Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2022
Xung đột ở Ucraina và bài học về độc lập, tự chủ và không liên minh
Thực tế cho thấy sống cạnh những người “khổng lồ” là không hề dễ và các quốc gia cũng không thể thay đổi được vị trí địa lý của mình. Khi lợi ích an ninh bị đe dọa, các nước lớn sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp để bảo vệ lợi ích của mình và trong bối cảnh khi luật pháp quốc tế chưa có một chế tài đủ mạnh để ngăn chặn chiến tranh thì các nước vừa và nhỏ phải tự bảo vệ lợi ích của mình bằng cách cân bằng quan hệ với các nước lớn thay vì liên minh quân sự.
Những ngày gần đây, cả thế giới tập trung sự chú ý vào “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ucraina. Với ưu thế về truyền thông, phương Tây ra sức chỉ trích hành động của Nga và cho rằng Tổng thống Vladimir Putin hành động quá khó lường. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế chúng ta thấy hành động của Tổng thống V. Putin không quá bất ngờ bởi Nga đã cảnh báo Mỹ và phương Tây về “lằn ranh đỏ” an ninh của Nga mà Nga không cho phép Mỹ và phương Tây bước qua nhưng phương Tây đã phớt lờ và không coi trọng tiếng nói của Nga.
Nhìn vào cuộc xung đột hiện nay ở Ucraina, mỗi người sẽ có một suy nghĩ và cảm nhận khác nhau. Tuy nhiên, điều mà tất cả mọi người đều thấy đó là hậu quả của chiến tranh, thương vong của các bên tham gia và sự lo lắng, bất an về an ninh và phát triển của thế giới trong những năm tới. Trước hết, xung đột đã tàn phá nghiêm trọng cơ sở vật chất của Ucraina, số thương vong cụ thể thì chưa xác thực nhưng số người phải sơ tán khỏi những khu vực chiến sự và tạm lánh nạn ở các nước xung quanh đã lên tới hơn 4 triệu người và khoảng 6,48 triệu người sơ tán bên trong lãnh thổ Ucraina. Về phía Nga, với các lệnh trừng phạt, cấm vận về kinh tế của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga đã khiến đồng Rup mất khoảng 40% giá trị, giá hàng hóa leo thang, đời sống của người dân trở nên khó khăn.
Đối với châu Âu - nơi phụ thuộc khá lớn vào thị trường nhập khẩu năng lượng từ Nga thì các lệnh trừng phạt cấm vận dầu mỏ, khí đốt nhằm vào Nga sẽ khiến lạm phát ở nhiều nước châu Âu lên cao, đời sống người dân khó khăn. Căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và phương Tây đang đặt châu Âu vào trạng thái bất ổn về an ninh. Nỗi lo về chiến tranh, xung đột bao phủ châu Âu. Còn đối với thế giới, xung đột sẽ làm cho tăng trưởng kinh tế thế giới chậm hơn, gián đoạn thương mại và lạm phát cao hơn. Hậu quả trước mắt thì đã rõ, còn về lâu dài thì hậu quả sẽ rất khó lường. Chưa ai có thể hình dung ra bức tranh toàn cảnh thế giới trong những năm tới sẽ như thế nào nhưng có một điều chắc chắn đó là màu tối sẽ là gam màu chủ đạo của bức tranh ấy.
Hậu quả của xung đột là thế, vậy còn nguyên nhân của xung đột là gì? Mỗi người sẽ có những câu trả lời rất khác nhau nhưng suy cho cùng thì đó là hệ quả của sự lựa chọn chính sách. Có câu nói rằng: các quốc gia không thể tự lựa chọn láng giềng của mình nhưng có thể tự lựa chọn chính sách. Mỹ và phương Tây luôn giữ thái độ thù địch với Nga trong khi NATO không ngừng mở rộng về phía Trung và Đông Âu, ngày càng tiến sát tới biên giới nước Nga và Ucraina và vùng đệm cuối cùng giữa Nga và NATO. Trong khi đó, Ucraina lại lựa chọn tham gia vào NATO - điều khiến cho Nga lo lắng về an ninh quốc gia. Bị đặt vào tình thế bắt buộc, Nga đã lựa chọn giải pháp bảo vệ an ninh bằng hành động quân sự. Sự lựa chọn của Nga chính là hệ quả từ chính sách của phương Tây. Xung đột ở Ucraina sẽ tạo ra một trật tự thế giới mới - một trật tự khác với tính toán của Mỹ và phương Tây.
Về bản chất, xung đột ở Ucraina hiện nay không phải là cuộc chiến giữa Nga và Ucraina mà đây là cuộc chiến của các nước lớn. Với vị trí địa - chính trị, địa - quân sự đặc biệt quan trọng ở châu Âu, Ucraina đã rơi vào vòng xoáy của cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Nga với Mỹ và NATO. Và sự tính toán của Ucraina đã khiến lãnh thổ của nước này trở thành nơi diễn ra cuộc chiến ủy nhiệm giữa Nga với Mỹ và phương Tây. Việc Ucraina chủ trương gia nhập NATO cho thấy Ucraina có lẽ đã bị lôi kéo bởi của Mỹ và phương Tây nhằm thực hiện âm mưu bao vây và kiềm chế Nga. Hành động quân sự của Nga cho thấy đối với các nước vừa và nhỏ thì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ là điều đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với vận mệnh quốc gia. Với vị trí địa - chiến lược quan trọng của mình, Việt Nam cũng đã từng là địa bàn cạnh tranh quyết liệt của các nước lớn và hiện nay vẫn tiếp tục nằm ở khu vực cạnh tranh chiến lược của các nước lớn, Việt Nam cần phải kiên trì, nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, tránh để bị lôi kéo vào các cuộc cạnh tranh quyền lực của các nước lớn.
Về chính sách không liên minh, trong Sách trắng quốc phòng Việt Nam năm 2019, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã khẳng định: “Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác”[1]. Thực tế cho thấy sống cạnh những người “khổng lồ” là không hề dễ và các quốc gia cũng không thể thay đổi được vị trí địa lý của mình. Khi lợi ích an ninh bị đe dọa, các nước lớn sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp để bảo vệ lợi ích của mình và trong bối cảnh khi luật pháp quốc tế chưa có một chế tài đủ mạnh để ngăn chặn chiến tranh thì các nước vừa và nhỏ phải tự bảo vệ lợi ích của mình bằng cách cân bằng quan hệ với các nước lớn thay vì liên minh quân sự.
Trong quan hệ với các nước lớn, không được nghiêng về phía bất kỳ nước lớn nào và cũng không nên ảo tưởng là có thể dựa vào các nước lớn để bảo vệ lợi ích của mình. Trên thực tế, Tổng thống Ucraina - Volodymyr Oleksandrovych Zelensky đã sai lầm khi tin tưởng vào sự can dự của Mỹ và phương Tây để bảo vệ Ucraina. Khi ông Zelensky kêu gọi Mỹ và phương Tây ủng hộ thì điều mà Mỹ và phương Tây đã làm là viện trợ vũ khí, khí tài để Ucraina chống Nga và tuyên bố không can dự sâu hơn. Xung đột ở Ucraina hiện nay là bằng chứng rõ ràng và mạnh mẽ để chúng ta bác bỏ những luận điệu kêu gọi Việt Nam liên minh quân sự.
Có thể nói cuộc khủng hoảng tại Ucraina hiện nay càng củng cố thêm niềm tin vững chắc của nhân dân ta vào đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng và chính sách không liên minh. Đường lối này không chỉ phù hợp với truyền thống ngoại giao của Việt Nam mà còn phù hợp với thực tiễn chính trị thế giới hiện nay. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của các nước lớn ở nhiều khu vực trong đó có Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương, thì việc chúng ta cần làm là đoàn kết, thống nhất và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập và chủ quyền quốc gia hiện nay.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét