Cảnh giác trước luận điệu “tự do học thuật” phi giai cấp
Theo nhiều học giả phương Tây, “tự do học thuật” được hiểu là “tự do của một người trong việc giảng dạy và nghiên cứu nhằm tìm kiếm sự thật không giới hạn mà không gặp phải nỗi sợ hãi về hình phạt hay mất việc vì đã xâm phạm một quan điểm chính thống về chính trị, tôn giáo hay xã hội”; hay “Tự do học thuật là sự tự do của người dạy và người học trong việc dạy, học, tìm hiểu kiến thức và nghiên cứu mà không có sự can thiệp hay giới hạn vô lý của pháp luật, nội quy hay áp lực công cộng”.
Những quan điểm đó đang được các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị chống phá cách mạng Việt Nam cổ xúy, tung hô. Cùng với đó, họ tổ chức “hội thảo khoa học” bàn về vấn đề này và kêu gọi học sinh, sinh viên Việt Nam đấu tranh cho cái gọi là “đòi quyền tự do học thuật”.
Theo những quan điểm trên thì giáo dục phải đứng ngoài chính trị, nhà nước và giai cấp cầm quyền không được quy định về nội dung giáo dục hay truyền bá, lồng ghép tư tưởng chính trị của mình vào việc đào tạo ra những thế hệ chủ nhân tương lai để bảo vệ quyền và lợi ích của chính giai cấp họ.
Tuy nhiên, quan điểm “tự do học thuật” theo ý nghĩa trên chưa bao giờ tồn tại trong xã hội có giai cấp và đối kháng giai cấp. Kể từ khi chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất ra đời, giai cấp chủ nô đã xem giáo dục là công cụ để thực hiện mục đích chính trị và bảo vệ nền chính trị, họ đã lợi dụng những tôn giáo có tầm ảnh hưởng lớn để thâu tóm quyền lực, lợi dụng kinh thánh, giáo lý của các tôn giáo này để mị dân, ru ngủ, thủ tiêu tinh thần, ý chí phản kháng của quần chúng nhân dân nhằm bảo vệ quyền lợi cho giai cấp mình.
Sang thời kỳ phong kiến, tầng lớp vua quan, quý tộc, địa chủ đã tìm mọi cách để nhồi nhét vào đầu óc của quần chúng nhân dân tư tưởng “trung quân” (trung với vua); trong dạy học và giáo dục thì coi trọng truyền bá cho người học những tư tưởng xem vua là thiên tử, “lệnh vua là mệnh trời”, “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”.
Trong thời kỳ tư bản chủ nghĩa, sau khi lợi dụng được quần chúng nhân dân lật đổ chế độ phong kiến, giai cấp tư sản lại một lần nữa ra sức lợi dụng kinh thánh, giáo lý của những tôn giáo lớn hoặc thông qua nền giáo dục tư bản chủ nghĩa để truyền bá những tư tưởng tư sản. Bên cạnh đó, họ còn tung ra những chiêu bài với cái gọi là “tự do”, “dân chủ” theo kiểu hỗn độn trong một khuôn khổ nhất định, khuyến khích lối sống không quan tâm đến xã hội để dễ quản lý và bóc lột.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét