Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2022

CÔNG XÃ PARIS - TUẦN LỄ ĐẪM MÁU VÀ BÀI HỌC RÚT RA!

         Cách đây 151 năm, cuộc khởi nghĩa dẫn đến công xã nổ ra ngày 18/3/1871.
Ngày 26/3/1871 công xã ra đời, là hình thức nhà nước của giai cấp vô sản đầu tiên. Sau 2 tháng tồn tại, do sự bao vây, đàn áp của liên minh giữa quân đội tư sản Pháp và quân xâm lược Đức, lại bị những kẻ tiểu tư sản trong hàng ngũ phản bội, công xã đã bị dìm trong bể máu và thất bại.

“Tuần lễ đẫm máu” diễn ra từ 21/5 đến 28/5/1871. Ngay sau khi tái chiếm Paris, chính quyền tư sản Pháp đã xử bắn hơn 10.000 chiến sỹ công xã (ảnh), hơn 40.000 người bị đưa đi đày, lao động khổ sai và hầu hết đều bị sát hại.

Tuy thất bại, nhưng công xã Paris đã cung cấp những kinh nghiệm quan trọng giúp phong trào Marxit xây dựng nền tảng lý luận và chính trị để lãnh đạo cách mạng một cách vững chắc, thể hiện cao nhất trong việc Đảng Bolshevik của Lenin đã đúc kết kinh nghiệm Công xã để giành và giữ chính quyền trong Cách mạng tháng Mười năm 1917. 

Marx, Engels và Lenin đã kết luận rằng nhà nước không phải là “công cụ để hòa giải các giai cấp” mà là sản phẩm của đấu tranh giai cấp và là công cụ chuyên chính để giải quyết sự không thể hòa hợp của các đối kháng giai cấp. 

Kinh nghiệm của Công xã Paris và sự phân tích về nhà nước của các nhà Marxit vĩ đại có ý nghĩa sâu rộng. Cho thấy quan điểm cải lương, hy vọng sử dụng nhà nước tư bản để giảm bớt sự đối kháng giai cấp và mang lại hòa bình và thịnh vượng lâu dài, là sai lầm và vô vọng (theo kiểu “XHCN dân chủ”, “Nhà nước phúc lợi” Bắc Âu mà một số nước Mỹ Latinh hiện đang muốn áp dụng theo). Quan điểm vô chính phủ cũng vậy, khi kêu gọi giải tán mọi hình thức quyền lực nhà nước - do đó phản đối việc hình thành nhà nước công nhân đối lập với bạo lực phản cách mạng của giai cấp tư sản thống trị.

Lenin nhấn mạnh kết luận của Marx rằng “giai cấp công nhân không thể chỉ nắm giữ bộ máy nhà nước chế tạo sẵn và sử dụng nó cho các mục đích riêng của mình”. Mà thay vào đó, giai cấp công nhân phải xây dựng nhà nước của chính mình, như công nhân Paris đã làm năm 1871. Điều này trước hết có nghĩa là, xây dựng một đảng để làm cho giai cấp công nhân thấm nhuần ý thức chính trị và lịch sử và sự cần thiết của một chính sách cách mạng. Đồng thời, nhà nước đó không được phép buông lỏng chuyên chính, phải tập hợp sức mạnh để trấn áp tận gốc sự chống đối của tư sản, đồng thời tuyệt đối không được phép mơ hồ, thỏa hiệp với tầng lớp tiểu tư sản luôn nghiêng ngả và sẵn sàng phản bội lợi ích của giai cấp vô sản.

Chuyên chính ngày nay được thể hiện dưới hình thức “nhà nước pháp quyền”, nhưng bản chất vẫn là chuyên chính, với nhà nước tư sản là chuyên chính tư sản và nhà nước vô sản là chuyên chính vô sản. Những bài học đó, mãi còn nguyên giá trị với các cuộc cách mạng vô sản và các giai đoạn của cách mạng. 

Với Việt Nam ta, điều đó đã tiếp tục được khẳng định trong Nghị quyết Đại Hội XIII, với yêu cầu “tăng cường bản chất công nhân của Đảng”, xây dựng liên minh công - nông - trí bền vững, trên lập trường cách mạng của giai cấp công nhân./.
Môi Trường ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét