Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2022

“Rác não”

 Lâu lắm mới có dịp ghé thăm ông Trường cùng cơ quan đã nghỉ hưu tại nhà riêng. Ngồi chưa ấm chỗ, ông Huy rỉ rả:

- Sang thăm, vợ chồng em biếu bác chút quà bồi dưỡng sức khỏe.

Nhìn túi quà, ông Trường không khách khí, “xả” thật lòng:

- Vẽ chuyện. Thời buổi này thời gian quý như vàng, đến thăm nhau đã là quý rồi lại còn quà với cáp. Tôi là tôi kịch liệt phê bình biểu hiện khách sáo của chú. Quý nhau “tam tứ núi cũng chèo, đò ngang cách trở thế nào cũng sang” mới là đúng chứ!

- Sang với bác trước là thăm sức khỏe, sau là để ôn lại thời “gạo châu, củi quế” cho đỡ nhớ, đỡ thèm. Quà mọn sao so được với tấm lòng? Mà cái anh “giấc mơ tầm vóc Việt” này tốt lắm nhé bác! Nó không chỉ tốt cho thiếu niên nhi đồng mà còn cho cả người già nữa. Sử dụng nó lợi cho đường ruột đã đành lại còn bổ sung thêm vi chất, ăn khỏe, ngủ tốt. Tuổi như bác, dùng hợp lý lắm.

- Rồi, chú để đó, tôi nhận. À, chú nói gì nhỉ, “giấc mơ tầm vóc Việt à”? Tôi thấy câu này quen quen. Mắt ông Trường sáng lên.

- Vâng, đó là slogan, dạng khẩu hiệu, phương châm kinh doanh của doanh nghiệp sữa Việt Nam. Có gì mà bác ngạc nhiên thế?

Tôi không ngạc nhiên về câu này. Nhờ chú nói mà tôi nghĩ ra biện pháp xử lý hiện tượng “rác não” đang rất phổ biến trong xã hội ta.

Lần này thì đến lượt ông Hùng ngạc nhiên, ông hỏi: “Rác não” ư, nó là cái gì vậy?

Ông Trường cười khà khà đắc trí, ông nheo mắt: Chú uống nước đi, lát tôi cho chú xem thế nào là “rác não”.

Theo ông Trường, “rác não” là những suy nghĩ bên trong của con người được thể hiện qua hành động bên ngoài, nhưng lại gây ảnh hưởng vô cùng nguy hại cho cộng đồng, xã hội, thậm chí có cả hiện tượng phản cảm, trái với luân thường đạo lý, thuần phong mỹ tục dân tộc. Ngoài hiện tượng “rác não” đã có trong lịch sử, bị xã hội lên án, người đời chê trách, phỉ báng thì ngày nay, “rác não” xuất hiện ở nhiều lứa tuổi, nhiều lĩnh vực, với tần xuất cao, đa dạng và tinh vi hơn, mức độ nguy hại cũng nhiều hơn.

Ông Trường phân tích, có loại “rác não” không “e ấp” ở chỗ tối như ngày xưa mà xuất hiện giữa thanh thiên bạch nhật, bất chấp dư luận. Nổi bật là các hiện tượng khoe giàu thái quá, vung tiền ra đếm, đốt xe; bạo lực học đường trong học sinh, quảng cáo phản cảm đã làm băng hoại đạo đức và văn hóa truyền thống... Ông ví dụ, kiểu kinh doanh mặc bikini bê hàng diễu phố; khuyến mại bằng cách kích thích khách hàng mặc bikini đến quán thì được hưởng tận... một cốc nước là cần phải loại bỏ tận gốc. Ông nóng mặt, kẻ đưa ra thông điệp đã thiếu văn hóa, kẻ nghe theo thực hiện còn ít văn hóa hơn.

Ông Trường cũng bức xúc khi nói về hiện tượng “rác não” rất tinh vi của các quan chức nhà nước. Người có quyền thì hoặc là không để ý tới hiện tượng móc ngoặc vì năng lực kém đã đáng chê; hoặc biết nhưng không đủ lực ngăn chặn nên làm ngơ và không loại trừ cả hiện tượng bị mua chuộc bằng lợi ích để “bật đèn xanh”, tiếp tay cho kẻ xấu, hại dân, hại nước, tham ô, tham nhũng nhiều tỷ đồng. Ông bức xúc hơn trước hiện tượng phương tiện làm việc cho công chức trong các cơ quan hành chính và bộ máy chính quyền nhà nước liên tục được đầu tư, cập nhật và nâng cấp hiện đại, ngang tầm các nước phát triển trên thế giới, nhưng biên chế thì không hề giảm, ngược lại thì tăng ở nhiều nơi, khiến Nhà nước phải “nuôi báo cô” những anh công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”.

Thế nên, theo ông Trường, do trước đây đói kém, thể trạng sức khỏe, tầm vóc của người Việt thấp hơn các nước trong khu vực và thế giới nên mới cần đến khẩu hiệu “giấc mơ tầm vóc Việt”. Ngày nay, khi tầm vóc đã tương đối ổn rồi thì cần phải tạo dựng phong trào dọn “rác não”. Có như vậy mới dẹp bỏ tận gốc những hành động, việc làm thiếu văn hóa, coi thường thuần phong mỹ tục, hại dân hại nước của những chú “hề đời” đang có nguy cơ ngày càng nhiều trong xã hội chúng ta.

Sau câu chuyện với ông Trường, về nhà, ông Hùng chia sẻ với vợ. Ông nêu chính kiến, nếu mở rộng vấn đề “rác não” thì có thể thấy, bất cứ chỗ nào trong xã hội chúng ta cũng có “rác não”. Tuy nhiên, đừng để cho “rác não” xâm nhập quá sâu vào con người, biến con người thành công cụ để đạt lợi ích cá nhân trước mắt bằng mọi giá. Thế nên, theo ông Hùng, cần một doanh nghiệp tiên phong, mạnh dạn đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất ra được loại sản phẩm để khi sử dụng, “rác não” trong mỗi con người sẽ bị loại trừ, tiêu diệt, không có khả năng gây hậu quả xấu cho xã hội.

Bà vợ ông Hùng bảo, công nghệ ấy nằm mơ cũng không có, nhưng lại có ở mỗi người và phải trải qua quá trình giáo dục, rèn luyện đúng đắn, biến thành tự giáo dục thì mới có hiệu quả. Trong đó, Nhà nước không nên “giơ cao đánh khẽ”, không nên tin tưởng vào biện pháp “xử lý nội bộ” hoặc vận động, tuyên truyền kiểu kêu gọi “cáo già hãy tốt đi”. Nghe thế, ông Hùng ớ người, mừng rơn, vì ý tưởng về doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cao siêu kia của ông cũng chỉ là một biểu hiện của “rác não” tồn tại dưới dạng ý tưởng, chưa có khả năng gây hại cho xã hội vì nguy cơ dễ bị “tam sao thất bản”?./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét