý của bộ đội. Phải giáo dục cho quân nhân hiểu rõ “tính hai mặt” của không gian mạng cũng như âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; tạo khả năng “tự miễn dịch” cho cán bộ, chiến sĩ trước các thông tin xấu độc, cũng như tăng cường sức “đề kháng” để chủ động tiến công, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với âm mưu “Diễn biến hòa bình” trên không gian mạng.

Thứ tư, duy trì thường xuyên và có hiệu quả hoạt động thông báo thời sự và công tác tuyên truyền trong nhân dân. Với tỉ lệ người dân sử dụng internet và mạng xã hội đông đảo như Việt Nam hiện nay, cùng với tình trạng nhiễu loạn thông tin trong thời gian qua, thực trạng “phản ứng chậm” với những thông tin sai trái, bịa đặt trên mạng xã hội của các cơ quan, đơn vị diễn ra còn phổ biến. Do đó, các cơ quan, đơn vị phải nhạy bén, thường xuyên, kịp thời, chủ động cung cấp thông tin chính thống thông qua chế độ thông báo thời sự và các hình thức tuyên truyền trong nhân dân. Đối với các vấn đề phức tạp, nhạy cảm, phạm vi tác động, ảnh hưởng lớn, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần tranh thủ sự chỉ đạo, định hướng của cơ quan cấp trên, chủ động thông báo, thông tin chính thống trên các trang mạng xã hội, tạo sự đồng thuận cao trong cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn; duy trì hiệu quả chế độ đọc báo, nghe tin, giao ban, hội ý để cung cấp thông tin, định hướng nội dung, thống nhất biện pháp tuyên truyền, đấu tranh.

Thứ năm, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng trên địa bàn xây dựng cơ chế và phát huy có hiệu quả các thiết chế để kịp thời cung cấp thông tin chính thống cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn đóng quân. Trong đó, cần chú trọng thiết lập các trang, nhóm cộng đồng trên nền tảng có sẵn như: Facebook, Zalo, Mocha... thu hút được đông đảo người dân tham gia. Đồng thời, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật An ninh mạng và Nghị định số 15/2020/ND-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện và giao dịch điện tử. Tuy nhiên, cũng cần phải thống nhất nhận thức: không phải thông tin phản ánh tiêu cực nào cũng đều là thông tin sai trái, phản động, thù địch; cần có cách nhìn nhận khách quan, toàn diện, từ đó tránh quy chụp, tạo hiềm khích, gây mất uy tín và chất lượng của các trang, nhóm, làm giảm sút hiệu quả của hoạt động thông tin, tuyên truyền trên địa bàn.

Tóm lại, chống “diễn biến hòa bình” trên không gian mạng là cuộc đấu tranh hết sức quyết liệt, gay gắt, lâu dài và vô cùng phức tạp. Với vai trò là lực lượng nòng cốt, đi đầu, Lực lượng vũ trang nói chung, các đơn vị quân đội nói riêng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp đấu tranh hiệu quả, thiết thực, góp phần làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trong tình hình hiện nay.

1 nhận xét:

  1. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên.

    Trả lờiXóa