Thứ Ba, 19 tháng 10, 2021

Văn nghệ sĩ “rầu lòng” về đạo đức


Tại Hội thảo khoa học “Xây dựng con người Việt Nam hôm nay và trách nhiệm của văn học, nghệ thuật (VHNT)” vừa diễn ra tại Hà Nội, do Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tổ chức vừa qua, như được dịp để buông xả những bức xúc, thể hiện nỗi bất bình trước tình trạng sa sút về nhân phẩm, đạo đức trong xã hội, nhiều nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ đã sôi nổi thể hiện những quan sát, nhận xét của mình. Các thực trạng nóng bỏng được phân tích, nhiều thông tin về các vụ việc, vụ án gây bàng hoàng dư luận được đưa ra làm thí dụ, những tồn đọng, tiêu cực trong xây dựng, giáo dục đạo đức, nhân cách con người cũng được chỉ ra. Nhìn chung, không mới so với thực tế mà xã hội đã chứng kiến lâu nay, nhưng tiếng nói của một số đại biểu giới văn nghệ cũng có tính tổng hợp, để tiếng chuông cảnh báo thêm phần riết róng.

Nhà thơ Trần Nhuận Minh – Hội VHNT Quảng Ninh thống kê hàng loạt những vụ án mà ở đó, đạo đức con người đã bị đánh mất…

Liên quan đến những hiện tượng tiêu cực mới trong xã hội, nhà văn, nhà phê bình điện ảnh Tô Hoàng đề cập đến đối tượng “cò văn hóa” khá đông đảo, trong đó có cả… văn nghệ sĩ, lợi dụng việc tổ chức các ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm… để gợi ý đầu tư những số tiền khủng tổ chức đình đám, phô trương và cực kỳ xa hoa, lãng phí.

GS Tô Ngọc Thanh – Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam phê phán chính những chương trình truyền hình, tưởng chừng có vai trò định hướng tốt đẹp cho lối sống, phong cách của thanh thiếu niên, nhưng nhiều khi lại gây ra những tác dụng ngược với những cách ăn mặc, đi lại, ứng xử phản cảm, đánh mất dần những nét đẹp của văn hóa truyền thống.

TS Nguyễn Thị Minh Thái nêu vấn đề lệch chuẩn thẩm mỹ làm méo mó truyền thông. TS cho rằng, vài năm gần đây, khi các mạng xã hội phát triển với tốc độ chóng mặt, thì cũng tự nhiên hiển thị một độ chênh nhất định giữa trình đội dân trí và văn hóa mạng. Mạng xã hội bị sử dụng tùy tiện, không có cơ chế điều hành, giám sát, kiểm soát hiệu quả, và hiện nay, các mạng xã hội đều đang trong tình trạng người sử dụng thoải mái muốn làm gì thì làm. Và do không kiểm soát được mọi sự xuất hiện trên mạng, nên thông tin trên mạng hiện đang trở thành “đống rác” khổng lồ, trong đó, lẫn lộn vàng thau.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Minh Châu – Hội nhạc sĩ Việt Nam buồn về sự thể kho tàng hát ru, hát giao duyên, hát thờ… – viên ngọc vô giá qua nhiều đời, sau nhiều thập kỷ bị ghẻ lạnh, vào thập niên đầu thế kỷ 21 lại bị biến thái với mục đích “làm hàng”. Kể cả những bài đồng dao ngộ nghĩnh cùng tan biến trong thời hiện đại. Trong khi đó lại là những phương tiện nghệ thuật kỳ diệu trong việc vun đắp tâm hồn con người.NTM./.

 

 

 

1 nhận xét: