Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2022

Tình hình thế giới, khu vực những năm qua tác động đến Việt nam

 


- Từ thập kỷ 80 của thế kỷ XX, CNXH hiện thực rơi vào thoái trào, các nước tư bản do điều chỉnh, thích ứng nên đã vượt qua một số khó khăn, phát triển. CNXH phải đổi mới, cải tổ để thoát khỏi khó khăn. Điều này thành xu thế khách quan ở nhiều nước XHCN.

 - Xu thế toàn cầu hóa và khu vực hóa nền kinh tế thế giới diễn ra với quy mô ngày càng lớn và nhịp độ cao đã thúc đẩy nhanh quá trình hội nhập của nước ta, cho phép nước ta  tranh thủ được các nguồn lực bên ngoài (vốn, công nghệ và thị trường) để phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, cũng đặt nước ta vào thế cạnh tranh quyết liệt bởi các nền kinh tế phát triển hơn trong khu vực và thế giới.

- Việt Nam và Hoa Kì bình thường hóa quan hệ từ đầu năm 1995 và nước ta đã trở thành thành viên của ASEAN từ tháng 7-1995. ASEAN đã trở thành một liên kết khu vực gồm 10 nước và là nhân tố quan trọng để thúc đẩy sự hợp tác toàn diện giữa các nước trong khối và với các nước ngoài khu vực.

Nước ta cũng tham gia vào Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), đẩy mạnh quan hệ song phương và đa phương. Từ tháng 1 năm 2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).  

Điều đó đã cho phép nước ta đẩy mạnh buôn bán, mở rộng hợp tác với các nước trong và ngoài khu vực; thực hiện các chính sách tăng cường thu hút đầu tư, chuyển giao KHKT, giao lưu văn hóa, hợp tác phát triển nguồn nhân lực, …. giải quyết các vấn đề về Biển Đông và sông Mê Công. Tuy nhiên, nước ta cũng chịu sự cạnh tranh bởi các nước trong khu vực trong sản xuất và xuất khẩu

 - Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại vào cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI trên thế giới cho phép nước ta tiếp thu các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, đi tắt đón đầu công nghệ, tận dụng các nguồn lực bên ngoài để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Điều đó cũng đặt ra thách thức về nguy cơ tụt hậu nếu chúng ta không nắm bắt cơ hội phát triển.

- Hòa bình, độc lập dân tộc, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, chủ đạo hiện nay trên thế giới.

- Khu vực Đông Nam Á, Châu Á- Thái bình Dương vẫn là khu vực phát triển năng động, nhưng tiềm ẩn nhièu tranh chấp, xung đột và đan xen lợi ích.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét