Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2022

Mong sao cuộc họp thứ... 2001

 Họp là việc bình thường và cần thiết của bất cứ tổ chức, cơ quan hay quốc gia dân tộc nào.

Nhưng, sẽ là bất bất bình thường và thậm chí vô lối, về sự họp ở không ít cơ quan, ngay tại xứ ta.

Lật thử xem trang báo, trong 11 tin đưa, có 7 tin về họp hành, hội thảo. Ấy là ở tỉnh! Ngó thử coi lịch làm việc treo trên bảng, trong 5 ngày làm việc, tổng cộng có tới 30 cuộc họp cho Bí thư. Đó là ở xã!

Thì ra, từ tỉnh tới xã, đâu cũng họp... rất nhiều! Cái gì cũng... họp lu bu. Đoàn thể nào cũng... họp triền miên. Cấp nào cũng họp... vô tiền khoáng hậu.

Hay chăng, đất nước ta bình quân mỗi ngày có 22 lễ hội, và hằng năm có tới 8000 lễ hội, nên nhiễm cả vào các cơ quan công quyền và nhiễm tận trong... máu mỗi người cái “đức... tụ vạ”, “thói... bàn suông”?

Hay chăng, vì để chữa bệnh sợ trách nhiệm cá nhân kinh niên xưa nay... nên cần họp để trốn vào cái lồng “lãnh đạo tập thể”, khi mắc lỗi thì “cả làng cùng chịu” theo kiểu: “Toét mắt bởi tại hướng đình. Cả làng cùng toét chứ mình gì ta”, nên xểnh ra... là họp?

Hay chăng, họp là có tiền, có đánh chén, nên... “đâu có họp là ta cứ đi”, “khua mõ ắt có gõ thớt” (!)? Hay chăng, họp là để... thay làm, kiểu như “mồm miệng đỡ chân tay”, “ngồi trong màn trướng định việc ngàn dặm”?

Hay chăng để “đánh bóng” tên tuổi mình, để truyền hình, báo chí đưa tin, trương ảnh cho... oách, cốt: “Vua biết mặt, chúa rõ tên” rồi sau đó “Đi nhẹ, nói khẽ hay cười. Việc đâu bỏ đấy là người phiếu cao”?

Vô vàn kiểu họp. Chả thế có người bảo: “Bé thì đi học, nhớn thì đi họp, già thì đi hội” (!), chả thế có người nói (đùa mà là thật, đầy “kiêu hãnh”): “Nghề nghiệp: Họp hành; thành phần: Theo vợ”, nên hở ra là...họp! V.v...

Có nhẽ vì thế, nên cứ thế, ai ai, đâu đâu... cũng đua nhau bày ra các cuộc họp! Tất nhiên, ấy chỉ là chuyện họp ở công sở, họp về việc công!

Nhân gian nom thấy, bèn gọi toẹt ra là... loạn họp, cuồng họp!

Gọi thế có oan?!

Chả nói ra, thì ai cũng thấy, họp hành kiểu ấy thì xiết bao tốn kém: thì giờ, tiền bạc, phiền phức, mà tất cả đều là thuế của nhân dân. Nhưng, điều đáng sợ hơn cả là, táng thất niềm tin: Họp lắm nát chuyện, đâm ra: “Nói dài nói dai hóa nói dại”, “Đâm bị thóc, chọc bị gạo”, thế là mất đoàn kết nảy nòi; thậm chí cả “họp vụng” kiểu bè nhóm, thế là nát bét mọi sự; nghiện họp rồi hóa “Lưỡi dài hơn tay”, đẻ ra thói “Nói nhiều làm ít”, “Nói đâu việc bỏ đó”, nói nhưng không làm, tệ lười biếng hoành hành; họp vô tích sự thành ra họp suông... thậm chí vừa nhàm vừa nhảm, làm công việc thì bê trễ, cơ quan thì lộn xộn, tổ chức thì rối beng! Họp thế đâu còn thì giờ để làm, để nghe dân, để đi cơ sở!?

Tôi chưa có thì giờ và kiên nhẫn để thống kê toàn quốc mỗi năm có bao nhiêu cuộc họp và bao nhiêu thì giờ dành cho họp, từ thôn làng cho đến Trung ương!? Có nhẽ, nếu giao việc này cho những người nghiện họp, phải cần ít nhất tới... mươi cuộc họp để luận cứ, luận chứng cuộc thống kê cỏn con về sự họp này! Mà có khi lại thành một đề án khoa học hẳn hoi, tiêu tốn vài ba trăm triệu đồng thuế của nhân dân!

Đang lay hoay nghĩ về sự họp, thì hôm 20-8-2017 mới đây, trên VTV đưa tin: Ở Thành phố H, bình quân mỗi năm trưởng ngành phải họp tới... 2000 cuộc!

Tôi buột thành tiếng cười: Sao không dẹp bớt? Cô cháu ngoại tôi mới học lớp mẫu giáo bé, thấy tôi cười, liền bập bẹ hỏi: Thế để làm gì hả... ông!?

Tôi im lặng... và quyết biên ra đây nhời khuyến nghị: Cần kíp thành phố ấy nên tổ chức cuộc họp thứ... 2001, để xóa hoặc làm bé đi nhiều lần con số 2000 cuộc họp, mà mỗi trưởng ngành của họ đang thực thi một năm!

Và, ước gì đâu đâu cũng thế!./

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét