Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2022
Phòng, chống tham nhũng, lãng phí cần thiết phải làm rõ đúng - sai, công khai hành xử
Dư luận thời gian gần đây đặc biệt quan tâm và vô cùng phấn khởi trước thái độ không khoan nhượng của Đảng và Nhà nước ta về việc chống tham nhũng, lãng phí. So với trước đây, “Bao Công” thời nay xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt từ nhiệm kỳ Đại hội XII, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Điều đó cho thấy, không có bao che, dung túng, không có vùng cấm, không có một sự “ưu ái” nào cho bất cứ ai. Nói cách khác là không có sự chống lưng, đỡ đầu nào đối với các hành vi vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Có được sự chuyển biến tốt đẹp ấy, phải chăng có nguyên nhân cốt lõi là Đảng và Nhà nước ta đã thật sự coi tham nhũng, lãng phí như một thứ “giặc nội xâm” và kiên quyết triệt phá. Vì thế, rất nhiều lượt đoàn cán bộ của Trung ương Đảng, bộ, ngành đi sâu sát cơ sở để kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Qua đó, kịp thời cổ súy, động viên những việc làm đúng, có tính sáng tạo, chất lượng, hiệu quả cao để nhân rộng, nêu gương, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội để các nơi khác học tập, làm theo; đồng thời, phát hiện những việc làm sai, gây hậu quả xấu ở các địa phương, cơ sở để uốn nắn, chấn chỉnh. Kiểu “Khang Hy vi hành” như trước đây đã mang lại hiệu quả thật sự là đánh giá đúng tình hình, nhận xét đúng chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, nắm bắt đầy đủ những vướng mắc, kiến nghị ở cơ sở, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Đây là cơ sở chính trị để Đảng và Nhà nước ta kịp thời điều chỉnh chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn đất nước và khu vực.
Đúng và sai, đồng nghĩa với tốt và xấu. Chỉ vỏn vẹn hai từ ấy thôi, mà trong cuộc sống đời thường biết bao nhiêu điều cần thiết phải đưa ra mổ xẻ, phân tích để làm cho ra nhẽ đâu là chân thật, đâu là dối trá. Nhưng thói đời không đơn giản như nhiều người nghĩ, bởi còn quá nhiều mưu mô, chước quỷ để trốn tránh ánh sáng công lý, còn quá nhiều âm mưu, thủ đoạn nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta của các thế lực thù địch và bọn phản động trong nước, gây tác hại khó lường đến cuộc sống bình thường của người dân, theo kiểu “đẹp khoe xấu che”, “gió chiều nào xoay chiều ấy”, “núp bóng chờ thời”, v.v. Bởi vậy, trong cuộc sống đời thường luôn đan xen cái đúng và sai, mà trớ trêu là không phải ai cũng có thể nhận ra ngay, hoặc khi nhận ra sự sai trái thì việc đã rồi !. Cho nên, thời gian qua nhiều cán bộ bị dính chàm vướng vòng lao lý cũng từ nguyên nhân không chịu hoặc chậm nhận ra sai sót, khuyết điểm của mình. Tất nhiên có nhiều nguyên nhân, nhưng sâu xa vẫn là do thiếu thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Khi làm rõ đúng - sai, phải công khai hành xử, đây vừa là mục đích, vừa là yêu cầu cần phải đạt được trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là đối với việc kiểm tra, thanh tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng. Trong đó, công khai xử lý là biểu hiện thái độ rõ ràng, minh bạch, dứt khoát không bao che, dung túng, không “giơ cao đánh khẽ” của những “Bao Công” thời nay, để mọi vụ việc phải được nhìn nhận theo hướng khách quan - toàn diện - lịch sử - cụ thể và phát triển. Tuyệt nhiên, không để xảy ra tình trạng bị tác động tiêu cực làm “méo mó” trong tiếp nhận vụ việc, bảo đảm rõ đúng - sai, rồi công khai xử lý mới thu phục được lòng dân. Có như thế, niềm tin của cán bộ và quần chúng nhân dân đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa mới được củng cố, phát triển bền vững.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét