Quan hệ dân tộc xuyên biên giới là mối quan hệ của một tộc người trong nước
với đồng tộc hoặc khác tộc ở các quốc gia có chung đường biên giới. Quan hệ dân tộc xuyên biên giới ở Việt Nam là mối quan
hệ diễn ra từ lâu đời trong lịch sử. Hiện nay, quan hệ dân tộc xuyên biên giới
không chỉ bó hẹp trong phạm vi Việt Nam với quốc gia có chung đường biên giới
mà còn với nhiều quốc gia khác có người đồng tộc, đồng tôn giáo. Quan hệ dân
tộc xuyên biên giới ở Việt Nam biểu hiện phong phú và đa dạng, từ quan hệ về
nguồn gốc lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội đến tín ngưỡng, tôn giáo. Các mối
quan hệ này tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội trong nước theo cả
hai chiều hướng tích cực và tiêu cực. Bên cạnh những tác động tích cực (tăng
cường sự hiểu biết lẫn nhau về văn hóa giữa nhân dân hai bên biên giới, nâng
cao tình đoàn kết và tương trợ thông qua các mối quan hệ kinh tế; thắt chặt và
làm giàu thêm sự gắn kết tình cảm, giảm thiểu các xung đột giữa nhân dân hai
bên biên giới, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân
tộc thiểu số và miền núi...), quan hệ dân tộc xuyên biên giới cũng đặt ra nhiều
vấn đề phức tạp, tiềm ẩn những nguy cơ gây bất ổn ở khu vực đa tộc người, đa
tôn giáo vùng biên giới (di cư tự do, kết hôn không giá thú, lao động Việt Nam
sang các nước láng giềng tìm việc làm, buôn lậu, buôn bán người, truyền đạo
trái phép...). Các vấn đề này gây khó khăn trực tiếp đến công tác quản lý nhà
nước, làm ảnh hưởng đến mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc - tộc người hai
bên biên giới nói riêng và quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia láng giềng
nói chung, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá nước ta.
Âm mưu xuyên suốt của các thế lực thù
địch là lợi dụng vấn đề dân tộc nói chung, quan hệ dân tộc xuyên biên giới nói
riêng để chống phá Việt Nam, nhằm chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc;
kích động đồng bào các dân tộc, các tôn giáo chống phá đường lối, chính sách
của Đảng và Nhà nước ta; mưu toan gây mất ổn định chính trị - xã hội, tạo cớ
can thiệp, kích động bạo loạn lật đổ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”,
hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt
Nam. Âm mưu đó được các thế lực thù địch thực hiện ráo riết với những thủ đoạn
chủ yếu sau:
Một là, lợi dụng chính sách thông
thoáng đối với việc đi lại, thăm thân; lợi dụng tình trạng kết hôn không giá
thú, hoạt động tội phạm xuyên biên giới, để tuyên truyền, kích động đồng bào
dân tộc thiểu số khu vực biên giới di cư tự do, vượt biên, xâm nhập trái phép,
gây bất ổn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo cớ để can thiệp vào công
việc nội bộ của Việt Nam. Trong những năm qua, cùng với hiện tượng di cư tự do
nội địa của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, tình trạng di cư tự do và
hôn nhân không giá thú xuyên biên giới, vượt biên, xâm nhập trái phép ở biên
giới Việt Nam có xu hướng gia tăng. Lợi dụng tình hình này, một mặt, các thế
lực thù địch đã tìm cách hỗ trợ, chỉ đạo lực lượng phản động là người dân tộc
thiểu số cư trú ở khu vực biên giới thúc đẩy, tạo “làn sóng” di cư trái phép đến
một số địa bàn “trọng điểm”; mặt khác, ra sức tuyên truyền, kích động, mua
chuộc, lôi kéo người dân tộc thiểu số vượt biên trái phép, “đưa người dân tộc
thiểu số” về từng khu vực theo ý đồ chính trị để có điều kiện xây dựng căn cứ
phản cách mạng, khiến vấn đề dân tộc trở thành “ngòi nổ”, tạo cớ để nước ngoài
có thể can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Hai là, lợi dụng những vấn đề phức tạp
trong lịch sử quan hệ tộc người, nhất là các tộc người cư trú ở khu vực biên
giới, tuyên truyền, kích động đòi “ly khai”, “tự trị” và tìm cách “luật pháp
hóa”, “quốc tế hóa” vấn đề dân tộc để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt
Nam. Bên cạnh việc tổ chức các cuộc hội thảo, thu thập, phát tán nhiều tài liệu
trái phép, các thế lực thù địch với sự trợ giúp của nước ngoài còn đưa ra nhiều
“luật” với chế tài mang tính áp đặt vô lý nhằm hỗ trợ, khích lệ tinh thần cho
các lực lượng phản động là người dân tộc thiểu số đẩy mạnh các hoạt động chống
phá Đảng và Nhà nước ta; hỗ trợ, chỉ đạo lực lượng phản động là người dân tộc
thiểu số sống lưu vong ở nước ngoài thành lập nhiều tổ chức dưới danh nghĩa
nghiên cứu lịch sử, văn hóa các dân tộc thiểu số nhằm khơi dậy những tồn tại
trong quá khứ để kích động tư tưởng “ly khai”, “tự trị” của các dân tộc thiểu
số trên một số địa bàn chiến lược của nước ta.
Ba là, núp dưới chiêu bài hoạt động
“nhân đạo”, “từ thiện” của các tổ chức phi chính phủ để lôi kéo đồng bào là
người dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo chống phá chính quyền Việt Nam.
Đây là một trong những thủ đoạn mới hết sức tinh vi, khó nhận biết mà các thế
lực thù địch đã và đang công khai sử dụng để hỗ trợ các lực lượng phản động,
cực đoan trên địa bàn biên giới hình thành các nhóm tổ chức, tập hợp lực lượng
và tiến hành các hoạt động chống phá nước ta. Đáng chú ý, các thế lực thù địch
sử dụng những tổ chức này để thâm nhập vào các địa bàn chiến lược của Việt Nam
thu thập tình hình, báo cáo xuyên tạc chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và
Nhà nước Việt Nam; tiếp cận, chỉ đạo lực lượng phản động, cực đoan tiến hành
những hoạt động tuyên truyền, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, đòi “ly
khai”, “tự trị” nhằm gây mất ổn định chính trị - xã hội và tạo cớ can thiệp.
Bốn là, lợi dụng địa bàn biên giới của
các nước láng giềng để hỗ trợ, chỉ đạo các lực lượng phản động là người dân tộc
thiểu số sống lưu vong ở nước ngoài lôi kéo một bộ phận người dân tộc thiểu số
từ Việt Nam tham gia thực tập vũ trang cướp chính quyền, xâm nhập, phá hoại các
địa bàn chiến lược ở nước ta. Các tổ chức, đứng đầu là những phần tử cực đoan,
đã và đang liên kết chặt chẽ với lực lượng phản động trong nước để tiến hành
các hoạt động chống phá cách mạng nước ta trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Lực lượng phản động không chỉ tìm mọi cách hỗ trợ, khuyến khích xây dựng các tổ
chức phản động sử dụng danh nghĩa tôn giáo ở nước ngoài chuyển hướng hoạt động
vào trong nước; ra sức cổ xúy, hỗ trợ các tổ chức phản động mang danh nghĩa tôn
giáo ở trong nước để chống phá, mà còn lợi dụng những sơ hở, thiếu sót của các
cấp, các ngành trong thực hiện chính sách dân tộc để mưu toan kích động tư
tưởng chống đối, khoét sâu mâu thuẫn nội bộ, tạo ra những nhân tố gây mất ổn
định, bạo loạn, biến vấn đề dân tộc, tôn giáo thành vấn đề chính trị...
Có thể thấy, âm mưu, thủ đoạn của các
thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc nói chung, quan hệ dân tộc xuyên biên
giới nói riêng nhằm chống phá cách mạng Việt Nam hiện nay vô cùng đa dạng, với
tính chất vô cùng nguy hiểm, vừa công khai, vừa bí mật, diễn ra cả trong nước
và ngoài nước, trên tất cả các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa,
xã hội, nhằm gây mất ổn định, phá hoại mối quan hệ tốt đẹp của Việt Nam với các
nước láng giềng, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Những thủ
đoạn chống phá đó của các thế lực thù địch đã làm cho đời sống kinh tế - xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam vốn khó khăn lại càng khó
khăn hơn; ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam với các nước,
nhất là các nước láng giềng...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét