Thứ Ba, 30 tháng 1, 2024

NHỮNG KỶ VẬT THIÊNG THIÊNG VỀ BÁC HỒ BÊN DÒNG SÔNG TIỀN

 

Trải qua những năm chiến tranh gian khổ, rồi đất nước hòa bình, thống nhất, người dân Tiền Giang luôn một lòng thành kính hướng về Bác Hồ, đi theo con đường Bác đã chọn. Nhiều hình ảnh, kỷ vật còn lưu lại thể hiện tình cảm thiêng liêng đó.

Trong số trên 52.000 hình ảnh, di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia đang được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Tiền Giang có nhiều hiện vật quý thể hiện tình cảm thiêng liêng của quân và dân hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là những kỷ vật thiêng liêng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Tiền Giang luôn mang bên mình để hướng về Đảng, về Bác, giúp nung nấu ý chí, quyết tâm chiến đấu đến ngày thắng lợi, thống nhất đất nước. Nhiều hình ảnh, kỷ vật quý về Bác Hồ cũng được người dân Tiền Giang lưu giữ từ sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước, như là tấm lòng nguyện đi theo con đường Bác Hồ đã chọn.

Tập ảnh về hoạt động của Bác Hồ từ năm 1920 đến 1969 gồm 31 ảnh ông Nguyễn Văn Tám - cán bộ hoạt động cách mạng hoạt động tại huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) gìn giữ từ những năm chiến tranh, đến năm 2001 - trao tặng lại cho Bảo tàng tỉnh. Theo hồ sơ lưu lại, giai đoạn 1968 - 1969, hưởng ứng Lời kêu gọi của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ủng hộ cách mạng bằng cách đóng thuế đảm phụ nuôi quân, gia đình ông Tám đã đạt được cả 3 tiêu chí là “Chí cốt cách mạng; Gia đình cách mạng; Gia đình, bản thân và vận động tốt mọi người đóng thuế đảm phụ” nên được Nông hội huyện Gò Công Tây tặng Giấy khen và tập ảnh Bác Hồ nói trên. Trải qua những năm chiến tranh nhiều hy sinh gian khổ, ông Tám luôn giữ tập ảnh Bác Hồ bên mình.

Một tập ảnh khác về Bác Hồ có tên “Hồ Chủ tịch sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!” do Việt Nam Thông tấn xã xuất bản lần thứ nhất năm 1970 cũng được trưng bày trong Bảo tàng tỉnh Tiền Giang. Tập ảnh này của ông Phạm Văn Tổng (phường 3, TX. Gò Công, Tiền Giang) hiến tặng cho Bảo tàng. Theo ông Tổng, năm 1973 khi đang hoạt động cách mạng, ông được tặng tập ảnh về Bác và luôn giữ bên mình trong những năm chiến tranh gian khổ cho đến ngày toàn thắng. Ông luôn xem tập ảnh như báu vật và hiến tặng lại cho Bảo tàng tỉnh để có điều kiện lưu giữ cho đời sau.

Nhiều hình ảnh khác về Bác Hồ cũng được Bảo tàng Tiền Giang lưu giữ, trưng bày như Ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do ông Nguyễn Văn Môn cất giữ trong quá trình hoạt động cách mạng tại xã Nhị Bình (huyện Châu Thành) từ năm 1970; Tấm ảnh chân dung Bác trên vải lụa của ông Nguyễn Văn Đực (xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo) được tặng vào thời điểm giải phóng miền Nam năm 1975… Hưởng ứng sự vận động của Bảo tàng tỉnh Tiền Giang, chủ nhân của những tấm ảnh giá trị đều hiến tặng.

Về đề tài Di chúc Bác Hồ, nhiều hiện vật quý vẫn được Bảo tàng Tiền Giang lưu giữ. Bản di chúc của Hồ Chủ tịch do tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) tặng cho ông Nguyễn Văn Hồng (xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè) là cán bộ chính trị Tỉnh đội Mỹ Tho vào năm 1969. Một Bản di chúc khác do Ban Chính trị E2 tặng cho ông Trần Văn Đức (xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè) năm 1969 khi ông đang chiến đấu tại Tiểu đoàn 514. Trong suốt thời gian công tác, ông Hồng và ông Đức luôn xem bản di chúc là kỷ vật thiêng liêng và gìn giữ cẩn thận cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tàng tỉnh Tiền Giang cũng lưu giữ nhiều hình ảnh, hiện vật về Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, gây cảm xúc nhiều nhất là Băng tang do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cấp phát cho ông Trần Ngọc Khải Hoàn (phường 6, TP.Mỹ Tho) để tang Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đang hoạt động cách mạng tại chiến khu R, tỉnh Tây Ninh.

Nhiều người dân tỉnh Tiền Giang cũng lưu giữ hình ảnh, hiện vật về Bác Hồ. Tiêu biểu là ông Trần Văn Tám, một người dân sống trên cù lao Tân Phong giữa sông Tiền (thuộc huyện Cái Bè, Tiền Giang) với hàng trăm hình ảnh, kỷ vật về Bác. Nhà ông Tám có bàn thờ Bác Hồ và 30 năm qua từ khi cha là ông Nguyễn Thanh Bình (mất năm 2018) khởi xướng, gia đình hằng năm vẫn tổ chức giỗ Bác, mời bà con trong ấp đến dự.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét