Thứ Ba, 23 tháng 1, 2024

Điều trị "căn bệnh" đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm

Trong kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) phát biểu tranh luận tại hội trường ngày 31-5-2023 cho rằng: Hiện tượng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm là có, đã có từ rất lâu rồi và đến hiện tại, tình trạng này dường như nặng và phức tạp hơn. Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Ngô Trung Thành thì nhấn mạnh: “Bệnh” đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm do sợ sai của cán bộ giờ không chỉ phổ biến ở các địa phương mà đã lây lan lên cấp Trung ương và tiếp tục lan rộng từ khu vực công đến khu vực tư. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn và yêu cầu cán bộ, đảng viên phải “hết sức nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhiệm vụ, công việc được giao, dù là việc lớn hay việc nhỏ, việc đơn giản hay phức tạp, nhiệm vụ bình thường hay quan trọng, bí mật”. Vì vậy, hiện tượng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm là đi ngược với lời dạy của Bác Hồ. Từ lâu, hiện tượng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm đã được Ðảng, Nhà nước nhận diện, chỉ rõ và đưa vào trong các văn bản chính thức của Đảng, Nhà nước. Đó là, tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu. Thường gặp ở những cán bộ có bổn phận thực thi, giải quyết những vấn đề, những công việc thuộc phạm vi mình phụ trách nhưng lại trốn tránh trách nhiệm, tìm cách đẩy sang cho người khác, đẩy lên cấp trên, hoặc đẩy xuống cấp dưới... Qua nghiên cứu, theo dõi chúng tôi cho rằng, những cán bộ, công chức mang “căn bệnh” này thường phân thành hai nhóm: Thứ nhất, những cán bộ có hiểu biết, nhưng lại sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm. Thứ hai, cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm, cán bộ không muốn làm vì không có lợi ích gì. Nhóm thứ nhất thì có thể khắc phục được ngay. Vì từ trước đến nay, trong bất kỳ thời điểm nào hay ở bất kỳ cơ quan, đơn vị, địa phương nào cũng tồn tại một số ít cán bộ có bản chất như vậy. Vấn đề là cơ quan, đơn vị, địa phương đó có nhận diện được hay không và khi nhận diện được thì xử lý thế nào? Đối với nhóm thứ hai, đây là nhóm cán bộ chiếm khá đông trong số cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm. Đây là trở lực lớn nhất gây tắc nghẽn công việc trong toàn hệ thống, khiến việc giải quyết nhiều công việc chính đáng của người dân, doanh nghiệp bị đình trệ, làm kìm hãm sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Vì vậy, cần bắt cho đúng “bệnh” để có những phương thuốc đặc trị. Theo chúng tôi, “căn bệnh” đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm xuất phát từ những nguyên nhân sau: Về khách quan, pháp luật Nhà nước có những điểm thiếu cụ thể, chưa đồng bộ; một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, nhất là các văn bản dưới luật còn thiếu tính đồng nhất, khó thực hiện; chưa có quy định trách nhiệm rõ ràng và quy định cụ thể về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Thêm một lý do nữa là công tác thanh tra, kiểm tra của Đảng, Nhà nước ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả, cùng với tinh thần chống tham nhũng, tiêu cực “không có ngoại lệ, không có vùng cấm, bất kể người đó là ai” mà Đảng, Nhà nước đã và đang tiến hành công khai quyết liệt và ngày càng hiệu quả những năm qua... làm cho những cán bộ này sợ trách nhiệm, không dám làm hoặc đùn đẩy. Về chủ quan, “căn bệnh” này sinh ra từ nhận thức về quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, ý thức về vị trí công tác, về vai trò, trách nhiệm của một số cán bộ, công chức chưa cao. Xét đến cùng, căn bệnh này sinh ra do thiếu trách nhiệm, nhưng cũng có những trường hợp là một bộ phận cán bộ năng lực hạn chế, trình độ hạn chế, do vậy, việc nắm bắt các quy định của pháp luật cũng hạn chế nên làm việc gì cũng sợ sai, dẫn đến né tránh hoặc đùn đẩy. Một bộ phận khác không phải do trình độ, năng lực hạn chế, nhưng không muốn làm vì không có lợi ích gì... Chữa dứt “căn bệnh” đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm đồng nghĩa với việc xóa bỏ được những cản trở để đất nước ta phát triển nhanh và bền vững, vì vậy cần làm tốt một số vấn đề sau: Thứ nhất, từ góc độ vĩ mô, Đảng, Nhà nước cần hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật; tập trung rà soát bất cập, sửa đổi những quy định, nhất là các quy định pháp luật có liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức theo hướng rõ ràng, minh bạch, đồng bộ, thống nhất, không chồng chéo, mâu thuẫn; có hành lang pháp lý bảo vệ, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu khó khăn, dám đột phá vì lợi ích chung. Công tác đánh giá cán bộ cũng cần phải được đổi mới, cách đánh giá cần giúp người được giao việc, nhất là việc mới, việc khó vững tâm tin rằng, nếu mình làm vì lợi ích chung thì sẽ được nhìn nhận, đánh giá đúng. Bên cạnh đó, những trường hợp cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền thì phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan theo đúng quy định. Kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc Thứ hai, hiện nay, phát triển kinh tế của nước ta theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu, với tốc độ nhanh nên có thể các văn bản quy phạm pháp luật có chỗ còn chưa theo kịp với thực tiễn, vì vậy cũng có thể dẫn đến cái sai của cán bộ. Nếu như cái sai nào của cán bộ đều bị quy trách nhiệm một cách cứng nhắc, quan liêu, thậm chí là hình sự hóa nó thì dễ dẫn tới hiện tượng sợ trách nhiệm và không dám làm trong đội ngũ cán bộ. Vì vậy, cần quyết tâm không hình sự hóa quan hệ kinh tế đơn thuần; khoan hồng với những vi phạm có tính chất khách quan, không vụ lợi cá nhân, không tham ô, tham nhũng, đồng thời sớm thể chế hóa Kết luận 14 của Bộ Chính trị về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Chúng tôi thiết nghĩ, ý kiến này được cho là “liều thuốc đặc trị” cho tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm hiện nay. Thứ ba, gần 3 năm qua là giai đoạn Đảng ta quyết liệt thực hiện các giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng, bộ máy Nhà nước và các địa phương. Thế nên có quan điểm cho rằng, việc chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua "gắt quá" nên cán bộ, đảng viên sợ vi phạm pháp luật, sợ “vào lò” mà... không dám làm. Chúng ta không thể đồng tình với quan điểm này. Bởi vì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Do đó, chống tham nhũng là việc phải làm cương quyết, thường xuyên, liên tục, như rửa mặt, như cơm ăn, nước uống hằng ngày. Tinh thần chống tham nhũng, tiêu cực “không có ngoại lệ, không có vùng cấm, bất kể người đó là ai” cần phải tiếp tục bền bỉ hơn nữa. Mọi vi phạm kỷ luật của Đảng phải được xử lý theo quy định của Đảng, mọi vi phạm pháp luật đều phải xử lý theo quy phạm pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình xử lý cũng cần phải phân tích từng trường hợp, từng sự việc một cách khoa học, cụ thể, xem xét kỹ cả yếu tố khách quan, chủ quan, công bằng, công minh, có lý, có tình để dân phục, dân tin và bản thân người bị xử lý kỷ luật cũng tâm phục, khẩu phục. Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát, trong đó có giải pháp kiểm soát việc thực thi quyền lực của người đứng đầu; xác định, làm rõ trách nhiệm của tập thể và gắn trách nhiệm cá nhân, cá thể hóa trách nhiệm trong từng công đoạn giải quyết công việc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII để mỗi cán bộ, đảng viên thấy được trách nhiệm của mình, ủy ban kiểm tra các cấp cũng làm hết trách nhiệm của mình. Đây được xem là giải pháp lớn, hiệu quả phòng, chống “căn bệnh” đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của cán bộ, đảng viên hiện nay Thứ năm, phát huy vai trò gương mẫu về mọi mặt của người đứng đầu. Thủ trưởng phải thật sự tiên phong, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, sai trái; công tâm, công bằng, thật sự là trung tâm, hạt nhân đoàn kết; trọng dụng người tài, biết trân trọng, lắng nghe các ý kiến đóng góp, thậm chí là các ý kiến khác biệt. Đồng thời, phải quyết liệt xử lý những người không làm được việc hoặc đùn đẩy, sợ sai, né tránh trách nhiệm. Có như vậy mới khắc phục triệt để được “căn bệnh” đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của cán bộ, đảng viên hiện nay.Thực tế cho thấy, vai trò của người lãnh đạo, người đứng đầu rất quan trọng. Bởi vì hiện nay, có nhiều việc không phải cán bộ không làm được, nhưng có thể còn nhiều lý do khiến họ e ngại, trong đó có lý do là sự bảo vệ, tin tưởng của người đứng đầu. Do đó, người đứng đầu nhất thiết phải có bản lĩnh chính trị, đồng thời phải có kiến thức lý luận và thực tiễn sâu sắc để làm điểm tựa cho cán bộ của mình, tin tưởng, khuyến khích họ thực hiện nhiệm vụ. Tóm lại, “căn bệnh” đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của cán bộ, đảng viên hiện nay là một trong những trở lực to lớn đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung, từng cơ quan, đơn vị, địa phương nói riêng. Trên cơ sở nhận thức rõ tình trạng này, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp thể hiện trong nhiều văn bản chính thức của Đảng, Nhà nước nhằm nhanh chóng khắc phục tình trạng trên, thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững đất nước. Dưới góc độ mỗi cán bộ, đảng viên, hơn lúc nào hết, các công bộc của nhân dân cần chấm dứt ngay việc đùn đẩy, nể nang, né tránh trách nhiệm, thay vào đó là tiên phong, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung, vì sự phát triển của đất nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét