Rồi bà giới thiệu tên Nguyễn Thị Sơn, 72 tuổi, hiện trú tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Từ khi về hưu, niềm đam mê của bà là được nghiên cứu tài liệu về cuộc đời, sự nghiệp các tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Dù đôi chân đã yếu vì bị thoái hóa khớp nhưng bà vẫn chủ động bắt xe buýt đến tham quan triển lãm. Bà Sơn bày tỏ: “Nếu không biết cấy thì sao Đại tướng Nguyễn Chí Thanh lại xuống ruộng cùng bà con? Cũng giống như Bác Hồ một lần về địa phương đã xắn quần tát nước nhưng Bí thư của tỉnh đó lại không biết tát nước. Thế là Bác đã nói một câu thấm thía: “Chú làm Bí thư một tỉnh nông nghiệp mà không biết tát nước thì làm sao chú đến với dân và gần dân được?”.

<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src="https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2021/08/11/linh/bannerv2.png" class="vllogo"></a>
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cấy lúa cùng xã viên Hợp tác xã Chiến Thắng (xã Lý Ninh, huyện Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) vào tháng 1-1962. Ảnh tư liệu 

Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cương vị nào, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng gần với đời sống của nhân dân. Trong trang phục bộ quần áo bà ba giản dị, chiếc cặp đựng tài liệu màu nâu, Đại tướng đã đến nhiều nông trường, trang trại, xưởng cơ khí, ty thương nghiệp... để lắng nghe người dân. Tuy thời gian làm Trưởng ban Công tác Nông thôn Trung ương không dài nhưng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã có những cống hiến quan trọng, góp phần tạo nên luồng gió mới trên đồng ruộng miền Bắc, góp phần xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Một trong những khoảnh khắc gây xúc động với lớp hậu thế là hình ảnh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đang khom lưng cấy lúa cùng bà con. Ít ai biết rằng, đằng sau hình ảnh này là một câu chuyện thú vị.

Theo cuốn “Những câu chuyện về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh”, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, quý IV-2023, viết: Một lần về công tác ở Quảng Bình, khi ô tô đi ngang qua cánh đồng đang vào vụ cấy, ông Thanh thấy một đám các bà, các chị lấy dây gai căng hàng ngang dưới ruộng để cấy lúa. Ông dừng xe, bước xuống vệ đường chống hai tay ngang hông, nói to:

 - Cấy thẳng hàng hè!

- Do có chăng dây gai nên mới thẳng thế đấy ạ!

 - Vậy không có dây gai liệu có thẳng hàng không?

- “Cấy có chăng dây cho nhanh, thẳng mà năng suất cao. Ông ở trên thì biết gì”. Có bà nói thêm vào: “Ông giỏi thì xuống mà cấy”.

Ông Thanh xắn quần, lội xuống ruộng cấy thật. Các cô, các bà vẫn căng dây, còn ông thì cấy không. Xung quanh mọi người phấn khích reo hò, cổ vũ rất nhiệt tình. Cuối cùng, ông cấy chậm hơn lại không thẳng hàng. Lên xe, ông nói với thư ký cùng người lái xe: “Ồ, có cải tiến kỹ thuật vẫn hơn các chú ạ!”.

Thấy được hiệu quả năng suất của cấy lúa thẳng hàng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã phát động Phong trào “Cấy lúa thẳng hàng, nâng cao năng suất” trên toàn miền Bắc.

Hình ảnh cấy lúa của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sau đó đã tạo cảm hứng để người dân hăng hái lao động sản xuất. Sau đó, nhạc sĩ An Chung đã viết bài hát “Đường cày đảm đang”, với những giai điệu gắn liền với hình ảnh cấy lúa của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: “Từ ngày anh đi việc đồng em giỏi giang/ Ruộng cấy chăng dây cây lúa thẳng hàng/ Đào đắp mương dẫn nước quanh làng/ Tiếng hát ba đảm đang...”.