Thứ Ba, 23 tháng 1, 2024
Bệnh hình thức khiến con người bị mê hoặc và hủy hoại nền tảng tinh thần xã hội
Không ngẫu nhiên mà Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra rằng, phải “kiên quyết khắc phục bệnh hình thức”, vì đây là những biểu hiện lệch chuẩn văn hóa, lệch chuẩn đạo đức.
Đã nói đến lệch chuẩn giá trị văn hóa có nghĩa là đã chỉ ra nguy cơ lâu dài cho sự phát triển bền vững của đất nước, dân tộc. Do đó, việc nhận diện, phê phán, khắc phục bệnh hình thức cần phải được coi là một trong những việc làm cấp bách hiện nay nhằm giữ gìn nền tảng tinh thần lành mạnh cho quốc gia và thể chế chính trị-xã hội.
1. Mong muốn có vẻ ngoài đẹp đẽ, hấp dẫn người khác là một khao khát chính đáng của con người. Nhu cầu trang điểm, làm đẹp xuất hiện. Ban đầu nó là một nhu cầu tâm lý lành mạnh, hướng tới cái đẹp. Đó là nhu cầu được hơn cái phần tự nhiên vốn có, đầu tiên là ở bề ngoài, là vẻ hấp dẫn người khác. Ở cây cối hay loài vật cũng có nhu cầu hấp dẫn đối tượng nhưng chỉ có ở con người điều đó mới được thực hành một cách có ý thức, có kỹ năng. Đó cũng là một phần của cuộc sống. Nó bắt đầu từ con người, từ khát vọng hướng tới cái đẹp. Từ con người, sự việc mở rộng ra những gì liên quan đến con người. Từ chuyện của cá nhân mở rộng ra phạm vi xã hội.
Từ khởi đầu là tâm lý, dần dần vượt ra khỏi khuôn khổ, muốn vươn tới cái ngoài mình, lớn hơn, không có của mình nhưng có thể đem lại cho mình lợi ích. Cũng vẫn là cho con người nhưng chuyện “làm đẹp” từ chuyện của cá nhân đã dần dần mở ra các hoạt động khác, liên quan đến người khác ở phạm vi rộng lớn hơn. Rồi từ những vẻ đẹp tự nhiên ban đầu, nhu cầu ấy mở dần ra những lĩnh vực khác như danh tiếng, địa vị, tiền tài... Nhưng mở đến đâu là vừa, theo hướng nào là phù hợp, làm thế nào là thiết thực là vấn đề của nhận thức, là những giá trị văn hóa.
Cùng với sự vận động và biến đổi trong quá trình “xã hội hóa”, khao khát ban đầu đã bị biến đổi dần theo hướng vụ lợi. Đầu tiên là danh rồi từ danh sinh ra lợi, từ nhu cầu ban đầu ít gắn với giá trị kinh tế, lợi ích vật chất dần dần khao khát ấy ngày càng tỏ ra thích ứng với những đam mê vật chất hơn. Thế cho nên, từ xa xưa người ta đã phải đề ra những nguyên tắc, tiêu chuẩn mang tính đạo đức rồi sau đó là pháp lý để hạn chế những việc đi quá giới hạn này.
Khi vượt qua những giới hạn đạo đức và pháp luật, nhu cầu “được hưởng nhiều hơn những thứ cá nhân ấy có” trở thành một khuyết tật không chỉ của cá nhân nữa mà là của cộng đồng. Nó trở thành căn bệnh của cả cá nhân và xã hội. Một khi thói háo danh, chuộng hình thức trở nên quá đà sẽ thành một mối nguy cơ cho xã hội vì nó làm lệch lạc giá trị tinh thần của xã hội. Người xưa đúc kết “Y phục xứng kỳ đức” và “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là để nhắc nhở con người đừng quá đà mà mắc sai lầm khi đề quá cao hình thức, chạy theo hình thức mà quên mất cái thực chất, cái quyết định nên giá trị sự vật là ở chính cái phần nội dung của nó.
2. Nhìn lại lịch sử dân tộc có thể thấy một bài học xương máu: Khi nào bệnh hình thức trở thành một “quốc nạn” thì đất nước sẽ lao đao. Vua chúa, quan lại đua đòi ăn chơi, đám người có của coi sự hơn người về dinh thự, tiền bạc, quyền lực, danh vọng thể hiện “đẳng cấp” xã hội của họ sẽ dẫn đến sự suy thoái của dân khí, sẽ làm suy yếu sức mạnh quốc gia.
Hưng Đạo Đại vương từng phải khuyến cáo tướng sĩ ở thời bình đừng quên những ngày gian khổ chiến tranh, đừng mải nghĩ đến chuyện vui chơi mà sao nhãng luyện tập vì điều đó liên quan đến chuyện thắng thua, còn mất không chỉ của cá nhân họ mà còn của quốc gia. Nguyễn Trãi cũng từng mắng Lương Đăng khi được giao lo chuyện lễ lạt ở tầm quốc gia chỉ chăm chú vào tiêu khiển, ăn chơi, làm đẹp lòng vua quan mà quên đi sứ mệnh của người làm nghề.
Đưa ra mấy ví dụ nhỏ thế để muốn nói rằng thói chạy theo cái bề ngoài, hoặc nghiêm trọng hơn là căn bệnh hình thức vốn gắn với những nhận thức chưa đúng của con người có thể gây hại cho chính con người và xã hội.
3. Nhu cầu làm đẹp là nhu cầu tự nhiên của con người nhưng khi nhu cầu ấy trở thành “bệnh” thì nó đã biến dạng sang một cấp độ khác. Thời xưa đã thế, thời nay cũng thế. Thể chế xã hội nào cũng có những nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp để cho “bệnh” hình thức xuất hiện. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng căn bệnh tệ hại này bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân.
Chủ nghĩa cá nhân bắt nguồn từ đề cao cá nhân mình, vọng tưởng về vị trí và quyền lực của mình, cho mình có quyền ban phát chân lý và đứng cao hơn tất cả, kể cả luật pháp nên mọi thứ cá nhân ấy làm “chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể”.
Bệnh hình thức bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân - lối sống chỉ mưu lợi cho cá nhân và đồng bọn. Nó có thể làm suy yếu xã hội, gây ra nguy cơ cho một đơn vị, cộng đồng, thậm chí quốc gia. Bởi như Bác Hồ từng cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân
Như vậy, bệnh hình thức không chỉ là một căn bệnh thuộc về đạo đức cá nhân nữa mà nó là biểu hiện sự tha hóa của cá nhân, một tổ chức chính trị. Nó là nguồn gốc của thói vị kỷ, là nguồn gốc sinh ra căn bệnh chủ nghĩa cá nhân. Căn bệnh này, ở các mức độ nặng nhẹ khác nhau tồn tại song song với sự tồn tại của con người nên để tránh nó, con người phải luôn đấu tranh với nó để làm lành mạnh xã hội
Cuộc đấu tranh này không chỉ nhìn từ góc nhìn đạo đức mà trước hết phải từ những chủ trương, đường hướng đúng đắn, được cụ thể ra bằng những điều luật, cơ chế, bằng những biện pháp tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả ở mọi cấp độ, đặc biệt ở góc độ nêu gương, tu thân.
Việc này không thể giao cho một tổ chức chính trị - xã hội hay một ngành nào quản lý, thực hiện mà phải làm đồng bộ, liên tục, quyết liệt. Cái đích của nhiệm vụ này không phải chỉ là nhằm giải quyết một vấn đề nảy sinh trong một thời điểm nào đó của xã hội mà nó đòi hỏi phải làm thường xuyên, đồng bộ, liên tục, quyết liệt. Ở bình diện phát triển xã hội bền vững, đích của nó là dân khí quốc gia, là nền tảng tinh thần của sự phát triển, là bảo đảm cho một xã hội phồn vinh và hạnh phúc.
Vì vậy mà Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra, phải “kiên quyết khắc phục bệnh hình thức” vì đây là những biểu hiện lệch chuẩn văn hóa, lệch chuẩn đạo đức. Đã nói đến lệch chuẩn giá trị văn hóa có nghĩa là đã chỉ ra nguy cơ lâu dài cho sự phát triển bền vững của đất nước, dân tộc.
4. Nhìn vào thực trạng xã hội hiện nay, chúng ta không khỏi lo lắng vì căn bệnh hình thức, phô trương không còn là của cá nhân, không chỉ là căn bệnh đua đòi, chướng tai gai mắt mà đã ăn sâu vào ý thức của một bộ phận không nhỏ của xã hội, có trường hợp đã bộc lộ ra ở tầm chính sách. Nó không còn là chuyện hình thức vặt, hào nhoáng nhất thời mà là một phần của sự suy thoái, băng hoại nhân cách cán bộ, đảng viên, nguyên tắc tổ chức, lạm dụng chính sách gây ra những tổn hại lớn cả về kinh tế lẫn nền tảng tinh thần của xã hội
Khi người ta cố tình hiểu sai một đường lối đúng đắn để phát triển đất nước với mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài nên đã ồ ạt mở các trường đại học mới, nhất loạt nâng cấp các cơ sở cao đẳng lên đại học. Cơ cấu ngành nghề sai, thực lực đội ngũ giáo viên yếu, cơ sở vật chất thiếu thốn, năng lực người học không đáp ứng được yêu cầu tiếp nhận tri thức... nhưng để có thành tích, việc “vơ bèo vạt tép” cho đủ chỉ tiêu được giao đã diễn ra ở nhiều nơi.
Chỉ tiêu này gồm cả danh và lợi: Trường đại học thu hút nhiều người học, hoàn thành trách nhiệm xã hội, uy tín trường được nâng cao, thu nhập của trường tăng, cán bộ quản lý ngành được ghi nhận là có tầm nhìn... Nhưng hệ quả của quá trình này là trong khoảng hai chục năm qua chúng ta đã cấp bằng cấp thật cho nhiều đối tượng đào tạo “nửa thật, nửa giả”, khiến nhiều sản phẩm của quá trình đào tạo này dở thầy, dở thợ.
Tệ sính bằng cấp, chuộng hư danh... đã làm nảy sinh những cuộc “chạy marathon” bằng cấp, học vị. Nhiều “lò ấp” đã đẻ ra những người có học vị tiến sĩ nhưng thực ra rất khó dùng họ vào việc gì. Rồi nhờ tiền bạc, quan hệ, họ “chui” vào cơ quan nhà nước. Số cán bộ này khiến cho nhiều cơ quan nhà nước bị xuống cấp cả ở năng lực chuyên môn lẫn ý thức nghề nghiệp. Họ lũng đoạn cơ quan nơi họ được sử dụng, có khi ngồi ở vị trí lãnh đạo, điều hành. Nhiều ban lãnh đạo của nhiều địa phương, cơ quan, tổ chức xã hội vi phạm khuyết điểm, vi phạm pháp luật đã bị xử lý.
Chất lượng giáo dục phổ thông cũng chịu sự “tàn phá” của thói giả dối, bệnh thành tích. Một bộ phận người lớn đã làm hỏng nhiều người trẻ bằng những lựa chọn lệch chuẩn của mình. Nguy cơ không phải chỉ đối với cá nhân đứa trẻ mà là với cả một thế hệ, ở hướng đi, ở nhận thức quyền lợi và trách nhiệm công dân trước các vấn đề xã hội. Những chuyện vi phạm pháp luật trong tuyển sinh, tuyển chọn cán bộ ở nhiều cơ quan, nhiều cấp bậc từ thấp đến cao, ở mọi địa phương là hồi chuông báo động cho tình trạng này.
Thời gian qua, người ta thấy khá nhiều vụ lùm xùm xung quanh suy tôn các danh hiệu, giải thưởng cao quý, kể cả giải thưởng cấp nhà nước về khoa học - công nghệ, văn học-nghệ thuật. Đây là sự tôn vinh các giá trị tinh thần trước đây vốn được coi là cao quý “không gì mua được” vì nó thuần túy là sự tôn vinh những giá trị đích thực. Thế nhưng những kiện tụng, ì xèo, thậm chí bị tước danh hiệu đã xảy ra-điều mấy chục năm về trước chưa hề có.
Còn các danh hiệu “kỷ lục này nọ” thì không ít trường hợp gây ra sự nhạo báng của xã hội. Nó bị biến thành phương tiện để mua danh, để đánh bóng cá nhân. Nhiều lúc dư luận xã hội chê cười việc làm ấy nhưng sau khi sự phê phán về mặt đạo đức xã hội chìm xuống, không có cơ quan nào xử lý về mặt pháp luật hay hành chính thì trong hồ sơ của họ vẫn nghiễm nhiên tồn tại những danh hiệu này. Người ta nói đến khá nhiều những danh hiệu không xứng đáng là “danh hiệu của các hội đồng” chứ không phải là giá trị đích thực.
5. Căn bệnh háo danh, chạy theo hình thức tưởng nhỏ mà không nhỏ. Từ góc độ đạo đức, nếu nó là của cá nhân thì tác hại không thật lớn nhưng nếu nó bị thổi lên như là căn bệnh của một thời thì rất nguy hiểm. Vì như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, nó có nguồn gốc của chủ nghĩa cá nhân mà chủ nghĩa cá nhân thì không bao giờ đem lại điều gì tích cực cho xã hội.
Nó chỉ mang ý nghĩa tiêu cực, chỉ phá hoại và khi ở mức cao nhất, nó có thể gây ra sức mạnh hủy hoại nền tảng tinh thần của một quốc gia. Sự nguy hiểm của chủ nghĩa cá nhân là nó luôn khoác cái áo vì tập thể, vì tương lai, vì cộng đồng nên nó vẫn có thể mê hoặc con người. Nguy hiểm hơn là khi vẫn có những tổ chức và cá nhân có quyền lực là bệ đỡ cho nó.
Do vậy, cần nhận thức thấu đáo về mối nguy hại của căn bệnh này và phải có những biện pháp thật sự nghiêm khắc để phòng ngừa, chữa trị và đẩy lùi căn bệnh hình thức, phô trương trong xã hội nói chung, trong bộ máy công quyền nói riêng.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét