Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2022
Là cán bộ phải luôn coi trọng chữ “tâm”, phải “có tâm, có tầm” không làm tổn hại đến uy tín của Đảng, niềm tin của nhân dân
Trong Truyện Kiều của Đại văn hào Nguyễn Du có đề cập “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Chữ tâm có nhiều nghĩa, nhưng chung quy lại có thể thấy ý nghĩa chủ đạo của nó phản ánh đạo đức, nhận thức, suy nghĩ, tình cảm của con người (lương tâm, tâm trí, tâm hồn, tâm trạng, tâm can, tâm địa,…). Trong Phật giáo cũng luôn coi chữ “tâm” là phạm trù quan trọng, cơ bản, chủ đạo của con người “tâm dẫn đầu các pháp”. Một người vừa có đức, vừa có tài thì được gọi là “có tâm, có tầm”.
Trong quá trình tập trung sức người, sức của để phòng, chống đại dịch Covid-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đội ngũ bác sĩ, y sĩ ngành Y tế và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đã không quản ngại hy sinh, khó khăn, gian khổ có mặt nơi tuyến đầu “chống giặc” Covid-19. Nhiều doanh nghiệp ủng hộ hàng trăm, hàng chục tỷ đồng; nhiều người dân ủng hộ tiền; có cụ bà chống gậy mang theo mớ rau, chục trứng đến các chốt ủng hộ cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ kiểm soát dịch, v.v. Người ta gọi những người đó là có “tâm”. Trong dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, cánh nhà báo chúng tôi nhận được nhiều lời chúc “tâm sáng, bút sắc”, hàm ý chúc những người làm báo khi tác nghiệp phải có tâm, có đức, công tâm, khách quan và viết cho hay, cho sắc sảo, v.v.
Bàn về chữ “tâm”. Vừa qua, khi nói về lựa chọn nhân sự cho đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng thành công tốt đẹp, các chủ trương, chỉ tiêu, phương hướng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh,… được thảo luận kỹ, thống nhất cao. Nhắc lại trong công tác chuẩn bị nhân sự tham gia Ban Chấp hành khóa tới, chuyện cái "tâm" không được sáng cần phải bàn luận, đánh giá, xem xét lại. Vẫn có việc tranh thủ bổ nhiệm cấp tốc con, cháu vào các vị trí cao hơn để kịp tính chuyện tham gia nhân sự Ban Chấp hành khóa tới. Bởi tham quá, cái “tâm” không sáng dẫn đến mọi tính toán đã bị đổ bể, bị trượt.
Thiết nghĩ, “tâm, đức” của con người không phải là có sẵn, bất biến, mà phần lớn do tu dưỡng, rèn luyện mà nên. Như Bác Hồ từng nói: cán bộ phải rèn luyện đạo đức cũng như “Ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở khi đánh giá cán bộ phải thực tâm, “có con mắt tinh tường”: “đừng nhìn gà hoá cuốc”, “đừng thấy đỏ tưởng là chín”, đừng chỉ thấy “cái mã bên ngoài, nó che đậy cái sơ sài bên trong”. Khi mà cái “tâm” không sáng thì hành động ắt sẽ không thiện, thậm chí là “tối”. Thực tế có không ít trường hợp đầu nhiệm kỳ, khi mới nhận chức là người có tinh thần trách nhiệm cao, công tâm, gương mẫu, tâm huyết, tận tụy với công việc,... nhưng cuối nhiệm kỳ, nhất là khi chuẩn bị “hạ cánh”, lại “tự chuyển hóa”, nảy sinh những tính toán lợi dụng chức quyền để trục lợi, vun vén bổng lộc cho gia đình, làm giảm uy tín của cán bộ lãnh đạo chủ chốt, mà còn làm tổn hại đến uy tín của Đảng, niềm tin của nhân dân.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét