Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2022

Lắm kiểu "cài số" "lùi"... "tiến" tuổi nghỉ hưu

“Nghỉ hưu”, thuật ngữ “xa xỉ” trong xã hội tiền công nghiệp, nếu có cũng chỉ dành cho tầng lớp quan lại. Trong xã hội công nghiệp và “hậu công nghiệp”, phạm vi đối tượng nghỉ hưu ngày càng được mở rộng sang nhiều lĩnh vực ngành, nghề khác nhau, từ công nghiệp đến dịch vụ, tại nhiều nước phát triển còn có cả “nông dân nghỉ hưu”. Cùng với thành quả đấu tranh của nhân loại cho tiến bộ xã hội, nghỉ hưu trở thành một quyền cơ bản của người lao động sau một quá trình cống hiến, được nghỉ ngơi khi tuổi cao, sức yếu, được hưởng bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc đóng - hưởng.

Nghỉ hưu, tưởng chừng như chuyện đương nhiên kiểu “ngày sáng, đêm tối”, nhưng nhìn ra xứ người, ngó lại xứ ta, kể ra cũng lắm chuyện oái ăm!

Ở xứ người, tôi đã từng chứng kiến nhiều cuộc biểu tình của người lao động phản đối chính sách kéo dài tuổi nghỉ hưu của người lao động. Truy ra ngọn nguồn mới vỡ nhẽ, do chất lượng sống con người ngày càng được cải thiện nên tuổi thọ người cao tuổi tăng lên, trong khi giới trẻ lại “lười” đẻ, nên dẫn đến tình trạng dân số già hóa, nhân lực lao động vì thế giảm dần, bởi vậy để giải quyết vấn đề này chính phủ nhiều nước tìm giải pháp bằng cách nâng tuổi nghỉ hưu. Chính sách này có tác dụng giảm áp lực suy giảm hoặc nguy cơ đổ bể quỹ lương hưu. Có nước ban đầu quy định tuổi nghỉ hưu là 60, nhưng rồi cứ nâng dần lên 62, rồi 65, thậm chí là 67... Thế là người lao động xuống đường phản ứng, biểu tình phản đối!

Ở xứ ta, luật pháp quy định tuổi nghỉ hưu đối với nam là 60, và nữ là 55, nhưng trong thực tế cũng thấy lắm chuyện “nực cười” xung quanh câu chuyện tuổi nghỉ hưu. Xin kể 3 câu chuyện có thật về từ xin “tiến”... đến xin “lùi” tuổi nghỉ hưu sau đây:

Chuyện xin “tiến” hay nói đơn giản là xin nghỉ hưu sớm... vì “công ty sân sau”: Không kể những người ốm đau, lại phải nghề lao động nặng nhọc, độc hại, xin nghỉ hưu sớm là chuyện thường tình. Đằng này, có “quan bác” ở gần nhà tôi sức khỏe còn tốt, thậm chí đám trung niên tuổi ba mươi, bốn mươi còn phải “vái cụ”. Nghề nghiệp trước đây của ông cũng không phải bốc vác nặng nhọc hay độc hại gì. Ông là phó giám đốc một doanh nghiệp nhà nước có hạng. Theo quy định phải 3 năm nữa ông mới đủ tuổi nghỉ hưu. Thế mà ông làm đơn nằng nặc xin nghỉ hưu trước tuổi. Đơn của ông rất hợp tình, hợp lý, nào là ông nghỉ sớm cốt để tạo điều kiện cho thế hệ trẻ phát triển, nào là do tuổi đã cao, sức đã yếu, nào là tư duy không còn nhanh nhạy như xưa... trong khi việc cơ cấu lại doanh nghiệp bây giờ cần những lãnh đạo trẻ có tư duy mới... Tổ chức thuận theo nguyện vọng rất “chính đáng” và “đầy trách nhiệm” của ông. Ông được nghỉ hưu thật, thậm chí tính ra mỗi năm công tác còn được hỗ trợ 1 tháng lương.

Là hàng xóm láng giềng, sáng nào tôi cùng ông cũng làm vài vòng cuốc bộ thể thao quanh phố. Thắc mắc về việc nghỉ hưu sớm của ông, có lần tôi tò mò hỏi vì sao còn sức khỏe, trí tuệ còn minh mẫn, cương vị khối người mơ,... thế mà ông lại xin nghỉ hưu trước tuổi. Ông cười: “Xin nghỉ hưu trước tuổi vì “công ty sân sau” ấy mà! Cách đây mấy năm mình đã lập một công ty “sân sau”, giờ “hưu” nhưng có được nghỉ đâu, vẫn đang trực tiếp điều hành quản lý cái công ty ấy đấy chứ, để khỏi uổng phí vốn nghề nghiệp tích lũy cả cuộc đời. Các quan hệ khách hàng, mối lái, thị trường, bí quyết công nghệ, những tay thợ lành nghề đáng máu mặt,... của công ty cũ đều theo mình chuyển cả sang công ty của mình rồi... bởi vậy, công ty do mình lập ra vẫn “sống khỏe”, “ăn nên làm ra”. Tôi vặn lại “Thế công ty cũ của bác bây giờ sao? Nghe đâu nó đang “vật vã” với “cơ cấu lại”, khó khăn đủ bề... đúng không?”. Ông lý sự tỉnh queo: “Ôi dào... “Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”... lo gì bò trắng răng!”. Đến đây tôi vỡ lẽ lý do xin nghỉ hưu trước tuổi của ông.

Cũng chuyện xin nghỉ hưu sớm... vì giữ “ghế” cho “quý tử”: Đó là chuyện giám đốc sở của một tỉnh nọ thuộc địa bàn tôi hay đến làm việc. Phải còn cỡ hơn một năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu, nhưng giám đốc sở “kiên quyết” xin nghỉ hưu sớm. Lý do thật “cao thượng” và “đầy trách nhiệm”, rằng nếu ông nghỉ hưu đúng 60 tuổi thì cấp phó của ông hết cơ hội, rằng người đi trước phải có trách nhiệm tạo điều kiện cho người đi sau phát triển. Nói là làm. Ông một mực xin nghỉ trước 1 năm. Cấp phó của ông nhờ thế mà được bổ nhiệm làm giám đốc sở và biết ơn ông lắm. Mọi người cũng nể phục đạo đức của ông!

Nhưng chẳng bao lâu sau khi mới lên chức thì vị tân giám đốc sở đã ký quyết định bổ nhiệm con trai người tiền nhiệm làm phó giám đốc sở. Khi ấy mọi người mới “ngộ” ra “hành vi ẩn dụ” đằng sau lý do xin nghỉ hưu sớm của nguyên giám đốc sở. Người trong sở nọ nhìn nhau chỉ biết gật gù thốt lên: Ông thật cao tay, lo cho “hậu duệ” tinh vi đáo để thật!

Chuyện xin “lùi” tuổi nghỉ hưu hay kéo dài thời gian công tác... để được “cống hiến”: Đây là trường hợp thủ trưởng cũ của tôi. Khi sắp đến tuổi nghỉ hưu, ông “thò” ra một tờ giấy chứng minh “tuổi thật” của mình không giống như tuổi khai trong lý lịch cơ quan đang quản lý. Rồi ông làm đơn xin kéo dài thời gian công tác. Vì chuyện đó mà tập thể lãnh đạo cũng phải họp bàn lên xuống, nhưng cuối cùng cũng “chiều” theo ông, nhận đơn và “đá quả bóng” lên cấp trên xem xét. Ngồi đâu ông cũng hay chuyện là đồng chí lãnh đạo “nọ”, đồng chí lãnh đạo “kia” yêu cầu ông phải kéo dài thời gian công tác, vì sức khỏe ông còn tốt, vì trí tuệ ông còn minh mẫn, vì ông giàu kinh nghiệm nghề nghiệp, vì còn nhiều năng lực cống hiến, vì ông phải có trách nhiệm để đào tạo thế hệ kế cận đang còn “non”, v.v.. và v.v.. Mọi người tưởng vậy. Nhưng đùng một cái, ông vẫn có quyết định nghỉ hưu theo đúng quy định. Ngày nghe tin có quyết định nghỉ hưu, ông buồn lắm. Tôi thấy ông như gầy rộc đi. Mọi người lại tưởng, nhận quyết định rồi thì ông sẽ nghỉ như bao người khác. Nhưng không, sau khi nhận quyết định nghỉ hưu, ông vẫn đề đạt “nguyện vọng” được giữ phòng làm việc, mấy tháng đầu vẫn đến cơ quan như thường lệ. Văn phòng thấy ông nhiệt tình đến cơ quan nên “ngại” cắt chế độ xe đưa đón ông hằng ngày, vẫn bố trí người chuẩn bị chè nước, mang báo chí đến phòng cho ông,... Ban lãnh đạo mới cũng khó xử, nhất là khi ông vẫn “nhiệt tình” góp ý “chỉ đạo” công việc hằng ngày của cơ quan, vẫn ra tuyên bố “hùng hồn” không khác hồi còn đương chức lãnh đạo. Phải một năm sau, chẳng biết do có người nhắc khéo hay do ông tự “ngộ” mà ông mới trả phòng làm việc và ít khi lui tới cơ quan...

Còn “nghìn lẻ một đêm” những kiểu xin “tiến”, “lùi” tuổi hưu, nhưng chỉ đơn cử mấy câu chuyện trên đã thấy “tiến”, “lùi” tuổi hưu xem ra đều gắn với “quyền” và “lợi” của con người. Chỉ khi nào cơ chế, chính sách “bịt” hết các lỗ hổng thì mới làm cho mọi chuyện trong xã hội lành mạnh, kể cả chuyện nghỉ hưu. Ở trường hợp thứ nhất, phải làm tốt quản lý cán bộ lãnh đạo khi đương chức, nhất là các hoạt động kinh tế phi chính thức do gia đình, vợ con, “chiến hữu” đứng tên chuẩn bị cho “hạ cánh an toàn”... Ở trường hợp thứ hai, phải tạo ra cơ chế thi tuyển nhân tài công bằng, công tâm để chấm dứt được tệ nạn lo “ghế” cho “hậu duệ” rất tinh vi. Ở trường hợp thứ ba, phải tiền lương hóa mọi khoản chi phí phục vụ cho lãnh đạo (xe cộ, thông tin, liên lạc, nhà cửa, báo chí...), cũng như các lợi ích phi chính thức có được khi “đương chức”, mà lúc nghỉ hưu không còn, nên thường cảm thấy hẫng hụt, tiếc nuối.

Tin rằng những cải cách thể chế mạnh mẽ hơn thời gian tới có thể giảm dần và chấm dứt những trường hợp “cài số” “tiến”... “lùi” tuổi nghỉ hưu “oái oăm” trên đây./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét