Thứ Tư, 20 tháng 10, 2021

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN


          Kế thừa, tiếp thu, chọn lọc những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng vào điều kiện thực tiễn cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã đưa ra tư tưởng về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân.Trong suốt quá trình tổ chức, xây dựng Nhà nước, Hồ Chí Minh luôn coi trọng hai vấn đề cơ bản: một là. xây dựng một chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân; hai là, bộ máy nhà nước phải được tổ chức hợp pháp và hoạt động trên cơ sở hiến pháp.

          Theo Hồ Chí Minh, Nhà nước pháp quyền của dân là nhà nước do nhân dân làm chủ, nhân dân được hưởng mọi quyền dân chủ, nghĩa là có quyền làm bất cứ việc gì mà pháp luật không cấm và có nghĩa vụ tuân theo pháp luật. Nhà nước của dân phải bằng mọi nỗ lực để xây dựng các thiết chế dân chủ để thực thi quyền làm chủ của nhân dân. Nhà nước pháp quyền do dân, tức là nhà nước đó phải do dân lựa chọn, bầu ra những đại biểu của mình; nhà nước đó do dân ủng hộ, giúp đỡ, đóng thuế để nhà nước hoạt động; nhà nước do nhân dân phê bình và xây dựng, giúp đỡ. Mọi cơ quan nhà nước phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân, không có một ngoại lệ. Hồ Chí Minh khẳng định: “nước ta là nước dân chủ. Bao nhiều lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra... Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Và chỉ có một nhà nước thực sự của dân, do dân tổ chức, xây dựng và kiểm soát trên thực tế mới có thể là nhà nước vì dân - phục vụ lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, không có đặc quyền, đặc lợi, thực sự trong sạch, cần, kiệm, liêm, chính.

          Cũng theo Hồ Chí Minh, Nhà nước pháp quyền là nhà nước mà ở đó pháp luật được đề cao. Nói cách khác, Nhà nước pháp quyền là nhà nước có hiệu lực pháp lý mạnh mẽ - trước hết phải là nhà nước hợp hiến; tiếp đó là nhà nước quản lý đất nước bằng pháp luật và phải làm cho pháp luật có hiệu lực trên thực tế. Trong một nhà nước dân chủ, dân chủ và pháp luật phải luôn đi đôi với nhau, nương tựa vào nhau mới bảo đảm cho chính quyền trở nên mạnh mẽ. Không thể có dân chủ ngoài pháp luật. Mọi quyền dân chủ của người dân nhất thiết phải được thể chế hóa bằng hiến pháp và pháp luật, ngược lại hệ thống pháp luật phải bảo đảm cho quyền tự do, dân chủ của người dân được tôn trọng trong thực tế. Do đó, để tiến tới một Nhà nước pháp quyền có hiệu lực pháp lý mạnh mẽ, theo Hồ Chí Minh, vấn đề căn bản cốt lõi là phải nhanh chóng đào tạo, bồi dưỡng hình thành đội ngũ cán bộ, viên chức có trình độ văn hóa, am hiểu pháp luật, thành thạo nghiệp vụ, có đạo đức cách mạng trong sáng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

1 nhận xét:

  1. Kế thừa, tiếp thu, chọn lọc những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng vào điều kiện thực tiễn cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã đưa ra tư tưởng về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân.

    Trả lờiXóa