Nếu cho rằng, sức mạnh mềm là khả năng hấp dẫn đối tác thì khi xác định nguồn sức mạnh mềm
của Việt Nam cần tiếp cận theo nghĩa rộng, bao hàm tất cả những gì có thể tạo nên và gia tăng
khả năng ấy, trong đó quan trọng nhất, bao gồm:
Thứ nhất, lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam khiến các nhà lãnh
đạo, học giả và những người quan tâm đến lịch sử ở nhiều nước trên thế giới ngưỡng mộ. Giữ
vững độc lập sau gần 1.000 năm Bắc thuộc, đẩy lùi các nỗ lực xâm lược, đồng hóa, nhất là ba lần
đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược và giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực
dân Pháp, chống đế quốc Mỹ trong thời đại Hồ Chí Minh, đã đưa dân tộc Việt Nam lên vị trí
hàng đầu trong các dân tộc yêu độc lập, tự do và kiên quyết bảo vệ độc lập, tự do. Hiện nay,
nhiều nhóm nước bạn bè quốc tế vẫn luôn sẵn sàng ủng hộ Việt Nam, bỏ phiếu ủng hộ Việt Nam
ứng cử tại các tổ chức đa phương khu vực và quốc tế, nhất là Liên hợp quốc, mà không đưa ra
hoặc yêu cầu bất cứ điều kiện gì.
Thứ hai, nền văn hóa Việt Nam có sức hấp dẫn cao. Điều này thể hiện qua một số điểm chính
sau: Một là, tính bao dung. Là một trong những dân tộc chịu nhiều đau thương, mất mát trong
lịch sử, nhưng người dân Việt Nam không bao giờ nuôi thù hận. Việt Nam không quên những tội
ác và hậu quả bi thảm mà các thế lực ngoại bang gây ra trong các cuộc chiến tranh xâm lược tàn
khốc, nhưng chúng ta gác lại quá khứ, nhìn về tương lai. Việt Nam không sử dụng lịch sử làm
công cụ triển khai chính sách đối ngoại. Với cách ứng xử đó, Việt Nam đã chuyển hóa được tất
cả thế lực ngoại bang xâm lược (trong lịch sử cận đại và hiện đại) trở thành đối tác. Hai là, sự
hiếu khách. Sự hiếu khách của người dân Việt Nam không chỉ thể hiện ở tính cởi mở, sẵn sàng
đón nhận, mà còn là sự tôn trọng khách. Phần lớn người nước ngoài đến Việt Nam, nếu vượt qua
được những cú “sốc” văn hóa, đều có ấn tượng rất tốt và sâu sắc về đất nước, con người Việt
Nam. Ba là, tính đa dạng và đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam. Trong thế giới công nghiệp hóa,
văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam với nhiều giá trị được bảo tồn và phát triển, có sức hấp dẫn lớn
đối với người nước ngoài.
Thứ ba, mục tiêu và thành tựu phát triển của Việt Nam tạo được ấn tượng tốt đối với cộng đồng
quốc tế. Chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam xây dựng có đặc trưng bao quát là “dân giàu, nước
mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Điều này được phần lớn các nước trong cộng đồng quốc
tế tán đồng. Cũng chính điều này đã giúp nhiều học giả nước ngoài hiểu được Việt Nam đã và
đang hướng tới các mục tiêu chung của nhân loại tiến bộ. Bên cạnh đó, những thành tựu phát
triển vì con người cũng góp phần tạo nên sự hấp dẫn của nền văn hóa Việt Nam. Trong các vấn
đề về quyền con người, dân chủ và tự do tôn giáo, Việt Nam cũng tiếp thu phần lớn các mục tiêu
chung của nhân loại. Điểm khác biệt giữa Việt Nam với một số nước phương Tây là phương
cách và lộ trình đi đến các mục tiêu đó. Để thu hẹp sự khác biệt, Việt Nam chuyển từ “đấu tranh”
sang phương thức thiên về “chia sẻ, thuyết phục”. Với cách tiếp cận này và đặc biệt là những
thành tựu đạt được trong bảo đảm quyền con người đã góp phần nâng tầm vị thế, hình ảnh đất
nước, con người Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế, kể cả các nước phương Tây.
Thứ tư, chính sách đối ngoại và quan hệ của Việt Nam với các đối tác cũng tạo thiện cảm nhất
định trong cộng đồng quốc tế. Từ quan điểm “nhất biên đảo”, Việt Nam dần chuyển sang đường
lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hội nhập quốc tế, sẵn sàng làm bạn, là
đối tác tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Nguyên tắc đối ngoại
là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương
Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Đường lối, chính sách này
mang quan điểm riêng của Việt Nam, nhưng cũng chia sẻ với phần lớn các nước vừa và nhỏ trên
thế giới, nhất là trong phương châm làm bạn với tất cả các nước, nhưng không làm đồng minh
của nước nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét