Tre Việt Nam cứng cỏi mà linh hoạt. Theo triết lý phương Đông, cây tre là biểu tượng của mẫu
người quân tử: trọng chữ tín và đạo nghĩa. Vững chắc và linh hoạt, cương và nhu là hai mặt có
mối quan hệ biện chứng. Nếu chỉ uyển chuyển mà không vững được ở gốc, thì khi gió bão sẽ bị
lay đổ, bật gốc. Còn nếu chỉ chắc ở gốc rễ mà không biết linh hoạt lựa thế, thì thân sẽ gãy, cành
sẽ lìa. Tre mọc thẳng, nhưng dáng mềm, gió táp tứ phía mà không đổ gãy. Tre cũng giống như
người quân tử không hạ mình, mà biết nhún nhường; người quân tử chính trực, mà cũng dung
hòa vì đại cục.
Ngày nay, trước một thế giới cạnh tranh chiến lược gay gắt của các nước lớn, Việt Nam luôn
kiên định nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường, vì chính nghĩa. Chính điều này khiến Việt
Nam luôn được các nước nể trọng và đánh giá cao.
Tre Việt Nam do đó thể hiện đặc điểm đáng quý của truyền thống ngoại giao Việt Nam thời đại
Hồ Chí Minh là thủy chung, chính nghĩa, “kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược”.
Nguyên tắc là độc lập, tự chủ, là lợi ích quốc gia - dân tộc. Sách lược là những biện pháp khéo
léo, linh hoạt nhằm giữ vững nguyên tắc đó. Vì cội gốc và mục đích vững chắc đó nên ngoại
giao Việt Nam luôn vững vàng, thích ứng trước những khắc nghiệt và chuyển biến của thời cuộc.
Tre Việt Nam phát triển tốt ở cả những nơi đất cằn, không kén chọn. Dù đất nước phồn thịnh và
cả khi gặp khó khăn, dù môi trường thế giới bên ngoài thuận lợi hay trắc trở, ngoại giao luôn
chắt lọc cơ hội, nhận diện và kiến tạo cơ hội, là nghệ thuật, là dấn thân vượt khó khăn. Khi ở vào
hoàn cảnh khó khăn, ngoại giao cũng như đất nước luôn coi nghịch cảnh là nơi thử thách bản
lĩnh và trí tuệ, là bước đà tạo thế lập thời, từ đó mà quật khởi vươn lên. Còn khi đất trời thuận
lợi, tre biết vươn ra vừa đủ, rồi thu mình khiêm nhường thành khóm, thành cụm, cố kết với nhau
để mạnh mẽ hơn.
Với bề dày lịch sử hào hùng và truyền thống vẻ vang, sứ mệnh của ngoại giao Việt Nam là luôn
“phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ”, đi tiên phong góp phần củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ
điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước, giúp đất nước vượt qua những rủi ro, thách
thức, đặt đất nước vào vị trí thuận lợi nhất trong dòng chảy của thời đại.
Tre phục vụ đất nước, phục vụ người dân. Cả đời tre cống hiến cho cuộc sống của người dân
Việt Nam: là thức ăn, là nguyên liệu tạo nên công cụ lao động, để làm nhà, làm rào chắn, làm vũ
khí… Ngoại giao cũng như vậy, phục vụ đất nước từ những điều nhỏ bé đến mục tiêu lớn lao,
trong mọi tình huống, hoàn cảnh. Cũng như tre dựa vào thổ nhưỡng, ngoại giao dựa vào thế và
lực của đất nước, luôn góp phần bảo vệ và làm gia tăng vị thế và uy tín của đất nước. Tre bắc cầu
nối bờ bến thì ngoại giao cũng bắc nhịp cầu hòa bình và hữu nghị, hợp tác và phát triển, hiểu biết
và giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc và quốc gia, giữa đất nước và thế giới.
Trong thời chiến, ngoại giao kết hợp cùng quân sự kiến tạo nền hòa bình cho dân tộc. Trong thời
bình, ngoại giao phục vụ phát triển đất nước, góp phần mở rộng các mối quan hệ giao lưu, tiếp
nhận những giá trị tinh hoa văn hóa của nhân loại. Thời điểm đất nước bị bao vây, cô lập, ngoại
giao bảo vệ sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc, đấu tranh đàm phán, tạo đột phá, mở đường để
đất nước tham gia hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh đất nước chịu tác động nặng nề của đại dịch
COVID-19, ngoại giao Việt Nam là “mũi chủ công” trong mặt trận ngoại giao y tế, ngoại giao
vaccine, cùng các lực lượng khác đóng góp vào sự bình an của người dân và ổn định của đất
nước.
Tre tiên phong giữ đất, giữ làng, góp phần giữ gìn cuộc sống yên bình và no ấm. Rặng tre bao
kín quanh làng, trở thành một thành lũy kiên cố tự nhiên ngoài cùng bao bọc cộng đồng cư dân.
Cũng như tre, ngoại giao có sứ mệnh là lực lượng tiên phong trong việc gìn giữ môi trường hòa
bình, ổn định, bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, đóng vai trò quan trọng cùng các lực lượng khác
trong bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Ngoại giao kiến tạo và gìn giữ những
điều kiện thuận lợi nhất để phục vụ phát triển đất nước, nâng cao vị thế đất nước.
Thế giới đang biến động rất nhanh và phức tạp, có những thách thức, rủi ro tiềm ẩn khó dự báo
và có cả những cơ hội nảy sinh mà nếu không nhạy bén, thấu suốt sẽ bị bỏ lỡ. Trong mọi hoàn
cảnh, ngoại giao phát huy tinh thần tiên phong, “đi trước, về sau”, “lo trước cái lo của thiên hạ,
vui sau cái vui của thiên hạ”. Sự vẻ vang của người làm công tác ngoại giao không phải là vẻ
vang cho riêng mình, mà là những điều làm được để đất nước bình an, phát triển và hội nhập
quốc tế, được bạn bè năm châu biết đến và nể trọng.
Tre Việt Nam không đứng một mình, mà sống quần thể, thành khóm, thành bụi, nhờ đó mà vững
vàng và làm nên thành lũy. Đối ngoại và hội nhập quốc tế là sự nghiệp của cả đất nước và dân
tộc. Trong đó, ngoại giao không làm một mình, mà luôn đồng lòng sát cánh cùng các lực lượng
khác, từ đó phát huy vai trò chủ chốt trong tổng thể chung của mặt trận đối ngoại.
Đại hội XIII của Đảng đã đề ra chủ trương xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ
cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Trong đó, dưới sự lãnh đạo
của Đảng, ngoại giao nhà nước là lực lượng chủ công, với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các binh
chủng làm đối ngoại là ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kinh tế đối ngoại và các lĩnh vực khác.
Chính sự kết hợp chặt chẽ những trụ cột và binh chủng này đã, đang và sẽ “nên lũy, nên thành”,
tạo nên sức mạnh tổng hợp của mặt trận đối ngoại để bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Tre già, măng mọc - đó là lẽ tự nhiên, là bản chất, quy luật truyền thống. Tre Việt Nam là sự kế
thừa, tiếp nối từ đời này sang đời khác, dù phải trải qua giông bão hay khi phải hy sinh thân
mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét