Trong những ngày đầu giành được chính quyền cách mạng, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vấn đề “kiến quốc” là nhiệm vụ vô cùng nặng nề, đòi hỏi phải tập hợp được những người có đức, có tài cùng “gánh vác” việc nước. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tầm nhìn chiến lược, tư tưởng hòa hợp, thân dân trong thu hút và trọng dụng nhân tài.
Kỷ niệm 77 năm ngày Quốc khánh (2.9.1945 - 2.9.2022), 53 năm
thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quan điểm trọng dụng nhân tài của
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh đất nước đang có
nhiều đổi mới hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện tầm nhìn chiến lược, tư tưởng
hòa hợp, thân dân trong thu hút và trọng dụng người tài. Từ các tác phẩm, bài
viết, bài phát biểu, cũng như cách xử lý công việc, cách ứng xử và phong cách của
mình, Người đã để lại nhiều di sản quý báu về cách dùng người nói chung, trọng
dụng người tài nói riêng, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng
định, “kiến quốc cần có nhân tài”, Người đã ra Thông lệnh Tìm người tài đức:
“Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu
đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến,
thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó
tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các
địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những
việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải
nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn
trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”.
Thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thu hút được nhiều
người có tài, đức vào sự nghiệp kiến quốc và bảo vệ đất nước, nhiều trí thức
tiêu biểu như Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Hoàng Minh Giám, Huỳnh
Thúc Kháng… đều được trọng dụng để phát huy tài năng phục vụ đất nước.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, với chính quyền non trẻ, để
tạo cho bộ máy nhà nước hoạt động tốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng lại các
viên chức, quan chức trong chính quyền cũ, như Tham tri Đặng Văn Hướng, Bộ trưởng
Thanh niên (Chính phủ Trần Trọng Kim) Phan Anh, cựu Tổng đốc Hà Đông Hồ Đắc Điềm,
cựu Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định, Khâm sai đại thần Bắc Bộ Phan Kế Toại, Ngự
tiền Văn phòng Đổng lý Phạm Khắc Hòe...
Một số trí thức nổi tiếng có tài và đức, có học vị, ở nước
ngoài tình nguyện trở về nước tham gia bảo vệ và kiến thiết đất nước, như: Trần
Đại Nghĩa, Lê Văn Thiêm, Lương Định Của, Đặng Văn Ngữ, Nguyễn Khắc Viện…
Những thay đổi to lớn trong thời kì mới ảnh hưởng trực tiếp
đến sự phát triển của đất nước, ảnh hưởng đến quá trình phát hiện, tuyển chọn,
sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ người tài. Đại hội XIII của Đảng yêu cầu
phải “đổi mới chế độ tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài trong quản lý, quản
trị nhà nước, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”.
Chính sách thu hút và trọng dụng người tài cần được quan tâm
phát triển tập trung vào mấy vấn đề cốt lõi là: phát hiện, nuôi dưỡng, bảo vệ
và phát triển người tài. Người tài cần phải được trọng dụng, được giao nhiệm vụ
xứng đáng và phù hợp với tài năng của họ; được tôn trọng, đánh giá đúng mức
thành quả lao động và được ghi nhận, tôn vinh.
Để làm được điều đó, trước tiên, cần hoàn thiện bộ máy nhà
nước đáp ứng được với những vấn đề về lý luận và thực tiễn, hướng tới sự ổn định
và phát triển kinh tế trong môi trường hội nhập quốc tế, đảm bảo bảo sự tham
gia của Nhân dân trong quản trị nhà nước, từng bước mở rộng đa chủ thể và chấp
nhận sự tham gia của các chủ thể ngoài nhà nước vào tiến trình quản lý sự phát
triển xã hội.
Thiết chế này đặt ra những yêu cầu cao đối với năng lực của
đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, đối với việc trọng
dụng người tài trong khu vực công.
Tiếp đến, cần phát triển chính sách trọng dụng người tài
trong nền công vụ, tập trung thu hút người tài trên các lĩnh vực ở trong và
ngoài nước tham gia hoạt động quản lý và chuyên môn sâu hướng tới sự phát triển
của đất nước.
Chính sách cần hướng đến trọng dụng người tài, tạo điều kiện
để họ thể hiện tài năng của mình trong các lĩnh vực như, quản lý nhà nước, các
lĩnh vực kinh tế, an ninh, quốc phòng và các lĩnh vực chuyên môn khác.
Với quan điểm đề cao tinh thần hòa hợp dân tộc, lấy lợi ích
quốc gia làm tối thượng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn sáng suốt trong trọng dụng
hiền tài. Người không chỉ thu hút, tập hợp mà còn phát huy được lòng nhiệt
tình, trí tuệ của hầu hết quan lại và trí thức người Việt trong và ngoài nước
có đức tài, có tinh thần yêu nước; có trình độ chuyên môn; có năng lực, kỹ năng
quản trị nền hành chính công quyền tham gia xây dựng, tổ chức bộ máy của chính
quyền cách mạng và công cuộc kháng chiến kiến quốc.
Muốn trọng dụng người tài thì người lãnh đạo, quản lý phải
biết chọn người và dùng người. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu người lãnh đạo,
quản lý phải biết sử dụng, trọng dụng người tài một cách hợp lý, nếu không sẽ
làm “thui chột” nhân tài.
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” năm 1947 (bút danh
XYZ), Người nhấn mạnh trong sử dụng cán bộ “phải khéo dùng người”. Khéo ở đây
là đánh giá đúng cán bộ để sử dụng cán bộ hợp tình, hợp lý phù hợp với năng lực
của họ; là để cán bộ “cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến, có gan phụ trách, có gan
làm việc”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét