Thứ Ba, 30 tháng 1, 2024

MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ BẢO VỆ TỔ QUỐC VIỆT NAM XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

 

Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới mà Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII vừa thông qua là mưu lược, kế sách quốc gia nhằm xác định mục tiêu, quy tụ lực lượng và lựa chọn giải pháp có tính khả thi, tạo nên sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới. Trong đó có những giải pháp đột phá để ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa.

Một số giải pháp chủ yếu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, là rất cần thiết trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đòi hỏi đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược phải nghiên cứu, quán triệt sâu sắc mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành những giải pháp bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Quán triệt đường lối độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Kiên trì chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa; thêm bạn, bớt thù, vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Tăng cường hợp tác, tạo thế đan xen lợi ích chiến lược giữa nước ta với các nước, nhất là các nước lớn, các đối tác chiến lược, các nước láng giềng và các nước trong khu vực; tránh xung đột, đối đầu, tránh bị cô lập, phụ thuộc. Vận dụng đúng đắn quan điểm về đối tác, đối tượng; nâng cao chất lượng công tác dự báo, nắm chắc tình hình; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố, nhất là những nhân tố bên trong có thể dẫn đến những đột biến, bất lợi.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cần tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chiến lược sau. Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Không để xảy ra bạo loạn chính trị và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Ngăn chặn, đẩy lùi mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, nguy cơ can thiệp quân sự và xung đột vũ trang, xâm hại chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, kết hợp chặt chẽ với bảo vệ Đảng, bảo vệ an ninh chính trị nội bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt vững vàng về chính trị, có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận và giáo dục chính trị- tư tưởng. Phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Xây dựng Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thực sự trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân.

Thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với giải quyết các vấn đề xã hội, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm công bằng xã hội. Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa đi đôi với tăng cường trật tự, kỷ cương, giải quyết tốt các vấn đề dân tộc, tôn giáo; tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Trong thời bình, cần tiếp tục xây dựng và dự trữ tiềm lực quốc phòng bằng giải pháp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; giữ vững độc lập, tự chủ trong mở rộng hợp tác kinh tế; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, tăng lượng dự trữ quốc gia; gắn phát triển kinh tế với bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực, sẵn sàng huy động các nguồn lực cho quốc phòng.

Từng bước hòa nhập công nghiệp quốc phòng vào công nghiệp quốc gia. Đầu tư xây dựng có trọng điểm một số cơ sở công nghiệp quốc phòng tiên tiến, tiến tới hình thành các tập đoàn, tổ hợp công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng công nghệ cao, tự chủ; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tăng cường triển khai các giải pháp nhằm giữ gìn và phát huy thuần phong mỹ tục của nền văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại; hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Kiên quyết ngăn chặn sự "xâm lăng văn hóa" từ bên ngoài, các khuynh hướng văn hóa trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực nội sinh và ngoại sinh, vật chất và tinh thần, trước hết là chủ nghĩa yêu nước, ý chí độc lập, tự cường, tinh thần tự hào dân tộc, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tính độc lập, tự chủ, sáng tạo, tính nhân văn cao cả của dân tộc, nhằm đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại trong thời gian tới.

Thực hiện có hiệu quả phương châm bảo vệ Tổ quốc từ bên trong, tự bảo vệ, chủ động giữ nghiêm kỷ cương, phép nước. Lấy giáo dục, thuyết phục, phòng ngừa là chính, hạn chế sử dụng bạo lực. Mặt khác, cũng phải kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập trong nước. 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét